Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 29/4/2019 10:14'(GMT+7)

Khơi thông nguồn lực của kinh tế tư nhân

Tập đoàn Vingroup đã nâng tầm thương hiệu quốc gia khi ra mắt thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam. (Trong ảnh: Ô tô Vinfast lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm motor danh giá thế giới tổ chức tại Paris, Pháp).

Tập đoàn Vingroup đã nâng tầm thương hiệu quốc gia khi ra mắt thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam. (Trong ảnh: Ô tô Vinfast lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm motor danh giá thế giới tổ chức tại Paris, Pháp).

Thời gian qua, KTTN Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn góp phần củng cố, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam. Dư địa để KTTN phát triển còn rất lớn, vấn đề quan trọng là phải được khơi thông nguồn lực, xóa bỏ mọi rào cản từ nhận thức.

Sức vươn mạnh mẽ của kinh tế tư nhân

Khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) được khánh thành vào cuối năm 2018, đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Lần đầu tiên doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đầu tư, vận hành cảng hàng không, lĩnh vực rất đặc thù về chuyên môn, kỹ thuật, đòi hỏi nguồn vốn lớn và cả những vấn đề về an ninh, nên trước đây đều do doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đảm nhiệm. Không chỉ có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, nhiều công trình giao thông khác cũng mang dấu ấn của KTTN, như: Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long, tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn (Quảng Ninh). Trong lĩnh vực hàng không, sự tham gia của DNTN ngày càng được mở rộng, Hãng hàng không Bamboo Airway trở thành hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam, đồng thời cũng là hãng hàng không thuộc quản lý, điều hành của DNTN.

Nhìn ra nhiều lĩnh vực khác, có thể thấy hàng loạt sản phẩm, dự án, công trình của các tập đoàn, DNTN hàng đầu tại Việt Nam ra mắt thị trường trong thời gian qua. Các dự án này đã nâng tầm vị thế của các tập đoàn, doanh nghiệp, như: Vingroup, Sun Group, Vietjet, TH true Milk, Hòa Phát, T&T... và từng bước định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên toàn cầu.

Với những cải cách đổi mới mạnh mẽ trong chính sách phát triển KTTN của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, khu vực này đã có sự phát triển không chỉ về số lượng doanh nghiệp mà còn mở rộng về quy mô, năng lực. Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, KTTN đang chiếm một lực lượng đông đảo với khoảng 700.000 doanh nghiệp và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Qua các năm, số doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục. Riêng năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 131.275 doanh nghiệp và tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Đáng chú ý, chỉ trong quý I-2019, cả nước có hơn 28.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% về số lượng và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018-đây là số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây.

Đáng chú ý, theo thông tin từ Ban Kinh tế Trung ương, hằng năm, trong khu vực doanh nghiệp, DNTN đang có đóng góp lớn nhất vào Ngân sách Nhà nước với gần 50%; là khu vực chính tạo ra việc làm mới cho người lao động. Năm 2018, về vốn đầu tư, vốn của khu vực tư nhân chiếm 43,3% trong tổng nguồn vốn của xã hội; đã tạo ra hơn 40% GDP, đóng góp khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, khoảng 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ của KTTN thời gian qua là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (sau đây gọi là Nghị quyết 10). Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Nghị quyết 10 là một chủ trương lớn; là kết quả của quá trình đổi mới tư duy phát triển kinh tế và tổng kết thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta, đồng thời kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại. Nghị quyết 10 mở đường cho việc đưa ra những cơ chế, chính sách mới, phù hợp hơn và đột phá hơn nhằm phát triển KTTN trở thành một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo với năng lực cạnh tranh và tác động lan tỏa cao tới các khu vực kinh tế khác, qua đó tới toàn bộ nền kinh tế. Tại Nghị quyết 10, lần đầu tiên Đảng ta xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. “Các quan điểm của nghị quyết là các quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ và đột phá. Tuy nhiên, chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta là phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần và các thành phần kinh tế đều bình đẳng. Do vậy, bên cạnh việc xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để KTTN phát triển lành mạnh thì Đảng ta cũng kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực của KTTN, nhất là những biểu hiện về chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm hay biểu hiện về thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Đề cập đến việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu là DNTN cả về số lượng và chất lượng cũng chính là thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm, Nghị quyết 10 đã “mở lối” cho KTTN phát triển, để từ đó nền kinh tế đạt được hai mục tiêu là huy động được sức dân, tiết kiệm được nguồn lực cho Nhà nước và kết quả là vẫn có những công trình, những dịch vụ công với chất lượng tốt hơn. "Đây chính là xu hướng phổ biến ở các nước trên thế giới, cũng là mục tiêu xuyên suốt trong công cuộc cải cách của chúng ta”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã khẩn trương triển khai thể chế hóa Nghị quyết 10. Hàng loạt chương trình hành động cụ thể đã được các cấp thực thi một cách rốt ráo, quyết liệt với định hướng quan trọng là phát triển mạnh KTTN; kiến tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mọi thành phần kinh tế phát triển. Điển hình như năm 2018, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh. Qua đó giảm hơn 17.500.000 ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Phải xóa bỏ sự bất bình đẳng

