Giải quyết bồi thường là hoạt động khó khăn, phức tạp do phải áp dụng các quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước và pháp luật chuyên ngành, đồng thời tuân thủ theo thủ tục chặt chẽ. Đây cũng là hoạt động nhạy cảm vì trực tiếp liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của cán bộ, công chức và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Đánh giá tình hình thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) là nội dung cuộc Toạ đàm do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 12/10 tại Hà Nội.
Các đại biểu đều đánh giá rằng giải quyết bồi thường là hoạt động khó khăn, phức tạp do phải áp dụng các quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước và pháp luật chuyên ngành, đồng thời tuân thủ theo thủ tục chặt chẽ. Đây cũng là hoạt động nhạy cảm vì trực tiếp liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi của cán bộ, công chức và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo số liệu tổng hợp của các bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật có hiệu lực (1/1/2010) đến ngày 30/9/2012, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại (bao gồm 54 vụ việc trong lĩnh vực quản lý hành chính; 90 vụ việc trong hoạt động tố tụng và 24 vụ việc trong lĩnh vực thi hành án dân sự), trong đó đã giải quyết 122/168 vụ việc. Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã chi trả hơn 16 tỷ đồng, trong đó bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính hơn 6 tỷ đồng, trong lĩnh vực tố tụng gần 8 tỷ đồng và trong lĩnh vực thi hành án dân sự gần 2 tỷ đồng.
Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính chủ yếu phát sinh ở các địa phương, chưa phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường ở các Bộ, ngành TW. Có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước. Đánh giá bước đầu cho thấy ở các địa phương này, thực tế không phải là không có các trường hợp thiệt hại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN mà người bị thiệt hại chưa thực hiện quyền yêu cầu bồi thường do chưa biết đến quyền yêu cầu bồi thường nhà nước hoặc đã biết nhưng chưa thể thực hiện quyền yêu cầu bồi thường do phải chờ thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng một trong những mục tiêu của Luật TNBTCNN là xác lập một cơ chế pháp lý thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, qua thực tế giải quyết yêu cầu bồi thường đã bộc lộ một số hạn chế, làm cho người bị thiệt hại gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Đó là: quy định của pháp luật về căn cứ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường chưa tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình; quy định của pháp luật về thời hiệu yêu cầu bồi thường gây ra vướng mắc cho người bị thiệt hại trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường còn lúng túng trong hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả….
Để đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành Luật TNBTCNN, Cục Bồi thường nhà nước đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện việc giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự và thi hành án hình sự; thông qua việc theo dõi tình hình giải quyết bồi thường, kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc của pháp luật về bồi thường nhà nước để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trên cơ sở sơ kết 3 năm thi hành Luật, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Cục Bồi thường nhà nước đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ yêu cầu bồi thường theo hướng căn cứ yêu cầu bồi thường không đồng thời là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể, người dân có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường khi cho rằng mình bị thiệt hại bởi hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Nhà nước sẽ thực hiện việc bồi thường khi có đủ căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường; sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường nhà nước theo nguyên tắc áp dụng quy định chung của pháp luật dân sự; sửa đổi, bổ sung quy định về việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ theo hướng giao nhiệm vụ này cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Các ý kiến cũng cho rằng cần tăng cường công tác phổ biến và giải đáp vướng mắc pháp luật về bồi thường nhà nước; tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước…/.
Theo TTXVN