Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp (DN), thời gian qua, phong trào khởi nghiệp đã phát triển ở khắp cả nước và bước đầu đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Trên bình diện quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Nhiều bộ, ngành và địa phương cũng ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ khởi nghiệp. Một số cổng thông tin khởi nghiệp do các ngành, địa phương thành lập và vận hành thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy để các bạn trẻ khởi nghiệp. Nhờ các giải pháp đó, số DN thành lập mới trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm nay đã tăng đột biến. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 61.276 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số DN và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nhân, khởi nghiệp ở một số địa phương hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ phong trào, việc hỗ trợ khởi nghiệp chưa thiết thực. Cơ chế, chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp thiếu tính đồng bộ và hệ thống, đan xen trong các chính sách chung hoặc chính sách đối với DN nhỏ và vừa; huy động vốn đối với các DN khởi nghiệp còn khó khăn do khung pháp lý và chính sách cho các nhà đầu tư thiên thần cũng như việc hình thành và phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm còn sơ khai. Mặt khác, việc tuyên truyền một chiều về phong trào khởi nghiệp đã làm cho một bộ phận giới trẻ nghĩ rằng, khởi nghiệp có thể bắt đầu ngay bằng việc sở hữu một ý tưởng, nhưng thực tế chỉ như vậy là chưa đủ. Để khởi nghiệp, họ phải hội tụ đủ một loạt yếu tố cần thiết, bao gồm công nghệ, đội ngũ nhân sự, kế hoạch, nguồn vốn và cả những kiến thức về kinh doanh và pháp luật, có như vậy mới không bị "chết yểu" trước ngưỡng cửa thành công. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có tới gần 38.000 DN phải tạm ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong số này có không ít DN vừa mới đăng ký kinh doanh.
Để hỗ trợ khởi nghiệp thành công, trước hết, các cơ quan chức năng tại từng địa phương cần tăng cường cán bộ tư vấn, sẵn sàng trở thành “bà đỡ” cho DN, đồng thời cũng đưa ra những lời cảnh báo, chỉ ra những khó khăn, thách thức nếu DN ra đời. Cùng với đó, ở tầm vĩ mô, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; bảo đảm môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin từ các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp biết để dễ dàng thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu. Trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng, các cơ quan chức năng của Nhà nước, như: Thuế, hải quan, ngân hàng... cần ban hành ngay và có lộ trình thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng... Hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho DN khởi nghiệp. Thúc đẩy vườn ươm DN hoạt động có hiệu quả, tăng tính độc lập và tự chủ tài chính cho vườn ươm. Để vườm ươm công lập hoạt động có hiệu quả, Nhà nước cần thực hiện các hỗ trợ ban đầu như cấp đất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và kinh phí vận hành, sau đó để vườm ươm hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Các địa phương, nơi khai sinh cho DN cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng DN bằng các công cụ hỗ trợ như thuế, thanh tra, kiểm tra, tư pháp... để DN phát triển bền vững./.
Đỗ Phú Thọ (Báo QĐND)