Nếu không kịp thời có biện pháp làm dịu tình hình, tranh chấp chủ quyền
biển đảo có nguy cơ gây ra những tranh chấp khác giữa các nước, các bên liên
quan.
Tình trạng bất ổn ở Biển Đông không phải là mới. Tuy nhiên, vụ giết hại
ngư dân Đài Loan (Trung Quốc) Hung Shih-cheng vừa qua lại cho thấy hình ảnh một
Biển Đông khá mới mẻ. Đó là nguy cơ sử dụng khu vực biển này làm nơi giải quyết
những bức xúc, bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Điều này khiến
tranh chấp ở Biển Đông ngày càng nguy hiểm.
Những tranh cãi ngoại giao giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông
đang "nóng" lên sau khi lực lượng tuần duyên Philippines bắn chết Hung
Shih-cheng hôm 9/5. Hung đã trở thành bia đỡ đạn khi đang đứng trên boong tàu cá
Kuang Ta Hsing số 28. Kiểm tra thi thể Hung, người ta đếm được tổng cộng 59 lỗ
đạn.
Vụ việc xảy ra ở vùng biển rộng lớn nơi tuyên bố chủ quyền về vùng đặc
quyền kinh tế của các nước chồng lấn lên nhau. Đó cũng là khu vực biển mà các
nước chưa từng đạt được thỏa thuận phân định chính thức.
Cho đến thời điểm này, nguy cơ xảy ra xung đột giữa Đài Loan và
Philippines đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, hậu quả của vụ việc thì không chỉ dừng
lại ở Eo Balintang - nơi nó đã xảy ra.
Mặc dù không chấp nhận việc Đài Bắc thiết
lập quan hệ ngoại giao với các nước, và vẫn coi Đài Loan là một tỉnh của mình,
nhưng Trung Quốc Đại lục lại khẳng định rằng giết hại một ngư dân Đài Loan cũng
là giết hại một người Hoa. Vì vậy, họ đứng về phía hòn đảo Đài Loan trong vụ
tranh cãi với Philippines.
Chỉ một ngày sau vụ giết hại ngư dân, Trung Quốc đã triển khai 2 tàu hải
giám tới bãi Cỏ Mây - một bãi đá lúc chìm lúc nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Hiện
lực lượng Thủy quân lục chiến Philippines đang chiếm đóng bãi đá này trên một
chiếc tàu đổ bộ cũ từ thời Thế chiến II.
Mười một ngày sau, Trung Quốc đưa thêm
một tàu khu trục và 2 tàu hải giám đến khu vực bãi Cỏ Mây - hành động mà phía
Philippines coi là bất hợp pháp và mang tính khiêu khích.
Đáp lại, Philippines đã triển khai tàu chiến tới bãi Cỏ Mây hôm 25/5. Hai
ngày sau đó, lần đầu tiên trong 3 năm qua, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận
hải quân với sự tham gia của cả 3 hạm đội.
Dù không công khai nói rằng những
động thái triển khai tàu vừa qua là để hậu thuẫn cho Đài Loan, nhưng rõ ràng
Trung Quốc đang "bắn một mũi tên trúng hai đích." Có thể nhân cơ hội này, Trung
Quốc muốn thử phản ứng của Philippines và trả đũa việc Manila kiện Bắc Kinh ra
Tòa án trọng tài về luật biển.
Vụ việc đó càng chứng tỏ Biển Đông vẫn là một khu vực bất ổn và rất dễ
bùng phát thành xung đột với sự hiện diện của quân đội các nước, các bên có
tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Biển Đông còn là nơi các bên sử dụng để giải
quyết những tranh chấp khác liên quan tới quan hệ song phương.
"Ngoại giao pháo
hạm" đã được áp dụng để tạo sức mạnh răn đe ngay tại vùng biển quốc tế. Đó là
một diễn biến rất nguy hiểm, nhất là khi căng thẳng vượt qua tầm kiểm soát của
các bên.
Vấn đề này chắc chắn sẽ được đề cập đến tại Đối thoại Shangri-La lần thứ
12 vào cuối tuần này ở Sinhgapore - nơi mà Mỹ đã triển khai siêu hạm USS
Freedom. Là 1 trong 4 tàu tác chiến ven bờ tối tân của Hải quân Mỹ, USS Freedom
sẽ có mặt ở Sinhgapore trong một vài năm tới. Việc Mỹ tăng cường hiện diện quân
sự sẽ tác động đáng kể tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vốn đang rất căng
thẳng./.
(Vietnam+)