Thứ Năm, 28/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Sáu, 30/5/2014 15:3'(GMT+7)

Hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển

Bên lề kỳ họp Quốc hội, trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho rằng trước đây Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân đánh bắt. Bây giờ, nếu được thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 3%/năm cho ngư dân đóng tàu sắt, sẽ là điều thuận lợi cho ngư dân. Theo đại biểu, các cơ quan Nhà nước hoặc các Hội nghề cá các địa phương cần tư vấn, hướng dẫn ngư dân làm ăn, đạt được hiệu quả nguồn vốn bỏ ra, để chính sách của Nhà nước thực sự có hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân cho biết: Trường Sa là ngư trường lớn của nhân dân miền Trung, trong đó có Khánh Hòa. Rất mừng là ngay trên Trường Sa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Sở dịch vụ hậu cần nghề cá bắt đầu nuôi một số cá như cá chim, cá bớp. Trong thời gian qua, ngư dân Khánh Hòa vẫn luôn bám biển làm ăn. Sự hợp tác và tạo điều kiện giữa các nghiệp đoàn nghề cá khu vực miền Trung bắt đầu có hiệu quả. Đây là một chính sách tốt, một phong trào mà ngư dân rất ủng hộ. Mong muốn của ngư dân Khánh Hòa cũng như các tỉnh miền Trung là các tổ chức nghiệp đoàn nghề cá phải là người đại diện cho quyền lợi của ngư dân. Khi tàu gặp sự cố, bị tàu nước ngoài tấn công, đàn áp, nghiệp đoàn nghề cá phải là người đầu tiên đứng lên, có thể khởi kiện để người dân tin tưởng, trở thành thành viên tích cực của nghiệp đoàn nghề cá.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhận định: Dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến năm 2020 là nhằm xây dựng hành lang pháp lý để triển khai nhưng điều quan trọng nhất là cần xem xem khâu yếu nhất của ngư dân là gì?. T heo đại biểu, khâu yếu nhất của ngư dân là phương thức sản xuất tập thể trên biển và vấn đề hậu cần nghề cá. Đại biểu đề xuất: Nếu Nghị định tập trung vào quy định các bãi neo đậu phòng chống tránh bão là lại thiên về con đường cũ là đi theo xây dựng cơ bản. Vấn đề ở đây là phải thành lập các doanh nghiệp dịch vụ và lấy chi phí bằng không cho các tàu cá cử ngư dân mà đi đánh bắt ngoài khơi. Nếu ngư dân đi đánh bắt, Nhà nước sẽ cung cấp nước ngọt và đá cây, xăng dầu cho họ, có tàu dịch vụ để quản lý và bảo dưỡng tàu cá theo đúng quy trình hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, các sản phẩm sẽ giữ được phẩm chất sản phẩm, ngư dân giảm được chi phí thời gian, chi phí máy móc, vật tư, nguyên vật liệu để chạy vào bờ để bán rồi lại chạy ra khơi. Với kỹ thuật ấy, người nhà, người chủ phương tiện có thể đợi sẵn ở bờ để nhận sản phẩm trong khi các tàu không phải đi vào bờ. Vấn đề ở đây là phải có phương thức thay đổi toàn diện cách tư duy người ngư dân. Qua sự việc trên biển vừa qua cho thấy nếu, ngư dân chỉ đi đơn lẻ một tàu cá sẽ rất nguy hiểm mà phải liên kết bằng mô hình kinh tế tập thể . Đến giờ là hết sức khẩn thiết, cần áp dụng vào cuộc sống.

Đại biểu kiến nghị: trong thời điểm ngân sách hiện nay còn hạn chế, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ ngư dân những nhu cầu cần thiết. Với trình độ của ngư dân hiện nay, việc đề xuất hỗ trợ vốn để bà con đóng tàu sắt là rất tốt nhưng chưa phù hợp với thực tế. Để làm được điều này, cần nâng cao trình độ sản xuất của ngư dân. Nhà nước cung ứng để ngư dân liên kết phát triển sản xuất, dần dần bà con sẽ tự đóng được tàu sắt. Vấn đề hiện nay là cần thay đổi phương thức sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng cần đổi mới phương thức tiếp cận. Các cơ quan Nhà nước cần xây dựng mục tiêu, có lộ trình thực hiện, với bước đi thích hợp, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Nhà nước phải chọn khâu đột phá, những gì người dân không làm được, không đóng được tàu sắt, không bảo dưỡng được, nhà nước cung ứng, đóng tàu sắt phục vụ đi theo ngư dân

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu rõ: thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ngư dân Việt Nam vẫn kiên trì bám biển. Tuy nhiên, với những trang thiết bị còn thô sơ, hạn chế nên hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần tăng cường các gói hỗ trợ cho ngư dân, tiếp tục quan tâm đầu tư vốn để ngư dân mua trang thiết bị, sửa chữa, đóng mới tàu cá. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời hỗ trợ ngư dân khi có sự xảy ra, đảm bảo an toàn của ngư dân và tàu cá trên biển.

Liên quan đến thông tin Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam cam kết hỗ trợ cho ngư dân khu vực miền Trung 10 nghìn tỷ đồng để sửa chữa, đóng mới tàu cá, đại biểu Nguyễn Thái Học hy vọng gói hỗ trợ này sẽ sớm được triển khai, kịp thời đến được với ngư dân./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất