Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 2/5/2019 23:6'(GMT+7)

Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Quang cảnh Hội thảo "Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam" (ảnh DP)

Quang cảnh Hội thảo "Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam" (ảnh DP)

Hội thảo chuyên đề do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội, đại diện ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và ngoài nước hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số.

Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước coi sự chuyển dịch số rộng khắp nền kinh tế là yếu tố quan trọng để tiếp tục tăng trưởng và phát triển thịnh vượng. Điều này được thể hiện qua các chính sách, kế hoạch tổng thể và chỉ thị được ban hành trong những năm qua; trong đó, nhấn mạnh nhu cầu đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, phát triển xây dựng ngành công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thịnh vượng như một cách thức để nâng cao năng suất.

Hội thảo xoay quanh những vấn đề trọng tâm về phát triển nền kinh tế số Việt Nam như thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số; xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam; giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng số cốt lõi, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số; thiết lập xác thực - định danh điện tử tại Việt Nam và nhiều vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án quốc gia về Chuyển đổi số, trong đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chuyển đổi số nền kinh tế, xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước và một số ngành trọng điểm. Đồng thời, cũng xây dựng các nghị định để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xuất phát chậm hay nhanh không phải vấn đề, bởi cuộc đua này không giống cuộc chạy marathon dùng sức con người. "Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự sáng tạo trên nền tảng Internet, việc chậm hay nhanh không phải là vấn đề lớn".

Là cơ quan tham mưu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hiếu nhấn mạnh, tới đây sửa đổi Luật Doanh nghiệp thì một số điều kiện như gia nhập thị trường sẽ đơn giản hoá. Theo đó, gia nhập thị trường của doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp chỉ cần qua một cổng duy nhất để hoàn thiện các thủ tục. Cùng đó sẽ nâng cao quản trị số trong quản trị doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Đại Thắng,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Nền kinh tế số phát triển cùng với các hiện tượng mới nổi như công nghệ blockchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp chính xác; các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin - truyền thông.

Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ của kinh tế số thì Việt Nam cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh liên quan như: khung pháp lý; an toàn, an ninh mạng; sự thiếu hụt nguồn nhân lực ICT có chất lượng cao; và cả việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển Chính phủ điện tử. Mặt khác, điều đặc biệt quan trọng nữa là kinh tế số gắn liền với tất cả các ngành, lĩnh vực và của nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính, ngân hàng) mà công nghệ số được áp dụng. Vì vậy, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ban tổ chức đã lựa chọn đưa chuyên đề “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng của Diễn đàn.

Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân đối thoại chính sách, trao đổi về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Trên cơ sở kết quả hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp để đưa ra báo cáo tại phiên tổng thể chiều cùng ngày. Đây cũng là một trong những nội dung trong phần đối thoại giữa Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn để giúp các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoạch định chủ trương, chính sách tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ban hành các Nghị quyết về phát triển nền kinh tế số và đặc biệt là Nghị quyết về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; là cơ sở để báo cáo Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này; từng bước để Việt Nam phát triển hoàn thiện nền kinh tế số, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trong tương lai gần.

 Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức vào ngày 2 và 3 tháng 5 năm 2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ” dưới sự đồng chủ trì tổ chức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Lãnh đạo Quốc hội. Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 gồm 1 Phiên toàn thểvà 7 phiên Hội thảo, Tọa đàm chuyên đề../.

 

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất