“Những công trình đầu tư từ 100% vốn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là
những công trình do ‘cấp trên’ (huyện, tỉnh) làm chủ đầu tư thì hầu như
người dân không có thông tin cả về kế hoạch cụ thể, thiết kế công trình,
dự toán và quyết toán chi phí.”
Đây là kết quả công bố từ Báo cáo tham vấn cộng đồng đóng góp ý kiến cho
Dự thảo Luật Đầu tư công, do các tổ chức phát triển, gồm có Trung tâm
Hành động Phát triển vì Cộng đồng (ACDC), Trung tâm nâng cao Năng lực
Cộng đồng (CECEM), Trung tâm Hội nhập và Phát triển (CDI), Trung tâm Hỗ
trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho phụ nữ (CEPEW), Nhóm hợp tác Thúc
đẩy Quản trị và Cải cách Hành chính công (GPAR) và Tổ chức Oxfam tại
Việt Nam tổ chức thực hiện.
Phân biệt đối xử... thông tin
Báo cáo cho thấy, hiệu quả của các hoạt động đầu tư công là một thách
thức không nhỏ đặt ra hiện nay. Một số chương trình, dự án đầu tư công
chưa thực sự sát với nhu cầu của người dân ở cấp cơ sở, cá biệt có những
dự án mà kết quả thực hiện không đi được vào cuộc sống cũng như tính ưu
tiên trong các hoạt động đầu tư công chưa phù hợp với nguyện vọng của
người dân.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự minh bạch về thông tin
đang có sự khác biệt giữa các chương trình dự án đầu tư công 100% vốn
ngân sách Nhà nước và những công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Người dân tham gia tham vấn nhìn chung cho biết, thông tin đến với dân
chúng từ các công trình 100% vốn ngân sách là rất hạn chế và chỉ có
những thông tin đơn thuần như tên công trình, thời gian dự kiến thực
hiện, tên cơ quan chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà
Rịa-Vũng Tàu chỉ ra, “theo quy định thì chủ đầu tư phải công khai thông
tin về công trình. Song trên thực tế thì chủ đầu tư thường chỉ có pano
thông báo về công trình ở nơi thực hiện công trình. Nhưng thông tin trên
pano rất ít, thường chỉ có tên công trình, thời gian dự kiến thực hiện,
tên cơ quan chủ đầu tư,… chứ không có thông tin về thiết kế công
trình.”
Không chỉ có vậy, đối với các công trình phải di dời, giải phóng mặt
bằng thì người dân thường được thông tin về trách nhiệm của họ, trong
khi “quyền lợi” mà họ được thụ hưởng từ sự đóng góp của mình lại không
hề hay biết.
Bác Hòa sống tại ấp Nhân Tiến (Mộc Xuyên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay:
“Khi xây dựng con đường liên xã Bình Ba-Đá Bạc, người dân ở đây không
được tham gia đóng góp ý kiến. Tương tự con đường chạy qua ấp Nhân
Tâm-Nhân Tiến-Nhân Đức, cộng đồng tại 3 ấp đều không biết gì về kế hoạch
xây dựng con đường và chỉ hộ nào bị giải tỏa thì được chính quyền gọi
ra họp thống nhất giá đền bù đất.”
Ở khía cạnh khác, một số địa phương cũng đã thực hiện cung cấp thông tin
về các dự án đầu tư công tới cộng đồng. Nhưng cách đưa thông tin lại là
một trong những lý do khiến người dân không biết hoặc không biết đầy đủ
về chủ trương đầu tư công cũng như từng công đoạn cụ thể. (Như, vị trí
để các tờ thông tin về kế hoạch hoặc công trình không dễ thấy, thuật ngữ
sử dụng quá kỹ thuật và không thân thiện…)
Thêm vào đó Báo cáo cũng cho biết, người dân hiện cũng chưa được tiếp
cận và nắm rõ các thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của
địa phương mình nói chung cũng như thông tin về các kế hoạch đầu tư
công, chủ trương đầu tư, đặc biệt là của cấp huyện và tỉnh.
Trách nhiệm giải trình bị “bỏ lửng”
Bác Kỷ, người dân xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình phàn nàn:
“Tại tỉnh Hòa Bình, người dân được biết các thông tin về các chương
trình do xã làm chủ đầu tư, nhưng thực chất chỉ là thông tin ở phần phê
duyệt, còn các phần khác thì không biết gì, mà có đọc những cũng không
hiểu được vì không có ai giải thích cho chúng tôi.”
Kết quả tham vấn từ Báo cáo cho thấy, không địa phương nào cung cấp cho
người dân thông tin về địa chỉ để họ có thể đến và tìm hiểu thêm thông
tin cũng như đưa ra các ý kiến phản hồi liên quan đến các công trình, dự
án đầu tư công.
“Chúng tôi không biết hỏi ai, ra Ủy ban Nhân dân xã thì ủy ban cũng
không biết, vì đó là của trên đưa xuống,” ông Ty, xã Xuyên Mộc, huyện
Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói về việc tìm hiểu thông tin liên quan
đến con đường liên xã Bình Ba-Đá Bạc.
Không chỉ người dân “đói” thông tin, mà các chính quyền địa phương, Mặt
trận Tổ quốc tại cơ sở (thôn, xã) cũng trong tình trạng “mù mờ” thông
tin về công trình do cấp trên làm chủ đầu tư. Do đó, các cơ quan, tổ
chức đại diện cho người dân chưa phát huy vai trò giám sát thực hiện đầu
tư công, hay nói cách khác là trong tình trạng “hữu danh vô thực”.
Ý kiến từ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội huyện Nghĩa
Hưng, tỉnh Nam Định cho biết, “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có tham
gia giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới… Nhưng thực tế vì không
có thiết kế và dự toán công trình nên chúng tôi không giám sát được.”
Thiếu thông tin, thiếu trách nhiệm giải trình, thiếu sự tham gia của
cộng đồng… nhiều công trình, chương trình đầu tư công vừa hoàn thành đã
“phải đắp chiếu”, gây lãng phí, không đáp ứng đúng nhu cầu và hoàn cảnh
thực tế của địa phương, thậm chí gây thiệt hại cho người dân.
Ông Nguyễn Ái Ba, khóm 1 thị trấn Klông Kla nói, “Luật có chỉ có ở trên
giấy tờ, thực tế người dân không tham gia, không biết.” Hay chị Dự, một
người được hưởng lợi từ công trình nước sạch xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc,
Tỉnh Hòa Bình chia sẻ, “thấy bảo công trình này là của nhà Nhà nước tới
làm cho, thấy vui lắm. Nghĩ chắc chắn, công trình của Nhà nước thì rất
tốt, rất yên tâm. Ai dè công trình thi công xong mà giờ người dân lại
chẳng được hưởng gì”.
Cần một cơ chế giám sát từ dân
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều đề xuất đóng góp từ cộng đồng đã được nêu trong báo cáo.
Theo đó, người dân kiến nghị: Các công trình, dự án từ nguồn đầu tư công
cần thiết phải được công khai từ khâu thiết kế, dự toán, công khai sử
dụng ngân sách và vốn vay từ các tổ chức phát triển. "Cần thiết nhất là
phải công bố cụ thể đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thực hiện, đơn vị giám sát
và tên tuổi, số điện thoại liên hệ của người chịu trách nhiệm giải đáp
thông tin cũng như tiếp nhận ý kiến phản hồi," báo cáo nêu rõ.
Những người dân trả lời tham vấn đều thống nhất cho rằng, tất cả các
công trình công cộng trên địa bàn địa phương cần phải xuất phát từ nhu
cầu của người dân. Do đó, khi xây dựng dự án cần lấy ý kiến người dân về
khoảng chi đầu tư, thiết kế, thi công… để đảm bảo chi đúng nhu cầu của
người dân.
Về hoạt động giám sát, hầu hết các kiến nghị đưa ra, để đảm bảo cơ chế
giám sát cần phải phát huy vai trò của ban giám sát đầu tư cộng đồng.
Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cho ban giám sát thì phải có cơ chế giám
sát. Đặc biệt, Nhà nước cần quy định chế tài đối với việc chủ đầu tư
không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hồ sơ công trình cho ban giám sát
đầu tư cộng đồng./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)