Thứ Bảy, 21/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 8/9/2017 15:6'(GMT+7)

Hòa Bình xây dựng nông thôn mới theo lộ trình, không chủ quan duy ý chí

Chủ tịch UBND xã Yên Trị Nguyễn Hồng Hạnh chia sẻ: Sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của xã được hoàn thiện; 13/14 thôn đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, mỗi hộ chỉ còn từ 1 - 3 thửa đất; gần 100% diện tích đất nông nghiệp đã được cơ giới hóa khâu làm đất, khâu thu hoạch lúa. Xã đã hình thành hợp tác xã nông nghiệp và đang triển khai tốt việc trồng cây có múi, trồng dược liệu theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho nhân dân. 

Chị Vũ Quỳnh Thanh, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Ninh Hòa cho biết, nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn vận động được 80 hộ dân cải tạo 24 vườn tạp để trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ và 15 ha đã cho thu hoạch, thu nhập khá. 

Hòa Bình là tỉnh miền núi, thu nhập của người dân phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng lại lớn, khả năng bố trí vốn từ ngân sách còn hạn chế, việc huy động đóng góp từ các nguồn lực rất khó khăn. Xác định được những khó khăn đó, ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch theo lộ trình, dựa vào nội lực và nguồn vốn phân bổ của Trung ương, không chủ quan duy ý chí. Ngoài việc lồng ghép các dự án, tỉnh chỉ đạo các huyện huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm. 

Sự vào cuộc của cả hệ thộng chính trị trong quá trình tuyên truyền, vận động là yếu tố quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân. Xã nào cũng có những tấm gương điển hình tự nguyện góp công sức, hiến một phần đất mà không tính thiệt hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã huy động được 8.245 ngày công lao động phát dọn đường giao thông, nạo vét kênh mương nội đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 7.100 ngày công; lực lượng vũ trang đóng góp 1.145 ngày công sửa chữa, nâng cấp 25,3 km đường giao thông, 15 km kênh mương nội đồng...; hiến đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng nông thôn khác được trên 25.456 m2. Nhờ sự đồng lòng, chung sức của người dân, mạng lưới hạ tầng giao thông và các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. 

Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Hòa Bình có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đạt 22,6 triệu đồng/người/năm. Có 93/191 xã đạt tiêu chí về thu nhập, trong đó các xã đạt chuẩn nông thôn mới có mức thu nhập cao hơn quy định từ 5 - 10 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm, có 76 xã đạt chuẩn về tiêu chí hộ nghèo. Năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Hòa Bình đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí, có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu hộ nghèo giảm 3%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; 100% thôn, bản khó khăn nhất có đường giao thông được cứng hóa, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản cho người nghèo. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu các xã; tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trên cơ sở văn bản, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh có kế hoạch cụ thể, sát thực với điều kiện thực tế, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đạt kết quả cao nhất./. 

Nhan Sinh/TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất