Thứ Bảy, 21/9/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Hai, 27/5/2013 10:29'(GMT+7)

Kiên Giang tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển - đảo

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Kiên Giang là một trong 7 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có biển, vùng ven biển, biển - đảo, với 68 xã, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố có biển là Phú Quốc, Kiên Hải, An Minh, An Biên, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, thị xã Hà Tiên và thành phố Rạch Giá, chiếm 30,4% diện tích tự nhiên của tỉnh. Vùng biển Kiên Giang rộng 63.290 km2, bờ biển dài gần 200 km và hơn 140 đảo nổi lớn nhỏ có tiềm năng kinh tế đa dạng, phong phú về sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thủy sản, du lịch và những lĩnh vực ngành nghề dịch vụ khác.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế này, Kiên Giang đang phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển trong thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam”. Theo đó, tỉnh huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển - đảo bằng việc cụ thể hóa 56 dự án, đề án thực hiện khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển, hải đảo và ven biển đến năm 2020. Tỉnh tập trung đầu tư các công trình giao thông, lưới điện, nước sinh hoạt; phát triển mạnh nhiều ngành có lợi thế như: thương mại, du lịch, đóng tàu, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng… gắn với đầu tư xây dựng các trung tâm kinh tế, khu đô thị ven biển, hải đảo. Tỉnh đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo sản lượng hàng hóa lớn và nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu; hình thành những trung tâm nghề cá.

Giai đoạn 2008 - 2012, tỉnh đã huy động vốn đầu tư hạ tầng vùng ven biển, hải đảo hơn 55.260 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư ở khu vực Nhà nước chiếm 39,5%, vốn dân doanh 58,3% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2%. Theo đó, 6 dự án công trình cảng cá, cảng biển xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, gồm: Thổ Chu, Nam Du, An Thới, Tắc Cậu, Dương Đông và cảng biển Bãi Vòng - Phú Quốc. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công các cảng cá Xẻo Nhàu, Tô Châu, Ba Hòn, bến cá Lình Huỳnh, khu trú bão Cầu Sấu, luồng vào cửa Dương Đông phục vụ khai thác thủy hải sản biển, vận chuyển hàng hóa và du lịch biển - đảo. Nâng cấp nhiều công trình giao thông, lấn biển mở rộng khu đô thị thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên.

Tỉnh xây dựng trạm cấp nước sạch Hà Tiên, Ba Hòn, Chùa Hang có công suất từ 200 - 500 m3/ngày/trạm, Tắc Cậu (Châu Thành) công suất 1.000 m3/ngày; hồ chứa và kênh dẫn nước tại thị xã Hà Tiên và huyện đảo Phú Quốc. Hệ thống cấp điện, cấp nước các xã ven biển công suất 100 - 150 m3/ngày; các tuyến đường ven biển, trường học, trạm y tế các xã đảo huyện Phú Quốc, Kiên Hải và xã ven biển trong đất liền phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân. Tỉnh đầu tư xây dựng mới, nạo vét hàng trăm công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản như: thoát lũ, dẫn ngọt, kênh tạo nguồn, giữ nước ngọt, hệ thống đê và cống ngăn mặn ven biển Tây từ thị xã Hà Tiên đến giáp tỉnh Cà Mau chiều dài hơn 118 km.

Tỉnh thực hiện quy hoạch, xây dựng 3 dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, với tổng vốn đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng; xây dựng và triển khai các dự án đầu tư hạ tầng du lịch tại nhiều điểm, khu du lịch như: Hòn Trẹm - Chùa Hang (Kiên Lương), Mũi Nai - Hà Tiên, cảng Bãi Vòng - Di tích Nhà tù Phú Quốc, cảng Rạch Giá, Công viên Văn hóa An Hòa (TP. Rạch Giá), trùng tu, tôn tạo di tích Tháp Cù Là, Chùa Phật Lớn… tổng vốn đầu tư 574 tỷ đồng, đã thực hiện hoàn thành 274 tỷ đồng và đang triển khai các dự án tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Tỉnh đầu tư phát triển các công trình lưới điện phân phối, đường dây trung thế, hạ thế, trạm biến áp và máy phát điện cho các xã đảo; đường cáp ngầm 110 KV từ thị xã Hà Tiên ra đảo Phú Quốc gần 60 km, công suất truyền tải 131 MVA.

Đồng thời, Kiên Giang đầu tư nhiều công trình cấp nước như: mở rộng Nhà máy nước Rạch Giá, Hà Tiên; xây dựng và nâng cấp hồ chứa nước Dương Đông - Phú Quốc từ 5.000 m3/ngày lên 16.500 m3/ngày. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện vùng ven biển, hải đảo đạt 96% và hộ sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt 92%. Tỉnh đầu tư xây dựng 2.948 phòng học kiên cố và bán kiên cố cho các xã, phường, thị trấn ven biển, biển - đảo, với 72 trường đạt chuẩn quốc gia, 401 trường đạt xanh - sạch - đẹp, 78% xã có trường mầm non, 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 100% huyện có trường phổ thông trung học, 4 trường dân tộc nội trú và 4 trường cao đẳng phục vụ nhu cầu học hành cho con em, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Năng lực vận tải hàng không có bước phát triển, với việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đạt cấp 4E tiếp nhận được các loại máy bay B767, B747-400, đón tiếp 2,5 - 3 triệu lượt khách/năm. Năng lực vận tải đường biển được tăng cường 5 tàu cao tốc tuyến Rạch Giá - Phú Quốc và ngược lại mỗi ngày. Tàu cao tốc loại nhỏ từ thành phố Rạch Giá đến các đảo Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn, Nam Du… góp phần tích cực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Thành tựu và định hướng phát triển kinh tế biển

Qua 5 năm (2008 - 2012) thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển, hải đảo của tỉnh Kiên Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn này đạt 12,4%/năm, trong đó công nghiệp chế biến tăng 12%, khai thác hải sản tăng 10%, dịch vụ cảng biển và vận tải biển tăng 15%. Năm 2012, giá trị tăng thêm các ngành kinh tế biển đạt 51.784 tỷ đồng, chiếm 70% GDP của tỉnh, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 5,7% hiện nay.

Theo đó, trên lĩnh vực kinh tế thủy sản, tỉnh tập trung khai thác thủy hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Năng lực khai thác đánh bắt thủy sản, với đoàn tàu cá hiện có hơn 12.400 chiếc, trong đó trên 3.000 tàu đánh bắt xa bờ, công suất bình quân 340 CV/tàu, tổng sản lượng khai thác đánh bắt hàng năm từ 420.000 tấn trở lên. Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, với các hình thức đa dạng như: nuôi tôm công nghiệp, quảng canh cải tiến, luân canh tôm - lúa, nuôi cá lồng bè trên biển, nuôi nghêu, sò vùng bãi triều, nuôi cá nước ngọt, nước lợ vùng ven biển, nuôi tôm, cua, sò dưới chân rừng ngập mặn… tổng diện tích 163.761 ha. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2012 đạt 584.182 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 157 triệu USD. Tỉnh đầu tư khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ biển - đảo và ven biển trên cơ sở điều chỉnh các quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch.

Đặc biệt là quy hoạch phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao vào năm 2020. Năm 2012, Kiên Giang thu hút trên 3,8 triệu lượt khách du lịch, tăng gáp 6,32 lần so với năm 2007. Hầu hết các xã, thị trấn của 2 huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay chỉ còn 2 - 3%, đang hướng tới xóa hộ nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Kiên Giang đang phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển trong thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam”.

Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, tỉnh tiếp tục tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển, cải thiện hơn nữa đời sống nhân dân, bảo vệ tốt an ninh chủ quyền biên giới, biển - đảo. Cụ thể là tiếp tục quy hoạch xây dựng các địa bàn, trung tâm kinh tế biển làm cầu nối gắn liền với các trung tâm kinh tế, đô thị của tỉnh; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển, hải đảo, nhất là đầu tư xây dựng đảo ngọc Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển giao thông, thủy lợi, cảng biển, khu trú bão, lưới điện, nước sạch, khu du lịch, dịch vụ; phát triển đồng bộ kinh tế thủy sản cả về khai thác đánh bắt, nuôi trồng và chế biến; phát triển vận tải đường bộ, hàng không, đường thủy, đường biển đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách. Tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đối với huyện đảo Phú Quốc, tỉnh kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển Phú Quốc đến năm 2020. Tỉnh kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển, ven biển và ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Lê Huy Hải (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất