Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương-981
(Haiyang Shiyou-981) tại lô 143 ở Biển Đông đã vi phạm Công ước Liên hợp
quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) vì khu vực này nằm sâu bên trong
vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, nơi Việt Nam có quyền chủ
quyền và quyền tài phán.
Đó là khẳng định của ông Ezequiel Ramoneda, điều phối viên Trung tâm
nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học quốc gia La Plata của Argentina.
Ông Ramoneda cũng là giảng viên một số trường đại học của Argentina và từng có thời gian theo học tại Trung Quốc và Indonesia.
Ông Ramoneda ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc xử lý tranh chấp
với Trung Quốc, đó là thúc đẩy đàm phán trên cơ sở các văn bản pháp lý
quốc tế. Ông nhận xét, là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông
Nam Á (ASEAN), Việt Nam nhận được sự ủng hộ của khối này, thể hiện qua
tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 mới đây.
Theo chuyên gia này, Trung Quốc cũng có EEZ nhưng là tại khu vực khác.
Bắc Kinh có ít hoặc không có thông tin về nguồn tài nguyên năng lượng
tại một số vùng biển của mình, vì vậy có thể khảo sát dầu khí tại vùng
biển này mà không cần phải tạo ra tranh chấp với các nước khác và gây ra
nguy cơ một cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Theo UNCLOS, là quốc gia ven biển, Việt Nam có chủ quyền đối với mọi
loại tài nguyên thiên nhiên, cũng như đối với những hoạt động thăm dò và
khai thác trong vùng EEZ và thềm lục địa của mình vì mục đích kinh tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại lô 143, vi
phạm chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển trên, không hề tính tới các
đòi hỏi chính đáng của Việt Nam đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Theo ông Ramoneda, hành động của Trung Quốc mang động cơ chính trị và chỉ nhằm khoa trương sức mạnh.
Ông Ramoneda cũng cho rằng việc Trung Quốc ấn định thời điểm đặt giàn
khoan vào ngày 2/5 là có chủ ý. Lý do thứ nhất và quan trọng nhất là nó
diễn ra trước cuộc họp cấp cao ASEAN lần thứ 24 được tổ chức trong các
ngày 10-11/5 tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar. Trung Quốc đặt giàn
khoan để phô trương sức mạnh trước 10 thành viên ASEAN, nơi Trung Quốc
có tranh chấp chủ quyền biển đảo với cả Việt Nam, Malaysia, Indonesia,
Brunei và Philippines.
Lý do thứ 2 không kém phần quan trọng là việc hạ đặt giàn khoan diễn ra
chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công du một số nước châu
Á, trong đó có Philippines và Malaysia.
Học giả Ramoneda khẳng định hành động của Trung Quốc gián tiếp tạo ra sự
cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ thông qua việc cùng tăng
cường hiện diện tại Đông Nam Á. Theo ông Ramoneda, rõ ràng là Trung Quốc
không tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và hòa bình cho các vấn đề ở
Biển Đông và điều này đang dẫn tới căng thẳng leo thang, làm gia tăng
nguy cơ bất ổn tại khu vực.
Ông Ramoneda nhấn mạnh, không chỉ vi phạm UNCLOS, hành động của Bắc Kinh
đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà
Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002, đồng thời đi ngược lại các thỏa
thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước liên quan đến việc xử lý các vấn đề
trên biển.
Theo ông Romaneda, Bắc Kinh phải rút giàn khoan và tìm kiếm một giải
pháp ngoại giao, hòa bình cho cuộc tranh chấp. Ông cho rằng xét về mặt
chính trị, cách hành xử hiện nay của Trung Quốc trong tranh chấp biển
đảo với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và các nước khác làm
gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang và tạo ra khủng hoảng ngoại giao tại
khu vực.
Xét về mặt kinh tế, hành động của Trung Quốc có thể gây phương hại tới
các hiệp định thương mại tự do đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như
tới việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)
đang được Trung Quốc thúc đẩy, trong khi lại có lợi cho đàm phán Hiệp
định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ quan tâm.
Ông Romaneda cho rằng những thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc trong
trường hợp khủng hoảng chính trị và xung đột quân sự có thể nổ ra xuất
phát từ việc Bắc Kinh đơn phương sử dụng vũ lực kiểm soát tài nguyên ở
Biển Đông sẽ lớn hơn những gì mà Trung Quốc thu được./.
Theo TTXVN