Hàng loạt các vụ việc trẻ em gặp nạn diễn ra gần đây cho thấy, không chỉ các em nhỏ dại chưa biết, chưa được trang bị kỹ năng sinh tồn mà ngay cả người lớn, ngoài việc thiếu trách nhiệm đến nơi đến chốn cũng rất yếu kém về kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ.
Người đưa trẻ đến trường, người đón nhận trẻ vào lớp mà không biết cách
quản lý, không có khả năng phát hiện sự không bình thường khi thiếu vắng
học sinh. Người dạy trẻ phòng, chống tình huống cháy mà không biết chất
cồn dễ bén lửa đến thế nào. Các bậc cha mẹ, ông bà không lường được rủi
ro nhãn tiền khi để trẻ chơi ở lan can thấp, hở ở nhà cao tầng hay để
mặc chúng kéo nhau ra ao hồ, sông nước…
Một lỗ hổng lớn về kỹ năng sống,
kỹ năng sinh tồn, kỹ năng bảo vệ trẻ trong chính các lớp người trưởng
thành đã làm hạn chế khả năng lường định, phát hiện những rủi ro có thể
và xử lý đúng trước những tình huống xảy ra. Đó cũng là nguyên nhân làm
cho rất nhiều người trưởng thành bị tai nạn do cháy nổ, do coi nhẹ sự an
toàn cho mình và người khác khi tham gia giao thông, sử dụng điện, ra
sông ngòi, hồ, biển cũng như không phòng ngừa đầy đủ trước các loại tai
nạn lao động.
Không hiểu biết, không có kỹ năng sống, người ta dễ khinh
suất khi làm nhà dưới vách núi dễ sạt lở, khi để củi, rơm gần bếp, để
xăng ngay phòng ở, mắc dây điện, ổ điện nhì nhằng, sơ hở trong nhà,
trong xưởng. Không hiểu biết thì dùng thuốc trị bệnh bừa bãi…
Chăm lo
cho trẻ, người không biết, không thạo nhẹ dạ mua thiết bị công nghệ, cài
đặt các ứng dụng di động (app) theo dõi vị trí con trẻ nhưng trong hàng
trăm thứ đồng hồ thông minh, móc khóa báo động, bộ báo động mở cửa…
trong hàng triệu app tán phát trên mạng cái gì có hiệu quả thực sự hay
nhầm và phản tác dụng như đã từng gặp phải?...
Phải biết, phải thành
thạo kỹ năng mới làm mẫu, làm gương truyền dạy cho con trẻ. Người lớn
phải học vì thế.
Trong môi trường sống truyền thống, dân ta quen thuộc với mọi điều
kiện, mọi vật dụng sinh hoạt và sản xuất, số đông người biết bơi lội,
biết sống gần và làm chủ trước sự thuận nghịch của thiên nhiên mưa gió,
nắng lửa. Trong công việc thì “đàn bà không biết buộc lạt là đàn bà
nhác, đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư”.
Ngày nay, trong xu
hướng sống tiện nghi, đương nhiên con người ta phải có kỹ năng sử dụng,
làm chủ tiện nghi, đồng thời phải biết sống hài hòa, cân bằng với thiên
nhiên, không để sống ảo, sống xa rời đời thực.
Để bảo vệ trẻ em trước
những rủi ro, cạm bẫy, người trưởng thành phải được trang bị những kỹ
năng sống phù hợp với môi trường cũ, mới đan xen.
Không phải các lớp học, các buổi hướng dẫn cho trẻ em và thanh niên,
sinh viên về luật lệ giao thông, phòng, chống cháy nổ, sử dụng điện và
các vật dụng điện, các lớp dạy bơi, sơ cứu đã và đang diễn ra không ít
nhiều phát huy tác dụng, song nhìn thẳng vào thực trạng các lớp dạy đó
chưa nhiều hoặc còn nặng hình thức, chưa đến nơi đến chốn.
Lý do các
lớp, lò dạy và rèn kỹ năng sống theo hình thức xã hội hóa chưa phát
triển đúng hướng, có chuyện học phí cao với số đông, có chuyện gia đình
khó đưa đón con em đi học thêm, có chuyện hoài nghi về chất lượng.
Phải
chăng chúng ta nên xem xét lại kỹ càng những lý do đó để tìm cách nâng
cao chất lượng, hiệu quả?
Trước mắt, từng có đề xuất năm học mới
2019-2020 nên có trọng tâm dạy kỹ năng sống trong hệ thống giáo dục phổ
thông. Đó là ý kiến thiết thực.
Từng bước, từng năm học, khóa học chúng
ta có thể nâng cấp, hoàn thiện dần để các thế hệ con trẻ, học sinh,
người trưởng thành hôm nay và mai sau thực sự có kỹ năng sống nói chung
và kỹ năng sinh tồn nói riêng để làm chủ bản thân, sẵn sàng bảo vệ trẻ
em, giúp đỡ người khác./.
Nguyễn Anh (qdnd.vn)