Thứ Bảy, 27/7/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Tư, 13/11/2019 15:44'(GMT+7)

Hoàn thiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Cần hoàn thiện chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH.

Cần hoàn thiện chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH.

Từ ngày 1-1-2016, cơ quan BHXH được giao bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) đóng BHXH, BHTN, BHYT theo Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20-11-2014 và Nghị định số 21/NĐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ nên công tác thanh tra kiểm tra (TTKT) của ngành BHXH ngày càng được quan tâm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

PHÁT HIỆN NHIỀU SAI PHẠM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG


Từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành BHXH đã tiến hành TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT tại 20.202 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ). Kết quả phát hiện nhiều chủ SDLD có dấu hiệu vi phạm quyền lợi BHXH của người lao động (NLĐ).

Đã phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho 161.268 lao động chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian; số tiền yêu cầu truy thu đóng là 353.944 triệu đồng;

Về mức đóng: Đã phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục truy thu đóng BHXH, BHTN, BHYT cho 155.058 lao động do đóng thiếu mức tiền lương quy định, số tiền yêu cầu truy thu đóng là 157.401 triệu đồng;

Về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC): Đã ban hành 2.028 Quyết định xử phạt VPHC, với số tiền xử phạt VPHC phải thu là 75.359 triệu đồng.

Từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành BHXH đã chủ trì, phối hợp thực hiện kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại 56.449 đơn vị, đã phát hiện nhiều sai sót, hưởng chế độ BHXH không đúng quy định ; kiến nghị, yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 36.615 triệu đồng. 

Kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT: Phát hiện nhiều cơ sở KCB BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) không đúng quy định; kiến nghị, yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 679.289 triệu đồng.

MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CỦA BHXH VIỆT NAM KHI CHƯA ĐƯỢC GIAO THỰC HIỆN CHỨC NĂNG TTCN ĐẦY ĐỦ

Tại Khoản 3, Điều 13 Luật BHXH năm 2014 quy định "Cơ quan BHXH thực hiện chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN và BHYT theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan". Khoản 7, Điều 22 quy định về quyền của cơ quan BHXH là: "Kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH; TTCN việc đóng BHXH, BHTN, BHYT". Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ có quy định: "BHXH Việt Nam là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHTN, BHYT; TTCN việc đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật". 

Theo đó, tổ chức BHXH có quyền và trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhưng lại chỉ có chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT mà không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị SDLĐ và các cơ sở KCB BHYT, nên đã gặp khó khăn không nhỏ trong việc tổ chức thực hiện các quy định của chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN bị xâm hại không được ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời; nên hàng năm có hàng trăm nghìn lao động không được hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT kịp thời; mức độ vi phạm không chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính mà trong một số trường hợp đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần nâng cao hiệu quả công việc ngành BHXH

Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần nâng cao hiệu quả công việc ngành BHXH

Theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT thì Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng TTCN về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH; thanh tra y tế thực hiện chức năng TTCN về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và thanh tra tài chính thực hiện chức năng TTCN về quản lý tài chính BHXH, BHYT; các cơ quan thanh tra trên cũng đã có nhiều cố gắng trong việc thanh tra và phối hợp với tổ chức BHXH để tranh tra, xử phạt đối với các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, nhưng do số lượng các đơn vị SDLĐ, cơ sở KCB quá lớn, lực lượng thanh tra của các ngành này còn mỏng, mặc dù đã có sự phối hợp tham gia rất lớn và có đóng góp không nhỏ vào kết quả thanh tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của lực lượng kiểm tra thuộc tổ chức BHXH nhưng do các Bộ phải tập trung các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo chức năng của ngành mình nên việc thanh tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn rất hạn chế về số cuộc, số đơn vị được thanh tra và không kịp thời.

Về thẩm quyền thanh tra: Theo quy định của pháp luật, cơ quan BHXH chỉ có chức năng TTCN về đóng BHXH, BHTN, BHYT còn việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT là kiểm tra. Các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT của người lao động và chủ SDLĐ đều do cơ quan BHXH qua công tác kiểm tra phát hiện ra. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng ở mức độ phát hiện sai sót, kiến nghị thu hồi và kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật, còn kết luận sau kiểm tra của cơ quan BHXH không được các đơn vị thực hiện nghiêm túc chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ SDLĐ và các cơ sở KCB BHYT. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động thực hiện chế độ, chính sách của cơ quan BHXH;

Cơ quan BHXH đã có cơ cấu tổ chức thanh tra, kiểm tra theo ngành dọc từ Trung ương tới tỉnh, huyện và có đủ đội ngũ cán bộ TTCN đóng BHXH, BHTN, BHYT, kiểm tra đã được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ về nghiệp vụ thanh tra; có chuyên môn, nghiệp vụ về chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhưng lại chưa được giao chức năng TTCN việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là thanh tra việc thực hiện hợp đồng KCB BHYT, quản lý chi trả đảm bảo chế độ người lao động ở đơn vị SDLĐ.

ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Xuất phát từ thực tiễn công việc, ngành BHXCH đề xuất, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ.

Theo đó, đối với Luật BHXH: Kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho ngành BHXH, trong đó có thanh tra việc thực hiện giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi quỹ BHYT như hiện nay.

Đối với Luật BHYT: Đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về BHYT, thanh tra việc thực hiện chính sách BHYT, thực hiện hợp đồng KCB BHYT. 

Đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính: Tại Chương II đề nghị bổ sung thẩm quyền của cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.  Đối với Luật Việc làm: Đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thanh tra, kiểm tra việc giải quyết và chi trả chế độ BHTN và với Luật An toàn vệ sinh lao động: Đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thanh tra, kiểm tra việc giải quyết và chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp….

Ngoài ra, cần kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy thực hiện TTKT ngành BHXH. 

Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ thanh tra ngành BHXH theo hướng thành lập đơn vị hành chính, có con dấu và tài khoản riêng, trực thuộc BHXH Việt Nam là "Thanh tra BHXH" để giúp Tổng Giám đốc trong công tác thanh tra ngành BHXH đảm bảo tính khách quan và kịp thời.

Trong thời gian tới ngành BHXH tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh giao dịch điện tử, giảm thiểu việc những giấy tờ không cần thiết nên công tác TTKT cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục; vì vậy cần bổ sung thêm số lượng biên chế cho các đơn vị thực hiện TTKT của ngành BHXH (tại Trung ương là đơn vị "Thanh tra BHXH", tại địa phương là "Phòng TTKT") để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới được giao…

Tuấn Nghĩa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất