Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 3/9/2017 10:9'(GMT+7)

Người Mông tại Điện Biên nô nức xuống phố vui Tết Độc lập

Người Mông lên tượng đài Chiến thắng trên đồi D1 để ngắm cảnh phố phường lòng chảo Mường Thanh. (Ảnh: Vietnam+)

Người Mông lên tượng đài Chiến thắng trên đồi D1 để ngắm cảnh phố phường lòng chảo Mường Thanh. (Ảnh: Vietnam+)

Tại thành phố Điện Biên Phủ, ngay từ sáng sớm ngày 2/9, nhân dân các dân tộc trong khu vực lòng chảo Mường Thanh đã đổ về thành phố Điện Biên Phủ để vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

Đặc biệt, đồng bào dân tộc Mông ở các huyện lân cận như Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa… cũng đã kịp vượt hàng chục km đường đồi núi, đèo dốc, băng rừng, đổ về thành phố dạo ngắm các con phố chính.


Người Mông lên tượng đài Chiến thắng trên đồi D1 để ngắm cảnh phố phường lòng chảo Mường Thanh. (Ảnh: Vietnam+)

Đường Võ Nguyên Giáp - trục đường chính của thành phố Điện Biên Phủ, ngay từ sáng sớm đã thu hút hàng ngàn người dân thuộc các dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông đến vui chơi, dạo ngắm phố phường.

Hòa trong dòng người này, dễ dàng nhận ra những tốp người Mông thuộc các ngành Mông Trắng (Môngz Đơư), Mông Hoa (Môngz Lênhs), Mông Đỏ (Môngz Si), Mông Đen (Môngz Đuz), Mông Xanh (Môngz Dua).

Có nhiều thanh niên, đàn ông dân tộc Mông còn mang theo khèn, biểu diễn khèn cho các thiếu nữ Mông hát những lời ca về tình yêu đôi lứa, tình yêu bản làng, quê hương, đất nước.

Tại khu Di tích Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (đặt trên đồi D1), trên trục hành lễ cao 320 bậc đấu nối tuyến đường Võ Nguyễn Giáp với tượng đài luôn đông kín người.

Tô điểm cho bức tranh đông vui, nhộn nhịp này là những đoàn người Mông xúng xính trong trang phục truyền thống đa sắc, bắt mắt của màu thổ cẩm. Cùng với đồng bào các dân tộc khác, bà con người Mông lên Di tích Tượng đài để được ngắm bao quát hơn cảnh phố phường nhộn nhịp, đổi thay, đông vui.

Để lưu giữ lại được những khoảnh khắc trong ngày vui làm kỷ niệm, nhiều người Mông đã dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim về quang cảnh nhộn nhịp, sự đổi thay của phố núi Mường Thanh.

Anh Thào A Chơ, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: "Năm nào mình cũng đi chơi Tết Độc lập ở thành phố. Ở bản cũng có chọi cù, ném pao nhưng mình thích xuống phố hơn vì ở đây đông người hơn, vui hơn. Năm nay, mình đưa cả vợ và con gái xuống thành phố từ rất sớm. Khi đi mình đã chuẩn bị nước uống, bữa ăn cho cả gia đình rồi nên không phải lo lắng gì đâu. Nhiều người trong bản mình cũng đi cùng, đến tối mình mới về lại bản."

Theo bác Mùa Súa Vừ, bản Phiêng Pi, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, ngày Tết cổ truyền và Tết Độc lập là những ngày rất quý báu, đồng bào dân tộc Mông rất trân trọng. Bởi đây là dịp người Mông tạm gác lại những vất vả, lo toan và nhọc nhằn trên nương để nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi người thân trong các bản làng và cầu mong cho nhau những điều tốt đẹp.

Nhiều người đưa gia đình rời núi, xuống phố để tham quan, ngắm phố phường, cảm nhận sự đổi thay, sầm uất của thành phố. Trước kia, kinh tế còn nghèo, người Mông phải đi bộ băng rừng, vượt núi nhưng nay gia đình nào cũng có xe máy, việc đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều nên người Mông đi chơi Tết Độc lập được đông hơn, xa hơn.

Việc người dân cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuống núi vui chơi ngày Tết Độc lập thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh để đất nước có được sự bình yên, đổi mới như ngày hôm nay.

Hoạt động vui chơi trong dịp nghỉ Tết Độc lập của bà con các dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Điện Biên nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tính cố kết cộng đồng; gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa và hun đúc thêm truyền thống yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam./.

Xuân Tiến (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất