(TG)- Có thể khẳng định, hoạt động tri ân liệt sỹ không chỉ mang ý nghĩa xã hội “uống nước nhớ nguồn” mà còn mang tính chính trị và nhân văn sâu sắc.
Tối 16/7, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã phối hợp với Báo Quân đội nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty cổ phần Quốc tế IMC tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ với chủ đề “Trọn vẹn nghĩa tình". Đây là hoạt động thiết thực nhằm hướng tới kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2014).
Đến dự Chương trình giao lưu có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân nhiều gia đình liệt sĩ.
Trước khi diễn ra Chương trình giao lưu, các đại biểu đã dành một phút tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc chương trình, Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ xúc động bày tỏ, trên đất nước ta có hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã quên mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên của mỗi gia đình, vì sự lớn mạnh mà chúng ta có được ngày hôm nay. Và chính trong hòa bình như ngày nay, công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc vẫn đòi hỏi cả dân tộc phải dấn thân. Sự hy sinh, đổ máu vì giang sơn gấm vóc vẫn là điều thiêng liêng của con dân đất Việt. Chiến tranh và sự tàn ác của kẻ thù luôn để lại hậu quả vô cùng nặng nề, trong đó, phần đau thương nhất là các gia đình liệt sỹ, là những người mẹ, người vợ liệt sỹ cùng những đứa con thơ dại.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, nhân dân ta đã làm được rất nhiều việc to lớn để giảm đi những đau thương, mất mát mà chiến tranh đã gây ra, coi đây là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng mà chúng ta phải tập trung giải quyết. Tư tưởng xuyên suốt trong các quyết sách chiến lược về tri ân liệt sỹ; huy động đến mức cao nhất khả năng có thể của Nhà nước và toàn xã hội để thực hiện tri ân liệt sỹ.
Để tiếp tục đưa các chủ trương của Đảng, quyết định của Chính phủ vào cuộc sống theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của những người và gia đình có công, giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là những người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến…” nhất là những vấn đề về công tác liệt sỹ.
Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh – liệt sỹ, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam phát động tháng cao điểm tri ân liệt sỹ và phối hợp tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sỹ với chủ đề “Trọn vẹn nghĩa tình” nhằm mục đích tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, trong đó có điểm nhấn là những người vợ liệt sỹ đã vượt qua các đau thương, mất mát, sự thiệt thòi, thiếu thốn để nuôi con và phấn đấu xứng đáng với người đã khuất; là sự chăm lo của cả xã hội đối với các con của liệt sỹ; tôn vinh các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong việc tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sỹ; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong việc đồng hành cùng các hoạt động của Hội và tài trợ để tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Tại Chương trình, đại biểu đã giao lưu với những người vợ, người con của các liệt sĩ chia sẻ về cuộc sống, công việc hiện nay cũng như sự tri ân của xã hội đối với thân nhân các liệt sĩ như: Cô giáo Đỗ Ái Linh, nguyên Hiệu trưởng Trường Nội trú Nguyễn Viết Xuân (ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội); Đại úy Trần Thị Thu Hà (công an tỉnh Hà Nam) đã kể lại sự hy sinh quên mình của người cha thân yêu - liệt sĩ Trần Đức Thông và chia sẻ những động lực giúp chị hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người chiến sĩ Công an nhân dân.
Chị Trần Thị Liễu ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình – vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, hy sinh năm 1988 khi đang làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma tâm sự: Chồng hy sinh khi 2 con còn rất nhỏ, nhưng dù dù hoàn cảnh có khó khăn đến đấu thì chị cũng luôn cố gắng nuôi dạy cái con nên người. Hiện 2 con chị đã trưởng thành và đều tiếp bước cha, trở thành chiến sĩ Hải quân đang công tác ở Trường Sa, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Cũng trong Chương trình giao lưu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao kết quả giám định ADN xác định danh tính 5 liệt sĩ cho các gia đình thân nhân liệt sĩ (đợt thứ 23).
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao 8 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ cùng đại diện một số địa phương và Quân chủng Hải quân. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phát động chương trình nhắn tin ủng hộ Quỹ tri ân liệt sĩ bằng việc: Soạn TALS gửi 1405.
Chương trình giao lưu nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, tôn vinh những người mẹ, người vợ liệt sĩ, đồng thời chia sẻ, động viên con em liệt sĩ. Đây cũng là dịp để thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân của xã hội đối với những người có công với đất nước và biểu dương các tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực trong hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.
Có thể khẳng định, hoạt động tri ân liệt sỹ không chỉ mang ý nghĩa xã hội “uống nước nhớ nguồn” mà còn mang tính chính trị và nhân văn sâu sắc. Tổ chức Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đang được phát triển ở nhiều địa phương để đẩy mạnh hoạt động tri ân liệt sỹ một cách rộng khắp như tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Đồng Nai, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng…. Công việc tri ân liệt sỹ đã và đang, sẽ phải là việc làm thường xuyên trên toàn quốc và đồng bào ở nước ngoài.
Bảo Châu