Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 3/7/2024 14:3'(GMT+7)

Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước góp phần minh bạch nền tài chính quốc gia

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ LÀ CƠ QUAN KIỂM TRA VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI CHÍNH CÔNG, TÀI SẢN

Tại Hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua 30 năm hình thành và phát triển đã đánh dấu một chặng đường phát triển vượt bậc của Kiểm toán Nhà nước. Từ một cơ quan chưa có tổ chức tiền thân và tiền lệ về hoạt động, được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán, đến nay Kiểm toán Nhà nước đã được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định vị thế là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Kiểm toán Nhà nước đã chú trọng kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước giúp Quốc hội có nguồn thông tin, dữ liệu đáng tin cậy để phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia ý kiến một cách có trách nhiệm và thiết thực giúp Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hằng năm. Kết quả kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước còn giúp cho cho hoạt động giám sát của Quốc hội hiệu quả hơn.

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ gần 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không đúng hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục "lỗ hổng" về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, trong đó đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Cũng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, Kiểm toán Nhà nước luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tập thể lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Xuyên suốt 30 năm qua, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, Kiểm toán Nhà nước luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện hiệu quả công việc được giao. Hoạt động kiểm toán từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; chất lượng không ngừng nâng lên. Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém.

"Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

HOÀN THIỆN ĐỊA VỊ PHÁP LÝ, THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NHÂN DÂN GIAO PHÓ

Các ý kiến tại Hội thảo đều nhấn mạnh, sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhưng để có được ngày hôm nay - trở thành một thiết chế độc lập, do Quốc hội thành lập, được Hiến định là một quá trình dài xây dựng, kiến tạo cơ sở pháp lý.

Quá trình này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã có một hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ và thống nhất. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước được thành lập theo Nghị định số 70/CP của Chính phủ. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 61/1995/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Kiểm toán Nhà nước) Hoàng Phú Thọ, hai văn bản trên được coi là những căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như tuyên ngôn khai sinh Kiểm toán Nhà nước, qua đó tạo bước phát triển lớn cho hệ thống các công cụ kiểm tra và kiểm soát tài chính của Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và tăng cường năng lực tài chính quốc gia.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Đây là dấu mốc lịch sử trong hành trình kiến tạo, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Kiểm toán Nhà nước. Lần đầu tiên, địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, nền tảng pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và là một dấu mốc lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của Kiểm toán Nhà nước.

Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương cho biết, sự kiện này đã nâng tầm Kiểm toán Nhà nước từ cơ quan do "Luật định" thành "Hiến định", khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đồng thời khẳng định vị trí của Kiểm toán Nhà nước trong bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc đưa địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp năm 2013 chính là một "mốc son chói lọi" trong hành trình 30 năm phát triển của Kiểm toán Nhà nước. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất những định hướng, giải pháp mang tính chiến lược nhằm phát triển Kiểm toán Nhà nước để khẳng định vai trò, vị thế của Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công…

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất