Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 20/2/2009 15:4'(GMT+7)

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bảo vệ môi trường: Cần cả vốn và thông tin

iểm tra nước thải sau khi xử lý tại Công ty cổ phần Cholimex.

iểm tra nước thải sau khi xử lý tại Công ty cổ phần Cholimex.


* Phóng viên: Theo ông, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp trong việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường hiện nay là gì?

* Ông LÊ NHƯ ÁI: Có lẽ đó chính là việc thiếu thông tin. Việc tiếp cận thông tin về những quy định thực hiện bảo vệ môi trường gần như doanh nghiệp đều phải tự tìm kiếm. Vậy thì họ tìm kiếm như thế nào? Trước hết là đọc thông tin trên các báo. Kế đến là một số website chuyên ngành. Do đó, thông tin không chi tiết, thậm chí là chắp vá.

Việc thực hiện cũng chính vì thế mà không đầy đủ. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp thuộc những ngành nghề khác nhau cũng không nhận biết hết ngành mình đang hoạt động có phát sinh những loại chất thải gì gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý. Một số ít doanh nghiệp khác thì thiếu vốn đầu tư hoặc vốn đầu tư ít, quy mô sản xuất nhỏ nên chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. 

* Chính vì thế mà ông cho rằng cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp? 

* Đúng là phải như vậy. Nên chăng cơ quan quản lý nhà nước cần có nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức quy định bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp. Cụ thể như tổ chức hội thảo, tập huấn và nhất là phát hành cẩm nang quy định bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, Sở Tài nguyên và Môi trường cần đưa vấn đề bắt buộc doanh nghiệp phải có cẩm nang quy định bảo vệ môi trường, xem đây như là cơ sở để kiểm tra doanh nghiệp có thực hiện đúng quy định bảo vệ môi trường hay không. Nếu doanh nghiệp đã có cẩm nang trong tay nhưng vẫn chưa chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường thì lúc đó việc xử lý mới khiến doanh nghiệp tâm phục khẩu phục. 

* Nếu vậy thì nhiều doanh nghiệp sẽ dựa vào cớ chưa có cẩm nang để chưa chấp hành quy định bảo vệ môi trường?

* Để tránh trường hợp trên, tôi nghĩ chỉ cần thêm thao tác rất đơn giản. Có thể dựa vào hệ thống chính quyền cơ sở (đơn cử như Phòng Kinh tế quận huyện, Ban quản lý KCX-KCN – một trong những cơ quan nắm rất rõ danh sách doanh nghiệp) phát cẩm nang đến với doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nếu cử nhân viên đến nhận thì phải có giấy giới thiệu và phải ký tên vào danh sách nhận. Có như vậy thì khi đoàn thanh tra môi trường đến kiểm tra tại doanh nghiệp, đơn vị sẽ không thể phủ nhận việc đã có cẩm nang thực hiện quy định bảo vệ môi trường. 

* Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp mặc dù đã bị xử phạt nhưng vẫn tái vi phạm? 

* Việc tái vi phạm của doanh nghiệp có thể giải thích với nhiều lý do như thiếu vốn đầu tư; cố tình không chấp hành quy định; không được cộng đồng giám sát chặt chẽ và hình thức xử phạt chưa nghiêm; thiếu thông tin quy định. Vậy khi phát hành cẩm nang đến từng doanh nghiệp thì lý do thiếu thông tin sẽ bị loại trừ. Vấn đề còn lại là phải có chính sách hỗ trợ vốn, tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng và mức xử phạt.

Theo tôi, ngoài việc xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, cần thiết phải tuyên truyền và nếu được, nên phát cẩm nang đến cho cộng đồng dân cư. Mặt khác, công bố rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông về những quy định mà doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tái vi phạm môi trường nói riêng phải làm. Có như vậy, người dân mới có cơ sở để giám sát và kịp thời phản ánh cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc tăng mức xử lý thật nghiêm khắc đủ để răn đe doanh nghiệp vi phạm cũng rất quan trọng. Tôi tin nếu làm tốt các vấn đề trên thì không có doanh nghiệp nào còn cố tình vi phạm nữa. 

* Ông có cho rằng việc siết chặt quản lý môi trường sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, nhất là thời điểm suy thoái kinh tế hiện nay? 

* Nếu cho rằng thực hiện bảo vệ môi trường sẽ gây ảnh hưởng đến lợi nhuận sản xuất, thiệt hại cho kinh tế là hoàn toàn không đúng. Vì nếu họ sản xuất mà vi phạm môi trường thì cái giá phải trả lại cho môi trường, trả lại sức khỏe cho cộng đồng còn cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận doanh nghiệp đóng vào ngân sách. Đơn cử như nhà nước phải xây thêm bao nhiêu bệnh viện, chi phí bảo hiểm y tế phải chi trả thêm bao nhiêu để đủ cho ca bệnh liên quan đến môi trường… Hơn nữa, đây chỉ là giải pháp cuối cùng, giải quyết hậu quả.

Còn để thực sự ngăn chặn được hiểm họa này, nhất thiết phải chặn từ đầu nguồn. Và đó không có cách nào khác là doanh nghiệp phải chấp hành quy định bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ, thời điểm suy thoái kinh tế hiện nay cũng là một khoảng lặng, một cơ hội để doanh nghiệp tự chỉnh trang, tái cấu trúc lại sản xuất của chính mình, trong đó có cả việc đầu tư tốt hơn cho công tác bảo vệ môi trường. Cũng có thể đây sẽ là một bước lùi trong quá trình phát triển kinh tế nhưng ngược lại, sẽ là cơ sở cho những bước tiếp theo chắc chắn và bền vững hơn. 

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất