Chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thư viện. Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 32.
Nhất trí trình dự án Luật để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7
Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết ngay sau phiên họp thứ 32, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo rà soát và tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp để hoàn thiện dự án Luật.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao trong khoảng thời gian ngắn, ban soạn thảo đã chỉnh lý toàn bộ hồ sơ, đặc biệt, đã chỉnh lý, bổ sung Tờ trình Chính phủ; Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật Thư viện; Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh Thư viện; đánh giá tác động đối với việc sắp xếp mạng lưới thư viện, tổng kết đánh giá tác động đối với người sử dụng thư viện trong những năm qua để đưa vào Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Luật... là những cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Luật.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã điều chỉnh logic hơn, cụ thể là sắp xếp lại các điều, bổ sung một điều mới (Điều 3), tách Điều 29 thành hai điều mới; giảm quy định về quản lý nhà nước đặc biệt các quy định về thủ tục hành chính, tăng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của thư viện để đảm bảo sự cân đối trong tổng thể dự thảo Luật...
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đã tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 32. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc đưa dự án Luật Thư viện trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Thúc đẩy phát triển thư viện số
Dự thảo Luật đã dành một số điều, khoản quy định về thư viện số. Dự phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đây là một nội dung mới, Ban soạn thảo đã tập hợp, nghiên cứu bước đầu về các văn bản liên quan tới thông tin mạng để xây dựng các quy định về nội dung này.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số quy định mang tính cốt lõi, tạo hành lang pháp lý cần thiết để phát triển thư viện số. Cụ thể nội dung tại khoản 2 Điều 2: "Thư viện số là thư viện có vốn tài liệu số và người sử dụng truy cập thông qua máy tính, thiết bị điện tử và không gian mạng" là chưa bao quát đủ các yếu tố cấu thành thư viện số như: dữ liệu, công nghệ, con người, sản phẩm - dịch vụ thư viện, phương thức hoạt động thư viện số.
Về bản quyền tài nguyên số: để xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên dùng chung giữa các thư viện, nhất là các thư viện có ngân sách đầu tư còn hạn chế, tạo điều kiện cho người dùng được tiếp cận với tài liệu số, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về quyền của các thư viện được tạo bản sao, số hóa và phổ biến tài liệu của thư viện phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan.
Dự thảo cần nghiên cứu quy định những nguyên tắc điều chỉnh cơ bản liên quan đến người đọc và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử. Ngoài ra, dự thảo Luật cần có các quy định để thúc đẩy phát triển của thư viện số, như: vấn đề mua nguồn tin số và chia sẻ nguồn tin số giữa các thư viện công lập, sự tham gia và quyền lợi của các thư viện ngoài công lập; sự phân công, phối hợp giữa các thư viện, cơ quan thông tin khoa học và công nghệ, vai trò và trách nhiệm của các thư viện trung tâm có vai trò quan trọng trong hình thành nguồn tài nguyên số quốc gia; nghiên cứu - đào tạo - đầu tư cho nguồn nhân lực thư viện số, đầu tư tài chính và phát triển các dự án thư viện số dùng chung để tiết kiệm ngân sách nhà nước; thúc đẩy vai trò nghiên cứu - đào tạo thư viện số của các đơn vị đào tạo…
Cân nhắc quy định xếp hạng thư viện
Quy định về xếp hạng thư viện trong dự thảo Luật có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cần có quy định phân hạng thư viện để khắc phục các bất cập hiện nay. Mục đích xếp hạng thư viện nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thư viện; là cơ sở để đầu tư phát triển thư viện phù hợp với từng giai đoạn. Một số ý kiến cho rằng cân nhắc về sự cần thiết và tính khả thi của việc xếp hạng thư viện.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn quản lý thư viện, Chính phủ thấy rằng việc xếp hạng thư viện là cần thiết vì thư viện có nhiều loại với quy mô, vốn tài liệu, tiện ích, tính chất, đối tượng phục vụ và phương thức quản lý khác nhau. Hiện nay chỉ có thư viện công cộng được xếp hạng theo quy định cứng, cố định không đảm bảo sự bình đẳng giữa các thư viện và giữa thư viện với thiết chế văn hóa khác, không tạo động lực cho các thư viện phấn đấu để nâng hạng buộc phải duy trì hiệu quả để không bị tụt hạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành việc cần thiết nên có quy định về xếp hạng thư viện và đồng tình quy định như dự thảo là giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định việc xếp hạng đối với thư viện hạng I.
Thẩm tra nội dung này, thường trực Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về quy định xếp hạng thư viện vì dự thảo Luật quy định về tiêu chí, nguyên tắc và chính sách đối với mỗi hạng chưa cụ thể nên khó phù hợp với đặc thù của các loại thư viện và khó đảm bảo khách quan, chính xác khi thực hiện.
Trong khi đó quan điểm xây dựng Luật này là Nhà nước đầu tư cho thư viện theo hướng tập trung trọng điểm và thực hiện chủ trương đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa nên mục đích xếp hạng thư viện nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thư viện là chưa thật hợp lý. Trong trường hợp có xếp hạng thư viện, dự thảo Luật cần làm rõ các tiêu chí và tính khả thi của việc xếp hạng. Việc xếp hạng có thể chỉ áp dụng đối với một số loại hình thư viện và để cho các tổ chức đánh giá độc lập hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp về thư viện thực hiện.
Dự phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đặc biệt là về thư viện số, quyền của thư viện, những điều cấm... Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chính lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
TTXVN