Nghị quyết 10 đặt mục tiêu phát triển mạnh khu vực KTTN, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp để đến năm 2030, cả nước sẽ có 2 triệu doanh nghiệp, chủ yếu là DNTN; KTTN chiếm khoảng 60-65% GDP. Để làm được điều đó, theo ý kiến nhiều chuyên gia phải gỡ nhiều rào cản cho KTTN và trước tiên là gỡ rào cản từ thể chế. Bởi, mặc dù về chủ trương, đường lối, khu vực KTTN đã được "cởi trói" nhưng trong thực tế, vẫn còn nhiều rào cản về nhận thức, môi trường kinh doanh, sự bất bình đẳng cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế quan trọng này.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại nhiều bất cập khiến những rủi ro từ việc thực hiện chính sách đang lớn dần. Phản ánh của doanh nghiệp cho thấy, nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, phức tạp, chồng chéo hay thay đổi, dẫn tới tình trạng các cơ quan thừa hành và các doanh nghiệp lúng túng trong việc chấp hành luật; còn tình trạng “giấy phép con” gây khó cho doanh nghiệp. Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, mặc dù khu vực KTTN đóng góp hơn 40% GDP, tuy nhiên, DNTN mới chiếm khoảng 8% GDP, còn lại phần lớn thuộc về khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. Điều đó có nghĩa, số đông trong khu vực KTTN vẫn là các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ với trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu. Do đó, theo Chủ tịch VCCI, không chỉ khuyến khích sự dịch chuyển từ khu vực hộ gia đình sang khu vực DNTN mà cần có sự hỗ trợ việc chuyển đổi này nhằm tăng khu vực doanh nghiệp chính thức, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực KTTN.

Nhấn mạnh vào các giải pháp thúc đẩy cho khu vực KTTN phát triển, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, có 3 yếu tố cơ bản để tạo nên sự bứt phá trong KTTN, là thể chế, vốn, năng suất lao động. Theo đó, các chính sách phải bảo đảm các loại hình doanh nghiệp được đối xử công bằng, được phân bổ nguồn lực như nhau hoặc không tạo ra rào cản, ưu đãi nào đó nhằm cản trở, khu biệt doanh nghiệp. Đơn cử, để các hộ kinh doanh cá thể không còn tư tưởng “không muốn lớn lên thành doanh nghiệp”, điều quan trọng là phải đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, nhất là về thuế, bảo hiểm... Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ vòng từ 1 đến 3 năm đầu sau chuyển đổi về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị, hỗ trợ vốn ưu đãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể thiếu khu vực KTTN trong nước tăng trưởng hiệu quả và lớn mạnh. Do đó, những nút thắt trong phát triển KTTN sẽ được đưa ra trao đổi, đối thoại, giải đáp tại phiên toàn thể của Diễn đàn KTTN Việt Nam 2019 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì dự kiến diễn ra vào ngày 2-5 tới.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất