Thứ Hai, 30/9/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 9/8/2008 11:11'(GMT+7)

Hoành tráng, rực rỡ, ngoạn mục và đầy ấn tượng!

Pháo hoa rực sáng SVĐ quốc gia Bắc Kinh

Pháo hoa rực sáng SVĐ quốc gia Bắc Kinh

Lễ Khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 bắt đầu lúc 8h8’ tối 8/8/2008- con số đọc theo phát âm của tiếng Hán giống từ “Phát”, được coi là thời khắc tốt lành theo quan niệm của người Trung Quốc và kéo dài 3 tiếng rưỡi. Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết, khoảng 80 quan khách cấp cao nhiều nước trên thế giới và 70.000 VĐV, khách mời, quan chức Olympic và khách VIP cùng tham dự Lễ Khai mạc này. 


Thế vận hội 2008 thu hút 10.500 vận động viên đến từ 205 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự để tranh giành 302 bộ huy chương (nhiều hơn Olympic 2004 1 bộ). Theo lời khẳng định của Ban Tổ chức, đây sẽ là một lễ khai mạc hấp dẫn và quy mô lớn nhất trong lịch sử Thế vận hội, và là dịp để nước chủ nhà Trung Quốc giới thiệu và quảng bá với thế giới nền văn hóa của mình.

Lễ Khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 tái hiện lại 5.000 năm lịch sử Trung Quốc qua các tiết mục trình diễn với sự tham gia hơn 20.000 diễn viên, nghệ sỹ. Dự kiến có khoảng 4 tỷ người trên khắp thế giới đón xem Lễ Khai mạc này

Những màn biểu diễn nghệ thuật và diễu hành

Sau màn bắn pháo hoa đẹp mắt, những tiết mục thể hiện những nét đặc sắc của Trung Quốc được thể hiện. Từ hình ảnh bức tranh thuỷ mặc thể hiện nét nguyên sơ đến sự ra đời của Tiếng Hán- ngôn ngữ chính của người Trung Quốc ra đời từ rất sớm với sự thể hiện của gần 3.000 diễn viên. Bản in cổ được thể hiện độc đáo- đây được coi là bản in đầu tiên của loài người.

Những màn múa rối thể hiện môn nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc là Kinh kịch, đến những hình ảnh tái hiện con đường tơ lụa- được biết đến cách đây 2.000 năm, nối Trung Quốc với thế giới bên ngoài, mở rộng giao thương. Con đường tơ lụa trên biển thể hiện tinh thần hội nhập của người Trung Quốc từ ngàn xưa, nét nổi bật của nền văn minh. Tất cả được tái hiện đặc sắc qua bàn tay của bàn tay Đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu, những đoàn thuyền vượt đại dương nói lên tinh thần dũng cảm vượt qua khó khăn của người Trung Quốc.

Hình ảnh trà đạo- loại hàng hoá được giao dịch nhiều nhất của người Trung Quốc xưa cũng được tái hiện. Tiếp theo là những hình ảnh về thời kỳ Thịnh Đường- thời kỳ mà Trung Quốc phát triển rực rỡ về mọi mặt kinh tế, văn hoá. Đây là mốc son trong 5.000 năm phát triển của văn hoá Trung Quốc.


Trang phục của người Trung Quốc qua nhiều thế hệ khác nhau đến hình ảnh 32 cây cột Long trụ thể hiện sự ổn định vững chắc cũng đã được tái hiện. Đan xen là những màn pháo hoa rực rỡ trên Sân vận động Tổ chim. Tất cả thể hiện một dòng chảy văn hoá của Trung Quốc


Nghệ sĩ Langlang- một trong những cây dương cầm hàng đầu thế giới mở màn cho phần những nét đẹp hiện đại của Trung Quốc

Từ bức tranh thuỷ mặc chỉ có hai màu Đen- Trắng được thay thế bằng những màu sắc rực rỡ được tạo nên bởi sự hoà trộn những màu sắc và ánh đèn. Chim bồ câu- biểu tượng của hoà bình tung bay giữa các vì sao là những diễn viên toả khắp sân vận động. Hình ảnh chim bồ câu xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1982 được sáng tạo bởi hoạ sĩ thiên tài người Tây Ban Nha Picasso.



Cùng với đó là những âm thanh từ cây dương cầm vẫn tiếp tục vang lên qua sự thể hiện của nghệ sĩ Langlang trên Sân Tổ Chim. Tiếp đến là màn trình diễn Thái Cực Quyền- một môn võ cổ truyền của Trung Quốc trong những âm thanh tự nhiên. “Tự nhiên” cũng chính là chủ đề của phần trình diễn này. Sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên. Con người phải biết hoà hợp, cải tạo thiên nhiên để biến thiên nhiên phát huy những tác dụng tích cực phục vụ đời sống con người.

Phần biểu diễn Thái Cực Quyền được thể hiện bởi 2.008 nghệ sĩ. Đây là một con số rất ý nghĩa vì năm nay cũng là năm 2008. Tính cả lịch âm và lịch dương hôm nay đều là ngày mùng 8- một con số may mắn. Hình ảnh những em bé cùng với màn biểu diễn võ thể hiện tư tưởng giáo dục các thế hệ hoàn thiện cả văn lẫn võ.



Tiếp đến là màn thể hiện Ước mơ. Vũ trụ mở ra chứa đựng những ước mơ vĩ đại. Trong những năm qua, Trung Quốc đã chế tạo được tàu vũ trụ- đánh dấu sự phát triển ngành không gian vũ trụ của nước này. Một điều đáng chú ý là sẽ không có mưa trong Lễ Khai mạc vì xung quanh thành phố Bắc Kinh đã được bố trí những trạm pháo phòng không. Nếu trời có hiện tượng mưa, nitơrat bạc sẽ được bắn lên để phá mây.


Hai ca sĩ nổi tiếng Lưu Hoan (Trung Quốc) và Sara Brightman (Anh)- sứ giả của phong cách nhạc bán cổ điển trình diễn bài hát nói về Ước mơ của nhân loại- hoà bình và phát triển.

Sau màn thể hiện của hai ca sĩ là 2.008 quả pháo được bắn ra.Tiếp theo là sự sự xuất hiện của 56 dân tộc của Trung Quốc chào đón quý khách đến từ 5 châu tham dự Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 qua các trang phục đặc trưng.


Sau một tiếng với những màn biểu diễn nghệ thuật là các đoàn diễu hành. Khác với những kỳ Thế vận hội khác, các đội tham dự Olympic năm nay được xếp theo thứ tự chữ cái Trung Quốc nên vị trí có nhiều xáo trộn. Dẫn đầu vẫn là đoàn thể thao Hy Lạp- nơi được coi là quê hương của phong trào thể thao Olympic. Hy Lạp cũng là nước chủ nhà Olympic Aten 2004. Năm nay Hy Lạp có 159 VĐV tham dự Olympic Bắc Kinh.


VĐV điền kinh Nguyễn Đình Cương, người giành 2 HCV SEA Games 24 vinh dự cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam trong buổi lễ diễu hành khai mạc Olympic lần này. Trước đây, nhiệm vụ này được dự kiến trao cho võ sĩ taekwondo Nguyễn Văn Hùng. Tuy nhiên, theo lịch trình, ngày 15/8, đội tuyển taekwondo Việt Nam mới lên đường tới Bắc Kinh. Cách đây 4 năm, tại Olympic Athens, Nguyễn Văn Hùng đã được trao vinh dự này.

Tham dự Olympic Bắc Kinh 2008, đoàn chủ nhà Trung Quốc có số lượng VĐV hùng hậu lên tới 1.099 người. Ngôi sao bóng rổ tại giải nhà nghề NBA Yao Ming vinh dự cầm lá cờ Tổ quốc trong cuộc diễu hành của đoàn Trung Quốc tại buổi Lễ khai mạc. Điều đặc biệt hơn là cậu bé Li Hao, thiếu niên anh hùng đã sống sót sau trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Tứ Xuyên vào tháng 5 vừa qua đã diễu hành cùng Yao Ming nhằm tưởng nhớ tới những nạn nhân xấu số trong trận động đất tại Tứ Xuyên- một hình ảnh mang đầy tính nhân văn.

Một Thế vận hội vì môi trường, khoa học kỹ thuật và nhân văn

Ông Lưu Kỳ, Trưởng ban Olympic Bắc Kinh nói: “Ngày hôm nay ngọn lửa thiêng với xuất phát điểm là ngọn đồi thiêng Olympia trải qua hành trình qua 5 châu 4 biển đã hiện diện và bừng cháy tại đây. Tổ chức Olympic là giấc mơ trăm năm qua của người dân Trung Quốc. 7 năm trước, 1,3 tỷ người dân Trung Quốc có một ước hẹn với Olympic và kể từ đó, với sự giúp đỡ của IOC, Đảng và Chính phủ cũng như toàn thể nhân dân Trung Quốc để thực hiện lý tưởng một kỳ thế vận hội vì môi trường, khoa học kỹ thuật và giá trị nhân văn cao cả”.

Ông Lưu Kỳ cũng bày tỏ cảm kích trước tình cảm của nhân dân quốc tế đã dành cho nhân dân Trung Quốc sau trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên. Sự giúp đỡ đó giúp Trung Quốc có thêm niềm tin trong công cuộc tái thiết đất nước và tổ chức thật tốt Olympic. Mọi người từ 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới không cùng dân tộc, không cùng tôn giáo tín ngưõng đều tề tựu về đây dưới ngọn cờ Olympic để tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị cùng hát vang bài hát “Cả thế giới chung một ước mơ”. Tinh thần của Olympic là lấy con người làm trung tâm, nơi chúng ta vượt lên chính mình hoàn thiện bản thân. Mỗi VĐV sẽ thi đấu cống hiến và sáng tạo trong một bầu không khí cạnh tranh bình đẳng để vươn tới những thành công.


Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) Jacques Rogge nhấn mạnh: Khẩu hiệu của Olympic lần này là “Cả thế giới chung một ước mơ” và đó chính là lý do mà tất cả chúng ta có mặt tại đây. Ông cũng bày tỏ sự cảm thông trước những mất mát của người dân Trung Quốc sau trận động đất ở Tứ Xuyên. “Chúng ta thật cảm động trước sự mất mát và nỗ lực của người dân Trung Quốc. Với chung một ước mơ, Olympic sẽ mang đến niềm vui, hy vọng và tự hào”. Theo ông Rogge “Đây không phải Đại hội của các cá nhân mà là Đại hội của hàng ngàn VĐV đến từ 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới không phân biệt tôn giáo, giới tính, màu da và thể chế chính trị. Hãy thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng của Olympic, đạt thành tích xuất sắc trong tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau”.

Tiếp đó, Chủ tịch nước CHND Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố khai mạc Olympic Bắc Kinh lần thứ 29.


Màn pháo hoa hoa rực rỡ tiếp tục được bắn lên tại Sân vận động Tổ chim, khởi đầu cho lễ rước cờ Olympic tiến vào sân vận động. 6 người cầm cờ là những VĐV kỳ cựu của thể thao Trung Quốc, những người đóng góp rất lớn cho thể thao Trung Quốc trước đây và hiện tại. Lễ thượng cờ diễn ra trang trọng.

Song điều mà người xem không khỏi bất ngờ và ấn tượng chính là màn thắp sáng Đài đuốc Olympic Bắc Kinh 2008.


Những người rước đuốc tới đài lửa đều là những người từng vô địch Olympic của Trung Quốc. Hình ảnh VĐV cuối cùng rước đuốc chạy một vòng trên không xung quanh Sân vận động Tổ chim thể hiện hành trình của ngọn lửa thiêng Olympic xuất phát từ đỉnh đồi Olympia linh thiêng, trải qua 5 châu 4 biển trên nền hình ảnh dải lụa mở ra và tiến dần tới đài lửa thiêng. Ngọn lửa được thắp lên- chính thức khởi đầu cho Olympic Bắc Kinh 2008 và sẽ cháy suốt thời gian diễn ra kỳ Thế vận hội này.

Hình ảnh xuyên suốt Lễ khai mạc luôn thể hiện khẩu hiệu “One World, One Dream” đã được dàn dựng một cách công phu, hoành tráng, rực rỡ dưới con mắt của Tổng Đạo diễn Trương Nghệ Mưu.


Khẩu hiệu của Đại hội lần này là “One World, One Dream” (Một thế giới, Một giấc mơ).


Olympic 29 có 28 môn thi, với 302 nội dung, trong đó có 165 nội dung nam và 127 nội dung nữ và 10 nội dung phối hợp. Các cuộc đua tranh sôi động sẽ khép lại vào ngày 24/8.


Vào dịp Olympic Bắc Kinh, từ 8/8 đến 20/9, thành phố sẽ tổ chức 969 buổi biểu diễn miễn phí tại các sân khấu ngoài trời với nhiều thể loại do các đoàn nghệ thuật Trung Quốc và nước ngoài biểu diễn./.

Lễ khai mạc qua các con số

* 15.000: số người tham gia các màn trình diễn nghệ thuật.

* 29.000: số quả pháo hoa được bắn trong đêm khai mạc, được bắn làm 29 lượt - cũng là số lần diễn ra các kỳ Olympic hiện đại.

* 91.000: sức chứa của SVĐ quốc gia Bird's Nest (hình tổ chim).

* 4 tỷ: ước chừng số khán giả theo dõi Lễ khai mạc qua truyền hình.


Olympic Bắc Kinh được báo chí thế giới đánh giá là tốn kém nhất trong lịch sử Thế vận hội, với tổng số tiền đã đầu tư là hơn 40 tỷ USD, trong đó 1,9 tỷ dành cho tu sửa và xây dựng các địa điểm thi đấu, 20,5 tỷ cho các dự án môi trường và khoảng 2 tỷ cho các hoạt động lễ khai mạc, sự kiện thi đấu...

Thể thao Trung Quốc quyết tâm soán ngôi đầu của Mỹ ở Olympic 2008, sau khi đã thể hiện sức mạnh ở Athens 2004 bằng vị trí thứ nhì trên đoàn Nga và chỉ kém Mỹ 4 HC vàng.



(Tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất