Công tác đào tạo và tuyển dụng nhân lực cho nghệ thuật trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt các loại hình như xiếc, múa và nghệ thuật truyền thống lại càng hiếm hoi để tìm được những người có năng khiếu bẩm sinh.
Các thầy giỏi nghề, có phương pháp sư phạm và kinh nghiệm lâu năm không còn nhiều, một số giảng viên trẻ chưa có kinh nghiệm làm nghề nên chất lượng đào tạo thấp. Tình trạng nêu trên đang hy vọng được “gỡ rối” bởi chủ trương “đặt hàng” đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật.
Thay đổi hình thức đào tạo, tăng chế độ đãi ngộ
Trên sân khấu của các trường đào tạo nghệ thuật cả nước trong những ngày này rộn ràng các hoạt động biểu diễn báo cáo tốt nghiệp và tuyển sinh lớp tài năng mới. Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam năm nay có 7 học sinh (3 nữ, 4 nam) ở độ tuổi 16-18 của khóa 32 thi tốt nghiệp. Sau 2 ngày thi với các tiết mục biểu diễn tập thể và bài thi cá nhân, cả 7 học sinh đạt điều kiện tốt nghiệp và được Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐX) nhận về làm việc. Điều đặc biệt của khóa học này, trong 4 tiết mục biểu diễn có 2 tiết mục do LĐX Việt Nam đặt hàng theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) dành cho đơn vị tự chủ về ngân sách và đặt hàng tác phẩm (LĐX Việt Nam là một trong những đơn vị thực hiện lộ trình tự chủ hoạt động, cắt giảm ngân sách 30% từ năm 2015 tiến tới năm 2017 tự chủ 100%). NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc LĐX Việt Nam cho biết, nhờ có cơ chế “đặt hàng” mà trong năm nay, LĐX Việt Nam vừa bổ sung được 7 diễn viên trẻ, vừa đáp ứng xây dựng 2 tiết mục biểu diễn đơn vị đang thiếu về thể loại, là “Hồ thiên nga” (lắc vòng) và “Thiếu nữ bên trăng” (đu dây). Việc đào tạo theo hình thức đặt hàng đã tránh được thất thoát và lãng phí, sau khóa học này, LĐX Việt Nam tiếp tục đặt hàng nhà trường đào tạo và xây dựng một số tiết mục tập thể lớn với kỹ thuật và đạo cụ đầu tư như đu bay với tầm 8 đến 10 diễn viên tham gia. “Chúng tôi đang kiến nghị với lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cấp kinh phí để xây dựng một dãy nhà theo dạng nhà công vụ, nhà lưu trú cho các diễn viên trẻ nơi ở ổn định. Có như vậy các em mới yên tâm để tập luyện và gắn bó với nghề”, NSND Tạ Duy Ánh cho hay.
Ở lĩnh vực sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương lại có hình thức đặt hàng khác. Đó là đào tạo trực tiếp, nghề truyền nghề. Từ năm 2014, Bộ VH,TT&DL ban hành chủ trương tạo điều kiện cho các nhà hát truyền thống trực tiếp tới các địa phương tuyển diễn viên, nhạc công học hệ trung cấp. Nhà hát Chèo Việt Nam tuyển chọn hơn 20 học viên, Nhà hát Tuồng Việt Nam chọn được 30 học viên và Nhà hát Cải lương Việt Nam tuyển được 15 học viên. Tham gia khóa đào tạo, học sinh được theo học văn hóa cơ bản ở Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội; các nhà hát quản lý chỗ ở, lo kinh phí học tập cũng như tạo điều kiện để các em được sống trong môi trường nghệ thuật qua việc dàn dựng vở diễn mới cũng như gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ sĩ nổi tiếng của nhà hát trực tiếp truyền nghề…
Một trong những khóa tốt nghiệp thuận lợi của Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội năm nay là 19 học viên của lớp cao đẳng diễn viên kịch, điện ảnh khóa học 2013-2016. Đây là khóa đào tạo theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng, 19 học viên với độ tuổi sinh năm 1993-1996, được tuyển chọn từ khắp mọi miền đất nước, trúng tuyển vào lớp học đã là quân nhân, được bao cấp hoàn toàn về ăn, ở, học tập, sau khi tốt nghiệp được phân công nhiệm vụ tại các đơn vị nghệ thuật quân đội. Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội cho biết, mặc dù Bộ Quốc phòng cho chỉ tiêu 20, nhưng trong quá trình tuyển chọn, trường chỉ tuyển được 19 học viên. Trong quá trình học các em đã được Nhà hát Kịch nói Quân đội ưu ái cho vào các vai diễn trong các vở, tập làm quen với sân khấu; bên cạnh giáo án giảng dạy của nhà trường, được tiếp xúc và học hỏi trực tiếp từ các nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu và điện ảnh Việt Nam. Lễ tốt nghiệp lớp học này đã diễn ra bằng buổi biểu diễn tại sân khấu của Nhà hát Kịch nói Quân đội với vở diễn “Điều không thể mất” của cố kịch gia nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Hơn 20 năm Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội mới có một lớp đào tạo diễn viên này, do vậy Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh hy vọng các em sẽ phát huy tài năng nghệ thuật, xứng đáng với sự đầu tư, chờ đợi của nhà trường và Bộ Quốc phòng.
Kéo dài độ tuổi “vàng” của diễn viên
Từ trước đến nay, các cơ sở đào tạo nghệ thuật truyền thống thường tuyển học sinh theo học diễn viên, nhạc công đã tốt nghiệp lớp 12 trung học phổ thông (THPT), và ở lứa tuổi này sau khi học xong chương trình đào tạo, các em đã 22-23 tuổi. Khi trở về đơn vị công tác đến lúc trở thành diễn viên thực sự hội tụ đủ tiêu chí đều tuổi đã cao. Trước những bất cập này, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) xây dựng đề án “Đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020”, được Chính phủ phê duyệt quý I-2016. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, từ quý II và quý III, các nhà hát nghệ thuật công lập và đơn vị đào tạo toàn quốc tổ chức tuyển sinh, trong đó tập trung tuyển các em có năng khiếu, vừa tốt nghiệp trung học cơ sở độ tuổi 14-15. Các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đề xuất số lượng thí sinh tuyển sinh, dựa trên nhu cầu thực tế của đơn vị và chủ động sơ tuyển tại địa phương theo hướng dẫn của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Theo đó, học sinh sẽ được bao cấp toàn bộ kinh phí đào tạo, tiền ăn, ở và không phải đóng học phí trong suốt quá trình học tập: 4 năm đối với nghệ thuật tuồng; 3 năm đối với chèo, cải lương và dân ca kịch. Sau đào tạo, các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp, thí sinh được tuyển chọn ở địa phương nào phải trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật thuộc địa phương đó. Chương trình học được đổi mới theo hướng tinh giản, hạn chế những kiến thức hàn lâm, giảm thiểu bài giảng mang tính lý thuyết, dành nhiều thời gian cho việc học chuyên môn. Tạo điều kiện cho học sinh hoạt động thực hành biểu diễn nghệ thuật dưới sự hướng dẫn của giáo viên và các nghệ sĩ. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong công tác sử dụng trí thức, trọng dụng nhân tài, tận dụng được kinh nghiệm, khả năng chuyên môn của các nghệ sĩ lão thành, nâng cao chất lượng đào tạo các thế hệ nghệ sĩ biểu diễn kế cận. Sau thời gian công tác, cống hiến tại các đơn vị nghệ thuật truyền thống, diễn viên có thể tiếp tục học tập chuyên ngành nghệ thuật ở bậc cao đẳng, đại học khi được đơn vị chủ quản đồng ý.
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cũng cho hay, đề án đổi mới hình thức đào tạo theo đặt hàng rất cụ thể, đòi hỏi thí sinh phải thực sự có năng khiếu và phải bảo đảm đủ các yếu tố để có thể phát triển hội tụ các tiêu chí “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”. Sau khóa học, các em trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp ở độ tuổi 18-20, được coi là độ tuổi “vàng” của người nghệ sĩ. Cùng với chủ trương cho phép các nhà hát tuyển trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực triển khai năm 2014, thì đề án mới năm 2016 mở rộng tới các địa phương là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng để thanh xuân hóa đội ngũ cũng như gìn giữ nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ mai một, biến dạng hoặc thất truyền.
Hiện nay, Bộ VH,TT&DL có 12 cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trên cả nước và được phân bố ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng của công tác đào tạo, xây dựng các tiết mục mà học sinh ra trường biểu diễn ngay, cũng như thể hiện tài năng sớm, theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên, Bộ tiếp tục triển khai đề án “Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trong các trường văn hóa-nghệ thuật trực thuộc Bộ đến năm 2020”. Do vậy, Bộ VH,TT&DL đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng chung tay phối hợp thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả đề án này./.
Vương Hà
(Nguồn: QĐND)