Sáng mùng 4 Tết Kỷ Sửu, tại hai địa điểm văn hóa của Hà Nội là Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng dân tộc học đã diễn ra những hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động chào xuân mới.
Hoàng thành Thăng Long: Vắng khách tham quan ngày khai hội
Đây là năm đầu tiên, Hoàng thành Thăng Long tổ chức mở cửa đón khách tham quan nhân dịp đầu xuân mới, kéo dài từ mùng 4 tết âm lịch đến hết rằm tháng riêng.
Hôm nay, các hoạt động triển lãm bao gồm: Trưng bày gần 500 mẫu đá kỳ thạch và gỗ lũa nghệ thuật với chủ đề Văn hóa tâm linh Việt, Hồn Việt, Thạch mỹ và tiềm năng đá Việt; trưng bày một số trống đồng Đông Sơn phục chế; trưng bày các mẫu Long bào phục chế; trưng bày hình ảnh bằng công nghệ 3D, một số sản phẩm hiện vật về Hoàng thành Thăng Long…Toàn bộ hoạt động triển lãm diễn ra quanh khu nhà bên thềm Rồng điện Kính Thiên.
Trọng tâm của hoạt động triển lãm là triển lãm cổ vật mang tên “Văn hóa xứ Đoài” với hàng loạt các mẫu vật như: Rìu đá, chuông cổ, chiêng cổ … khai quật được trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội).
Cũng trong ngày đầu khai mạc hội xuân, Liên hoan nghi lễ truyền thống trước thềm Rồng điện Kính Thiên đã mở màn cho một loạt các hoạt động văn hóa, lễ hội sẽ tiếp diễn những ngày sau đó.
Các nghi lễ truyền thống và ca múa nhạc cổ truyền sẽ còn tiếp diễn trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 tết. Sáng mùng 7 sẽ là lễ hội võ thuật cổ truyền Quần Anh hội.
Sáng ngày mùng 8, lần đầu tiên, Liên chi hội di sản văn hóa Lam Kinh Thanh Hóa và Hội cổ vật Thanh Hóa sẽ tổ chức đúc Trống Đồng ngay tại điện sân Rồng.
Tất cả những hoạt động này sẽ song song với việc mở cửa khu di tích Hoàng thành đón khách du lịch trong những ngày đầu xuân mới.
Mặc dù Hội xuân Hoàng thành đã được giới thiệu trước đó khá lâu nhưng trong ngày khai mạc, số lượng người dân tới dự Hội xuân và tham quan khu di tích khá thưa vắng.
Trời lạnh và mưa xuân lắc rắc nên số lượng người dân tới Hội xuân thưa vắng là điều khó tránh. Những ngày tới, có thể những hoạt động khác hấp dẫn hơn sẽ kéo lượng khách đến với Hội xuân Hoàng thành nhiều hơn.
Bảo tàng dân tộc học: Tưng bừng chào năm mới
Sáng mùng 4 tết là ngày đầu tiên Bảo tàng Dân tộc học mở cửa trở lại sau mấy ngày nghỉ tết bằng những hoạt động chào đón năm mới.
Khác với hoàng thành Thăng Long, tại Bảo tàng dân tộc học, không khí đón Tết có vẻ rộn rã hơn nhiều với rất đông khách tham quan.
Tận dụng lợi thế của mình, Bảo tàng Dân tộc học tổ chức hoạt động vui xuân Kỷ Sửu từ mùng 4 đến mùng 7 âm lịch với hoạt động Tết của rất nhiều dân tộc khác nhau.
Đến với Bảo tàng dân tộc học, du khách được chiêm ngưỡng và tham gia màn múa Sạp của người Thái, xin chữ thư pháp, xem múa rối nước, trò chơi đánh đu, pháo đất, đẩy lưng, đẩy gậy, chọi trâu, kéo co, diễn trò Bách nghệ khôi hài, Tứ dân chi nghiệp… của văn hóa Việt; múa vòng, múa quạt, trò chơi Tó má lẹ, Én cáy của người Thái; múa khèn, thổi kèn lá, đàn môi, ném pao, đánh cầu lông gà…của người H’Mông; hát giao duyên của người Hà Nhì, Lự, Cống…
Các hoạt động liên quan đến con trâu đó là hướng dẫn làm đồ chơi bằng hình trâu bằng những vật liệu như đất nặn, bột, lá đa, tranh cát hình trâu, mặt nạ Trâu…thu hút sự chú ý và hưởng ứng của rất nhiều em nhỏ.
Trong những ngày đầu năm mới, những hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng dân tộc học trên có thể là điểm đến văn hóa thú vị cho dân chúng Thủ đô bên cạnh những địa điểm vui chơi giải trí khác./.
(Theo Lao động điện tử)