Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 30/5/2013 16:53'(GMT+7)

Hình thái mới của chủ nghĩa khủng bố

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Năm 2001, 19 tên không tặc và một hệ thống hỗ trợ quy mô lớn đã phá vỡ bức tường an ninh nước Mỹ, bằng việc lao những chiếc máy bay cướp được vào Tòa tháp đôi ở Niu Y-oóc, Lầu Năm góc..., những biểu tượng quyền lực của xứ cờ hoa.

Ba năm sau, ngày 11/3/2004, chỉ trong vòng mười phút, thủ đô Ma-đrít của Tây Ban Nha rúng động bởi bốn vụ nổ bom nhằm vào bốn đoàn xe lửa ngay giữa giờ cao điểm, làm 180 người thiệt mạng và 600 người khác bị thương.

Sau sự kiện này một năm, đến lượt nước Anh lại hứng chịu vụ đánh bom kinh hoàng vào hệ thống tàu điện ngầm ở Luân Đôn làm 52 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương.

Bóng ma khủng bố bao trùm nước Mỹ và châu Âu.

Từ đó đến nay, lực lượng an ninh ở Mỹ và châu Âu đã khám phá và đập tan nhiều âm mưu tấn công khủng bố quy mô lớn. Đặc biệt, lực lượng an ninh Mỹ đã vô hiệu hóa nhiều mạng lưới khủng bố bằng nhiều hình thức, kể cả việc nghe lén các cuộc trò chuyện điện thoại, kiểm soát thư điện tử.

Nói cách khác, nhất cử nhất động của mọi tổ chức khủng bố đều khó có thể qua mặt được an ninh Mỹ. Do đó, kể từ vụ khủng bố ở Luân Đôn năm 2005 cho tới trước vụ đánh bom kép ở Bô-xtơn ngày 15/4 vừa qua, người ta đã được ru ngủ về khả năng kiểm soát các nguy cơ  khủng bố.

Thế nhưng, một loạt vụ tấn công mang tính chất khủng bố liên tục xảy ra trong một tháng qua ở các thành phố lớn của Mỹ, Anh, Pháp đã khiến nhiều người nhận ra rằng, nguy cơ khủng bố vẫn chưa được loại trừ và nó vẫn hiện hữu bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Nhìn lại một cách hệ thống những vụ tấn công mang yếu tố khủng bố thời gian gần đây, dễ dàng nhận thấy có một mối liên hệ nhân quả giữa các cuộc chiến lớn với những hành động khủng bố nhỏ lẻ.

Không khó khăn để nhận ra rằng, vụ đánh bom ở Bô-xtơn làm ba người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương cũng như vụ tấn công bằng dao phay ngay giữa thủ đô Luân Đôn cướp đi sinh mạng của binh sĩ Li Ríp-gbai (Lee Rigby) là hệ quả của cuộc chiến do Mỹ và Anh đi đầu ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Các thủ phạm bị bắt thừa nhận rằng, hành động của chúng nhằm trả thù cho những người anh em Hồi giáo bị lính Mỹ, Anh sát hại.

Còn vụ mưu sát không thành một quân nhân ở thủ đô Pa-ri, dù chưa xác định là một “vụ tấn công khủng bố”, nhưng người ta cho rằng đó cũng là để trả đũa cho việc Pháp đưa quân tham chiến ở Ma-li đầu năm 2013.

Một quy luật "mắt đền mắt, răng đền răng" nghiệt ngã!


Dù đó là những nguyên nhân thật sự hay chỉ là lý lẽ để biện minh cho hành động khủng bố thì một kết quả nhãn tiền vẫn giống nhau: Đó là sự hoảng sợ của số đông người dân, những người vẫn nghĩ mình có một chỗ trú ẩn an toàn đằng sau hệ thống an ninh dày đặc của các cơ quan bảo vệ.

Nói một cách khác, những người vô tội đã phải trả giá-đôi khi bằng tính mạng-thay cho các cuộc chiến do các chính phủ tiến hành ở những nơi xa lắc xa lơ, không liên quan gì đến họ.

Nhìn lại các vụ khủng bố từ năm 2001 đến 2013, có thể nhận ra rằng, chủ nghĩa khủng bố đã có những thay đổi hình thái, chuyển từ chiến thuật các trận đánh lớn, có tổ chức như vụ 11/9 sang chiến thuật tấn công nhỏ, lẻ kiểu “con sói cô độc”, tinh vi và gây hiệu ứng lớn. Những “con sói cô độc” đó có thể kể đến như Phai-dan Sa-dát (Faizal Shahzad), chủ mưu vụ đánh bom bất thành ở Quảng trường Thời đại (Niu Y-oóc, Mỹ) hay Mô-ha-mét Mê-ra (Mohamed Merah), kẻ tự xưng là người bảo vệ đạo Hồi, đã nổ súng giết hại 7 người ở thành phố Tu-lu-dơ (Pháp)…

Vậy những "con sói cô độc" ấy từ đâu ra?

“Con sói cô độc" từng được đề cập đến trên các phương tiện truyền thông phương Tây vào những năm 1990, khi nó được mô tả là một mô hình đặc biệt của chủ nghĩa cực đoan. Khác với các tổ chức khủng bố, đó là hoạt động của những cá nhân hoặc một nhóm nhỏ hoạt động bí mật. Mục tiêu tấn công của chúng cũng thay đổi từ tập trung vào máy bay, hệ thống tàu hỏa chuyển sang khách sạn và các sự kiện thể thao.

Những "con sói cô độc" không đòi hỏi chi phí cao để chế các vật liệu nổ theo công thức được biết từ phân bón ni-tơ và nhiên liệu diesel. Tuy nhiên, phản ứng trên các phương tiện truyền thông trước tội ác của chúng, sự hoảng loạn, kích động và sợ hãi của dân chúng cũng hiệu quả không kém gì những vụ tấn công quy mô lớn. Điều đó đã được nhận thấy rõ từ vụ thảm sát ở Tu-lu-dơ của Pháp năm ngoái hay vụ thảm sát ở Bô-xtơn gần đây.

Rõ ràng, mối đe dọa từ "con sói cô độc" đang tạo ra thách thức lớn đối với đội ngũ an ninh trong việc nhận diện và giám sát vì các cuộc tấn công quy mô nhỏ rất khó ngăn ngừa. Nhận diện được gương mặt mới của chủ nghĩa khủng bố là một chuyện, nhưng phát hiện, tiến tới vô hiệu hóa lại là một chuyện khác

Vấn đề là phải loại trừ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới những hành động khủng bố. Mà điều đó không chỉ bằng các biện pháp phòng ngừa của các cơ quan an ninh, mà phải từ các quyết định chính trị của các chính phủ  phương Tây./.

Linh Oanh (QĐND)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất