Sau hơn một năm triển khai xây dựng, hồ sơ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là Di sản Văn hóa Thế giới, đã cơ bản hoàn tất.
Việc xây dựng hồ sơ khoa học Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được tiến hành hết sức nghiêm túc, với sự tham gia của nhiều cơ quan, các nhà khoa học có uy tín, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, trong đó có Ủy ban chuyên gia hỗn hợp Việt-Nhật, Vùng Ile de France (Pháp), nhiều chuyên gia UNESCO. Sắp tới, bộ hồ sơ này sẽ được các cơ quan chức năng thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hồ sơ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện, tranh thủ ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, để gửi tới UNESCO trước ngày 30-9-2008. Các chuyên gia của UNESCO sẽ xem xét, góp ý trở lại với phía Việt Nam tiếp tục hoàn chỉnh theo yêu cầu và hạn cuối cùng là ngày 31-1-2009.
Từ tháng 2-2009 cho tới hết năm 2009, UNESCO cử các chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn độc lập tới kiểm tra thực địa, đánh giá và đối chiếu các nội dung trong bộ hồ sơ. Nếu thuận lợi, dự kiến khoảng tháng 6, tháng 7-2010, hồ sơ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội mới được trình Đại hội đồng UNESCO xem xét, quyết định.
Từ tháng 12-2002, Viện khảo cổ học Việt Nam đã tiến khai quật khảo cổ trên tổng diện tích 19.000m2 tại 18 Hoàng Diệu và xuất lộ một hệ thống di tích có giá trị. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định khu di tích này nằm trong Cấm thành tức Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long và có tầm quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô thời cổ-trung đại, hội tụ lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam qua 10 thế kỷ.
Quần thể di tích rộng lớn này bao gồm những di tích nổi trên mặt đất và hệ thống di tích khảo cổ đã khai quật cũng như còn ẩn sâu dưới lòng đất. Những dấu tích còn lại đã chứng minh đây chính là vị trí trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng bậc nhất của quốc gia, nơi ở và nơi làm việc của Nhà vua và triều đình suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, là di sản văn hóa vô giá của dân tộc và có tiềm năng được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới./.
(Nguồn:TTXVN)