Thứ Hai, 23/9/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 9/7/2016 21:4'(GMT+7)

Hoài niệm xẩm tàu điện

Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tái hiện một chương trình xẩm tàu điện. (Ảnh do Trung tâm cung cấp).

Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tái hiện một chương trình xẩm tàu điện. (Ảnh do Trung tâm cung cấp).

Nếu hỏi về xẩm tàu điện, người Hà Nội thời nay có lẽ đều… ngơ ngác. Chẳng mấy ai biết, hơn 50 năm trước, dòng xẩm đã bị lãng quên này vốn là “đặc sản” của đất kinh kỳ.

Một thời nức tiếng

“Đang ngồi ở toa cuối, thoáng tiếng song loan cốp cốp vọng tới mà nôn nao trong dạ, phải chạy ngay tới để nghe và thưởng cho nghệ sĩ mấy đồng”, nhạc sĩ Thao Giang– Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật Việt Nam nhớ lại thời hoàng kim của xẩm tàu điện. Những năm tháng ấy, NSND Xuân Hoạch cũng thường ngồi lì trên tàu điện hết bến này qua bến khác, nghe đến nằm lòng những Trăng sáng vườn chè, Lỡ bước sang ngang, Chân quê… Tới giờ, ông chưa quên được giọng hát và tiếng đàn hồ của cụ Nguyễn Đức Nguyên, tiếng nhị của cụ Vũ Đức Sắc - hai trong số các “huyền thoại” của làng xẩm thời ấy. Như lời của NSND Xuân Hoạch và nhạc sĩ Thao Giang, ngón đàn của các cụ “trùm xẩm” lợi hại đến độ, dù tàu điện nghiến xình xịch trên đường ray, lại tròng trành, rung, lắc liên hồi mà âm thanh của song loan, của nhị, hồ vẫn sáng rõ, bay xa, vẫn ru tai hành khách.

Nếu sân khấu của xẩm chợ ở ngoài chợ, của xẩm nhà trò ở trong nhà thì sân khấu của xẩm tàu điện chính là các toa tàu với khán giả đa phần là người lao động. Mỗi sớm tinh mơ, họ sửa soạn hàng hóa, bắt tàu ra chợ bán và tranh thủ gà gật để giữ sức cho một ngày mưu sinh vất vả. Bởi thế, khi biểu diễn xẩm trên tàu điện, các nghệ nhân đã rất khéo léo “nương” theo hoàn cảnh, chọn nhạc cụ gọn nhẹ và điều chỉnh âm lượng, cường độ của giọng hát, tiếng đàn sao cho phù hợp, giúp hành khách thư giãn giữa tiếng tàu chạy đinh tai nhức óc. Thường thì trống mảnh bị loại vì âm thanh quá ồn ã. Người nghệ nhân chỉ mang theo nhị, hồ và tất nhiên, không thể thiếu song loan với tiếng gõ cốp cốp đanh, chắc mới nghe văng vẳng từ xa, ai nấy đã nôn nao…

Phải nói, các nghệ nhân xẩm xưa quá tài tình khi tạo nên những bài xẩm với giai điệu, tiết tấu cực kỳ phù hợp với cơ chế vận hành của tàu điện. “Mỗi bài xẩm đều có nhịp điệu đu đưa ăn khớp với chu kỳ chao đảo và độ giật, lắc mỗi khi tàu phanh, nhờ thế mà át được tiếng ồn không hề dễ chịu của tàu điện”, NSND Xuân Hoạch nhận xét. Còn với nhạc sĩ Thao Giang, sự tinh tế, tài tình và thức thời của các cụ trùm xẩm thể hiện trọn vẹn qua xẩm tàu điện. Thời ấy, thơ Nguyễn Bính đang “sốt”. Rất nhiều sáng tác của thi sĩ “Chân quê” được các nghệ nhân xẩm “nhanh tay” phổ nhạc. Hay là, mỗi một tác phẩm luôn có cấu trúc, độ dài vừa vặn với lịch trình đón, trả khách của tàu điện, để không một hành khách nào phải nghe dang dở một bài xẩm.

Không ai rõ xẩm tàu điện ra đời từ bao giờ, nhưng chắc chắn là sau khi chuyến tàu điện đầu tiên gõ leng keng khắp phố phường Hà Nội vào năm 1911. Có điều lạ, các nghệ nhân “đình đám” của xẩm tàu điện đều không phải người “kẻ chợ” và hầu hết bị khiếm thị. Rất có thể, xẩm tàu điện hình thành từ chính gánh nặng cơm áo của những nghệ sĩ nghèo từ nhiều miền quê “lên phố” mưu sinh. Nhưng rồi, với bản năng nghệ sĩ tuyệt vời, họ đã tặng cho quê hương thứ hai một đặc sản tinh thần vừa duyên dáng vừa mộc mạc không nơi nào có: Xẩm tàu điện!

Nỗi niềm người giữ xẩm

Nhạc sĩ Thao Giang là một trong những người đầu tiên nuôi giấc mơ “hồi sinh” xẩm tàu điện. Năm 2005, khi đang công tác tại Viện nghiên cứu Âm nhạc, ông nhận nhiệm vụ xây dựng một tác phậm “đậm chất Hà Nội” để tham dự Liên hoan tiếng hát dân ca diễn ra tại Nam Định. Nhạc sĩ khiến tất cả hoang mang khi đề xuất một loại hình nghệ thuật “nghe tên lạ hoắc” - xẩm tàu điện!

Sau khi giải thích ngọn ngành về dòng xẩm đã thất truyền của Hà Nội, ông cấp tốc “vỡ bài” cho nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Thực ra, tới lúc ấy, cả thầy và trò đều chưa phải là nghệ nhân xẩm thực thụ. Mai Tuyết Hoa học đàn tranh từ nhỏ nhưng lại “phải lòng” xẩm, còn Thao Giang làm công tác bảo tồn âm nhạc truyền thống. Ông cùng nhạc sĩ Văn Ty đã khôi phục được không ít nhạc cụ cổ truyền và các làn điệu cổ qua những chuyến công tác trải dài khắp mọi miền đất nước. Không như nhiều đồng nghiệp thường chỉ dùng máy ghi âm thu lại giọng hát, tiếng đàn của các nghệ nhân, trên đường sưu tầm, hễ có cơ hội, nhạc sĩ Thao Giang và nhạc sĩ Văn Ty lại tranh thủ học luôn “vốn cổ”. Nhờ thế, ông mới có thể hướng dẫn Mai Tuyết Hoa hát bài xẩm Trăng sáng vườn chè (lời thơ Nguyễn Bính). Với riêng Mai Tuyết Hoa thì đây còn là cơ duyên đưa chị trở thành một trong những nghệ nhân hàng đầu của xẩm Hà thành sau này.


"Nghệ nhân" nhí Vương Ngọc Hiếu trong giờ học hát xẩm tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. (Ảnh: Hương Lan).

Tại Liên hoan năm ấy, Trăng sáng vườn chè đã khiến cả khán phòng bùng nổ. Trước hiệu ứng ngoài sức tưởng tượng của tiết mục, nhạc sĩ Thao Giang nghĩ đến việc khôi phục thêm một số bài xẩm khác với lời thơ của Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải… Tất nhiên, để phù hợp với nhịp sống hiện đại, các tác phẩm đều được chỉnh trang về cấu trúc âm nhạc, tiết tấu, bổ sung thêm điệu (các bài xẩm cổ thường chỉ có một điệu) và cả lời mới như: Đón dâu về làng (thơ Phạm Ngọc Cảnh), Tre xanh, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (thơ Nguyễn Duy)... Ngoài việc ra CD Xẩm Hà Nội, nhạc sĩ Thao Giang còn cùng các đồng nghiệp: Xuân Hoạch, Văn Ty, Quang Long, Thanh Ngân… tổ chức các lớp dạy hát xẩm và năm 2006 thành lập chiếu xẩm Hà thành, biểu diễn miễn phí mỗi cuối tuần tại chợ Đồng Xuân. Tuy nhiên, để khôi phục 100% tinh hoa của xẩm tàu điện, e rằng hơi khó!

Như đã biết, đặc trưng của xẩm tàu điện là có tiết tấu, giai điệu nương theo độ rung lắc, tròng trành cùng những cú phanh, giật của đoàn tàu lao xình xịch trên đường ray. Chính vì thế, các bài xẩm tàu điện chỉ bộc lộ hết sự độc đáo, duyên dáng khi được cất lên trên chuyến tàu đang chạy. Ra khỏi sân khấu lưu động truyền thống ấy, vẻ đẹp riêng có của xẩm tàu điện ít nhiều cũng phai nhạt. Năm 2012, tại khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, một buổi biểu diễn xẩm tàu điện được tái hiện nhưng ngay từ hình thức đã… thất bại bởi không có mô hình toa tàu, cũng không có một chiếu xẩm đúng nghĩa; thay vào đó, ban tổ chức “bày ra” một phiên chợ ẩm thực tấp nập người mua kẻ bán. Chi tiết duy nhất gợi nhớ đến xẩm tàu điện xưa là tiếng leng keng thu sẵn, phát lại trên loa, chưa đủ khiến những người yêu xẩm thỏa nguyện.  

Với rất nhiều nỗ lực, Tết Bính Thân vừa qua, Trung tâm Phát triển âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam đã phục dựng một “phiên” hát xẩm tàu điện trong chương trình “Ký ức Hà Nội” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. May mắn được hát xẩm giữa không gian “đậm đặc” Hà Nội với phố cổ và chuyến tàu điện được tái hiện như thật bằng gỗ và thép, các nghệ sĩ đã cố gắng truyền tải đúng tinh thần của xẩm tàu điện xưa từ cách hát đến trình diễn. Tiếc là, theo nhạc sĩ Thao Giang, sau khi chương trình kết thúc, toàn bộ mô hình được chế tác tinh xảo bằng các vật liệu bền vững ấy đã bị dỡ bỏ. Nếu như có thể giữ lại thì đấy chính là sân khấu lý tưởng cho xẩm và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác vốn gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm biểu diễn.

Tuy nhiên, đó không phải là mối bận tâm duy nhất của những người đang cố gắng đưa xẩm tàu điện trở lại. Nhạc sĩ Thao Giang cho biết, năm 2006, khi bắt đầu kế hoạch khôi phục xẩm tàu điện, ông cùng các đồng nghiệp đã tập hợp được 20 lão nghệ nhân, những người cuối cùng lưu giữ tinh hoa của xẩm tàu điện và bắt đầu công cuộc đào tạo lứa kế cận. Nhưng đến giờ, khi hầu hết các nghệ nhân dân gian đều đã khuất núi, vẫn chưa tìm ra ai có “ngón đàn ‘thần sầu’ hoặc mới cất giọng đã khiến hết thảy mê mệt như các cụ thuở trước!”.

Có lẽ, quá nặng lòng với xẩm xưa nên nhạc sĩ đâm… khó tính! Trước khi ra về, người viết may mắn được thưởng thức một bài xẩm do nghệ nhân nhí Vương Ngọc Hiếu thể hiện, ngay giữa không gian cũ kỹ của Trung tâm, nơi rất nhiều bạn trẻ vẫn lui tới học hát xẩm. Cậu bé mới chín, mười tuổi đầu mà phong thái đĩnh đạc, vừa đàn vừa hát, giọng sang sảng mà ngọt ngào, luyến láy điêu luyện khiến người nghe không dứt ra được. Tài năng là đây chứ đâu!./.

Hương Lan

(Nguồn: Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất