Các nhà thầu cam kết chậm nhất đến ngày 25/12/2016 sẽ phải lắp đặt xong
đầu thu tới các hộ gia đình thụ hưởng. Số lượng đầu thu hỗ trợ tại 8
tỉnh lần này là 80.248 bộ, tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 48 tỷ
đồng.
Theo báo cáo của Ban quản lý Chương trình Viễn thông công ích, đơn vị
này đang tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ TT&TT, các Sở
TT&TT để triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ bổ sung đầu thu truyền
hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn nghèo
tiếp cận đa chiều tại 8 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải
Dương, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bình Dương. Đây là các địa phương sẽ tắt
sóng truyền hình analog để chuyển sang thu xem truyền hình số từ
30/12/2016 tới đây.
Ông Bùi Văn Lực, Giám đốc Ban quản lý Chương trình cho biết, đến ngày
14/12/2016 các nhà thầu đã bàn giao hết thiết bị cho đơn vị lắp đặt để
hỗ trợ cho các hộ được thụ hưởng. Các nhà thầu cam kết chậm nhất đến
ngày 25/12/2016 sẽ phải lắp đặt xong đầu thu tới các hộ gia đình.
Trong dự án này, số lượng đầu thu hỗ trợ tại 8 tỉnh là 80.248 bộ, tổng kinh phí thực hiện là hơn 48 tỷ đồng.
Cùng với việc lắp đặt đầu thu cho dự án triển khai tại 8 tỉnh. Ban
quản lý Chương trình đang xây dựng dự án để làm thủ tục đầu tư mua sắm
đầu thu hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc 15 tỉnh sẽ tắt sóng
truyền hình analog vào tháng 7/2017, thuộc giai đoạn 2 của Đề án số hóa
truyền hình.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải yêu cầu, Ban quản lý Chương
trình phải làm đúng thủ tục trình tự đấu thầu, tránh những lỗi cơ bản
trong quy trình thủ tục, đảm bảo tiến độ hỗ trợ cho người nghèo trước
thời điểm tắt sóng truyền hình analog. Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tần số vô
tuyến điện sớm đưa ra số liệu về vùng phủ sóng và phạm vi cần hỗ trợ đầu
thu của dự án giai đoạn 2 để Ban quản lý Chương trình chuẩn bị sớm thủ
tục đấu thầu mua sắm cho dự án tại 15 tỉnh, đảm bảo hoàn thành dự án hỗ
trợ cho người nghèo trước ngày 1/7/2017.
Từ nay đến ngày tắt sóng truyền hình analog ở 8 tỉnh chỉ còn 15 ngày
nữa, Bộ TT&TT xác định tuyên truyền tới người dân về thời điểm tắt
sóng truyền hình analog là nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn này.
Vào ngày 13/12/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã ký ban hành
công văn số 4414/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi UBND các tỉnh: Bắc Ninh, Bình
Dương, Hà Nam, Hải Dương, Hậu Giang, Hưng Yên, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc đề
nghị tăng cường chỉ đạo tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất tại các
địa phương này. Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo
tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất tại địa phương, tập trung vào
những nội dung chủ yếu sau đây:
Chỉ đạo các Đài PT-TH liên tục chạy chữ, phát sóng các đoạn
chương trình thông báo ngày, giờ ngừng phát sóng các kênh truyền hình
tương tự mặt đất tại địa phương vào các khung giờ có nhiều người xem
truyền hình buổi sáng, buổi trưa, buổi tối. Sau ngày 30/12/2016, tiếp
tục duy trì phát sóng trên kênh sóng truyền hình tương tự mặt đất nội
dung thông báo thông tin về chuyển đổi số hóa, hướng dẫn thu xem các
kênh truyền hình địa phương đã được phát trên sóng truyền hình số mặt
đất để đảm bảo người dân không bất ngờ, bị động.
Chỉ đạo các Sở TT&TT đẩy mạnh phổ biến thông tin về thời điểm tắt
sóng các kênh truyền hình tương tự và các hướng dẫn liên quan trên các
phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, đặc biệt là hệ thống
truyền thanh cơ sở tại các địa bàn huyện, xã, thôn, bản để đảm bảo người
dân trên toàn tỉnh biết thông tin về số hóa truyền hình trên địa bàn.
Yêu cầu các Đài PT-TH và Sở TT&TT tăng dần tần suất thông tin
tuyên truyền số hóa vào 2 tuần cuối tháng 12/2016 và cao điểm vào trước,
trong và sau ngày 30/12/2016. Thông báo rộng rãi đến người dân về tổng
đài hỗ trợ thông tin về số hóa truyền hình 0511 1022.
Yêu cầu các Đài PT-TH và Sở TT&TT liên tục cập nhật thông tin mới
nhất về vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và kết quả hỗ trợ
đầu thu truyền hình số tại 8 tỉnh trên trang thông tin điện tử www.sohoatruyenhinh.vn hoặcwww.mic.gov.vn/shth.
Đồng thời, bố trí nhân lực trực tại cơ quan để giải đáp thắc mắc của
người dân về số hóa truyền hình trước, trong và sau ngày 30/12/2016.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề
nghị các cơ quan liên quan của 8 tỉnh liên hệ trực tiếp với Cục Tần số
Vô tuyến điện - Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam
để phối hợp giải quyết./.
Theo ICTnews