Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 23/3/2017 16:22'(GMT+7)

Xây dựng di tích xứng với chiến công

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có những chiến lược đầu tư bài bản, khoa học để xây dựng, tôn tạo, giữ gìn các di tích lịch sử, văn hóa từ ngàn xưa để lại, đồng thời xác định giá trị của các di tích lịch sử cách mạng được tạo dựng trong thời đại Hồ Chí Minh để xây dựng kế hoạch đầu tư. Các địa phương cũng đã chủ động trong việc phân loại, phân cấp đầu tư, quản lý, khai thác, nhằm không ngừng phát huy giá trị của các di tích. Vì vậy cho đến nay, trên địa bàn cả nước đã hình thành nên hệ thống di tích lịch sử, văn hóa khá đa dạng, phong phú, phục vụ tích cực việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế thì thấy, vẫn còn không ít di tích chưa được chăm nom, giữ gìn, tu bổ đúng với tầm cỡ của nó. Còn nhiều nơi, nhiều địa danh đã từng ghi dấu ấn chiến công của quân và dân cả nước trong suốt các cuộc kháng chiến của dân tộc nhưng chưa được xây dựng, tu bổ tương xứng. Bên cạnh đó cũng còn nhiều di tích, sau khi xây dựng, việc khai thác, sử dụng chưa hiệu quả, chưa phát huy hết công năng, chưa xứng với ý nghĩa và tầm cỡ của các di tích. Vì vậy việc tiếp tục xây dựng, phát huy giá trị của các di tích là rất cần thiết, cấp thiết.

Để thực hiện tốt vấn đề trên, các địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức rà soát lại các địa danh, các nơi ghi dấu chiến công của đảng bộ, quân và dân địa phương mình để đưa vào danh mục quản lý có hệ thống. Các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và địa phương, lại đã được đầu tư xây dựng cơ bản thì cần có kế hoạch khai thác, sử dụng bảo đảm hiệu quả để tránh lãng phí. Đối với các di tích chưa được xây dựng, tôn tạo thì cần phải có chính sách đầu tư bảo đảm linh hoạt, không ỷ lại vào nguồn kinh phí từ trên. Việc đầu tư cần được xác định trong kế hoạch chi tiêu ngân sách hằng năm, không để xảy ra tình trạng đầu tư theo cảm hứng, hoặc đầu tư theo cơ chế xin-cho. Về lĩnh vực này, những năm gần đây, nhiều địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp, các cá nhân vào cuộc theo hướng xã hội hóa việc xây dựng, tôn tạo di tích và đã tạo ra hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong việc xã hội hóa đầu tư xây dựng, tôn tạo các di tích, cần phải xem xét hài hòa cả lợi ích của nhân dân và lợi ích của doanh nghiệp.

Việc đầu tư xây dựng các di tích cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và tập trung có trọng tâm, trọng điểm, nhất là vào các dịp kỷ niệm lớn, chẳng hạn như năm 2017 là dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), hoặc dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7)... Khi các di tích được xây dựng, giữ gìn chính là thể hiện tầm cao văn hóa, tinh thần hướng về nguồn cội, hướng về truyền thống của người Việt Nam, từ đó mà nuôi dưỡng ý chí quật cường, tình yêu quê hương, đất nước cho lớp lớp các thế hệ./.

Trần Vũ (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất