Lần đầu tiên, công chúng yêu thích nghệ thuật trong và ngoài nước tại
Thành phố Hồ Chí Minh có dịp chiêm ngưỡng tận mắt một số hình tượng linh
vật trong nghệ thuật cổ đặc sắc của dân tộc.
Ngày 15/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối
hợp cùng với Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Hình tượng Sư tử và Nghê trong nghệ
thuật điêu khắc cổ Việt Nam,” giới thiệu 55 hiện vật từ thời Lý, Trần,
Hậu Lê, Nguyễn.
Lần đầu tiên, công chúng yêu thích nghệ thuật trong và ngoài nước tại
Thành phố Hồ Chí Minh có dịp chiêm ngưỡng tận mắt một số hình tượng linh
vật trong nghệ thuật cổ đặc sắc của dân tộc.
Đây là những hiện vật được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ,
đồng; trong đó có một số tư liệu, tài liệu khoa học phụ của các tổ
chức, đồng nghiệp có liên quan như hình ảnh, các bản vẽ đạc họa, tường
giải trên cơ sở nghiên cứu hiện vật.
Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho
biết 55 tác phẩm này là những hiện vật độc đáo trong kho tàng di sản
nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc truyền bá, giới thiệu di
sản quý giá của dân tộc đến với mọi tầng lớp nhân dân là rất cần thiết,
nhất là công chúng trẻ được hiểu thêm về ý nghĩa biểu tượng văn hóa của
các linh vật trong nghệ thuật cổ Việt Nam. Qua đó, các bạn trẻ có thể
tìm thấy được nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật dựa trên các tác phẩm
cổ xưa của cha ông để lại.
Bên cạnh đó, đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm định hướng thẩm mỹ công
chúng trên cơ sở sưu tập hiện vật bảo tàng để giáo dục toàn diện về
trí-đức-thể-mỹ, giúp người dân biết trân trọng và tự hào với kho tàng di
sản dân tộc.
Trước đó, triển lãm cũng được giới thiệu với công chúng tại Hà Nội, Đà
Nẵng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo tầng lớp nhân
dân.
Các tác phẩm sẽ được trưng bày đến hết ngày 12/2./.
Gia Thuận (TTXVN)