Theo kế hoạch đến cuối năm 2015, tỉnh Phú Thọ sẽ phải đưa Hát Xoan Phú
Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, chính thức đưa hát Xoan trở
thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đang gấp rút
phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di
sản Việt Nam chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ
đề trình UNESCO vào giữa tháng 11/2015.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết, đến
nay, tiến độ xây dựng hồ sơ tình trạng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
Hát Xoan Phú Thọ đã cơ bản hoàn thiện. Hồ sơ được viết bằng tiếng Việt
và tiếng Anh. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tham khảo ý kiến các
chuyên gia, cơ quan chuyên môn để hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO
theo đúng kế hoạch đề ra.
Để xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo
vệ khẩn cấp của nhân loại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã mời Trung
tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản Văn
hóa Việt Nam cùng chuyên gia của Viện Âm nhạc tham gia.
Nhóm điều tra của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn
hóa và các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, làm việc với các cấp
chính quyền địa phương, từng cộng đồng Hát Xoan ở hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh
Phúc. Qua đó thu thập được rất nhiều thông tin có giá trị, thẩm định
các kết quả kiểm kê để có tư liệu chính xác đánh giá và xây dựng hồ sơ.
Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá
trị di sản văn hóa khẳng định 4 năm qua là cả quá trình, là bước tiến
với việc bảo vệ Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ. Hát Xoan đã nhanh chóng được
bảo vệ bằng những biện pháp cụ thể. Trước hết là bảo vệ con người.
Các nghệ nhân Hát Xoan được quan tâm, đầu tư để có điều kiện tham gia
vào việc truyền dạy. Hiện, 29/31 bài bản cổ đã được các nghệ nhân lão
thành Hát Xoan trao truyền trực tiếp cho 62 nghệ nhân kế cận, điều đó có
ý nghĩa quan trọng, tạo ra lớp thế hệ mới bảo tồn, phát huy giá trị Hát
Xoan.
Bên cạnh đó, mỗi phường Xoan đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để cộng
đồng thực hành thường xuyên. "Lửa" Xoan vẫn sống trong cộng đồng trong
suốt 4 năm qua, tạo ra nhận thức đầy đủ về Xoan, về giá trị di sản cũng
như tạo ra một lớp công chúng trẻ hiểu, yêu Xoan, tự nguyện thực hành
bảo vệ Xoan.
Điểm quan trọng nữa là Phú Thọ đã phục hồi được không gian cho thực hành
diễn xướng Hát Xoan. Di sản văn hóa phi vật thể phải có nơi để gửi gắm,
thực hiện và thực hành. Bởi vậy việc tu bổ lại Miếu Lãi Lèn - nơi tương
truyền là mảnh đất cổ xưa kia Vua Hùng dạy cho người dân biết hát múa,
sau này trở thành làn điệu Hát Xoan nổi tiếng được phục hồi lại và trao
cho cộng đồng làm chủ di tích này.
Mặt khác, các không gian khác như Đình Thét, Đình Phù Đức, Đình An Thái…
cũng đã được tôn tạo, đầu tư, bảo tồn một cách cơ bản để có không gian
cho cộng đồng thực hành nghi lễ hát thờ, thực hành việc truyền dạy Hát
Xoan.
Hát Xoan đã được đưa vào nhà trường như một môn học tự nguyện về lịch
sử, văn hóa địa phương. Các em có điều kiện biết, hiểu về di sản của quê
hương mình và điều quan trọng là có một lớp công chúng, khán giả mới
cho Hát Xoan. Phú Thọ còn làm tốt việc nghiên cứu, quảng bá giới thiệu
Hát Xoan.
Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh, bà thực sự ấn tượng với kết quả mà
tỉnh Phú Thọ cùng với cộng đồng nhân dân các phường Xoan gốc đã làm
trong 4 năm qua để bảo vệ Hát Xoan. Hát Xoan đã vượt qua được tình trạng
cần bảo vệ khẩn cấp, người dân Phú Thọ đã có thể bắt tay vào một giai
đoạn mới là bảo vệ Xoan một cách bền vững.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ, đến nay hát Xoan đã được
phục hồi và thực hành thường xuyên theo đúng tập tục lưu truyền trong
các cộng đồng hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Trong đó, tập trung nhất là 4 phường Xoan là An Thái, Thét, Phù Đức và
Kim Đới ở hai xã Phượng Lâu, Kim Đức (thành phố Việt Trì). Sự phục hồi
của hát Xoan mở rộng dần, năm 2009 có 4 phường Xoan với hơn 100 đào,
kép; đến tháng 8/2015, tại 4 phường Xoan đã có gần 200 đào, kép đủ khả
năng trình diễn hát Xoan thờ.
Toàn bộ 31 bài cơ bản của hát Xoan do các nghệ nhân cao tuổi giữ gìn đã được tư liệu hóa và truyền dạy đầy đủ.
Đến nay, toàn tỉnh có 23 câu lạc bộ hát Xoan với gần 1.000 hội viên tham
gia sinh hoạt (tăng 10 câu lạc bộ so với năm 2010), đội ngũ kế cận được
truyền dạy bài bản là 62 nghệ nhân và hơn 100 thanh thiếu niên, nhi
đồng biết trình diễn; hát Xoan được đưa vào chương trình giáo dục cho
học sinh, được quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi…
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đang phối hợp với các cấp, ngành và
cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn,
phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát
Xoan Phú Thọ năm 2015.
Đặc biệt quan tâm duy trì, nâng cao chất lượng các lớp truyền dạy hát Xoan tại các phường Xoan gốc và xã Hùng Lô./.
(TTXVN)