Thứ Bảy, 21/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 26/5/2013 17:21'(GMT+7)

Tín hiệu tích cực trên Bán đảo Triều Tiên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) trong cuộc gặp với Đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Chô Ri-âng Hê.  (Ảnh: AP).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) trong cuộc gặp với Đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Chô Ri-âng Hê. (Ảnh: AP).

Phát biểu trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 24/5 vừa qua, Đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên, Phó nguyên soái Chô Ri-âng Hê (Choe Ryong-hae), khẳng định mong muốn chân thành của Triều Tiên là tạo bầu không khí đối ngoại hòa bình, nhằm phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân. Bình Nhưỡng sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan nhằm giải quyết các vấn đề một cách thỏa đáng thông qua đàm phán và tham vấn, trong đó có đàm phán sáu bên cũng như thực thi các biện pháp tích cực nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Đặc phái viên Chô Ri-âng Hê đã chuyển lá thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un (Kim Jong Un) tới Chủ tịch Tập Cận Bình.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh về việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cho rằng tất cả các bên liên quan đều phải thống nhất mục tiêu này bất chấp tình hình diễn biến thế nào. Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ phi hạt nhân hóa và duy trì hòa bình ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên là nguyện vọng của mọi người dân trong khu vực. Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này, đó là tất cả các bên liên quan cần kiên trì mục tiêu phi hạt nhân hóa, bảo đảm hòa bình và ổn định trên bán đảo cũng như giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn”. Vì vậy, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan cần kiềm chế, làm giảm căng thẳng tình hình và tái khởi động đàm phán sáu bên.

Ông Chô Ri-âng Hê tới Bắc Kinh ngày 22/5 để hội đàm với các quan chức cấp cao Trung Quốc. Chuyến thăm này được giới phân tích nhận định là để cải thiện quan hệ song phương vốn bị suy giảm sau sự kiện Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2/2013 và hai bên có thể thảo luận các biện pháp nhằm cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.

Theo các nhà phân tích, phát biểu của ông Chô Ri-âng Hê có thể là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi quan trọng trong thái độ của Triều Tiên. Hồi tháng 3 và tháng 4, Bình Nhưỡng đã khuấy đảo tình hình khu vực bằng những đe dọa quân sự quyết liệt, nhưng trong những tuần gần đây, tình hình đã lắng dịu đi rất nhiều. Trước đó, hôm 21/5, phía Triều Tiên cũng đề xuất với Hàn Quốc đồng tổ chức một sự kiện kỷ niệm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 nhằm tăng cường hợp tác và hòa giải giữa hai miền Triều Tiên.

Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng trước đề nghị này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ P.Ven-tren (P.Ventrell) cho hay: “Tôi không cho rằng chúng tôi đã có đủ thông tin để xác định nó”. Ông cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Chô Ri-âng Hê vẫn đang tiếp tục và phía Mỹ vẫn chưa nhận được thông tin cập nhật nào từ phía Trung Quốc về chuyến thăm này. Ông Ven-tren nhấn mạnh rằng Triều Tiên biết rõ cần phải làm gì để nối lại đàm phán với Mỹ.

Phản ứng trước thông tin trên, ngày 25/5, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) cho rằng khả năng Triều Tiên nối lại các cuộc đàm phán song phương với Nhật Bản hay tham dự các cuộc đàm phán sáu bên-gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga-hiện "vẫn còn mơ hồ". Hiện chưa có bình luận nào từ Chính phủ Hàn Quốc.

Trong khi đó, ngày 25/5, Nga đã hoan nghênh phát biểu của ông Chô Ri-âng Hê. Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời đặc phái viên nước này về vấn đề Triều Tiên, ông Gri-gô-ri Lô-vi-nốp (Grigory Logvinov) cho biết, việc Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng và mong muốn trở lại bàn đàm phán là một dấu hiệu tiến bộ.

Ngày 24/5, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho rằng cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với Đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Phó nguyên soái Chô Ri-âng Hê đã tạo ra "động lực tích cực" theo chiều hướng này. Ông Ban Ki Mun bày tỏ hy vọng Triều Tiên sau khi tỏ ra sẵn sàng tham gia đàm phán 6 bên, sẽ có những hành động thiết thực thông qua tham vấn của các bên có liên quan. Theo Tổng thư ký Ban Ki Mun, việc cần làm trước tiên là phải giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên./.

Ngọc Hà (QĐND)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất