Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 15/9/2010 20:8'(GMT+7)

Học phương pháp tuyên truyền, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Lai Sơn (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương - Vĩnh Phú) ngày 30/3/1958.

Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Lai Sơn (xã Thanh Vân, huyện Tam Dương - Vĩnh Phú) ngày 30/3/1958.

Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn cho công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng đạt hiệu quả cao, thì điều quan trọng nhất là nội dung tuyên truyền, giáo dục phải phản ánh đúng những nguyện vọng sâu xa và những quyền lợi cơ bản nhất của dân chúng. Bên cạnh đó, phải có phương pháp thật sự khoa học để mọi người tự mình nhận thức được sự cần thiết phải tập hợp lại, từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam chính là người đã khởi xướng, rèn luyện và để lại nhiều bài học quý báu cho đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng của Đảng.

Phương pháp tuyên truyền, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ngay trong cách viết, cách nói của Người. Trong tuyên truyền, nói hay viết luôn phải ngắn gọn, giản dị, rõ ràng, sinh động và hấp dẫn, phù hợp với quảng đại quần chúng nhân dân để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo. Người nhắc nhở: "Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện" (1). Để đạt được điều đó, theo Hồ Chí Minh, đi nói chuyện ở đâu, phải hiểu rõ trình độ dân nơi ấy cùng những phong tục, tập quán của địa phương. Nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn, trên cơ sở đó, sử dụng các phương pháp cho thích hợp với đối tượng. Trong bài Người tuyên truyền và cách tuyên truyền đăng trên báo Sự thật số 79 (từ ngày 26-6 đến ngày 9-7-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích và căn dặn rất tỷ mỷ: “Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền…Hai là phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Chớ dùng những danh từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài đề, chớ lắp đi lắp lại. Chớ nói quá một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai, không thích nghe nữa. Muốn tránh những khuyết điểm đó, trước khi nói, phải viết một dàn bài rõ ràng, rồi cứ xem đó mà nói. Ba là phải có lễ độ”(2). Cũng trong bài viết này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu rõ: Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào, cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương. Phải hoà đồng với người dân: dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ, thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Thái độ phải mềm mỏng: đối với các cụ già phải cung kính, với anh em, phải khiêm tốn, với phụ nữ, phải nghiêm trang, với nhi đồng, phải thân yêu, với cả mọi người, phải thành khẩn.

Để mọi người hiểu rõ, hiểu sâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay dùng phương pháp so sánh và đưa ra những ví dụ đơn giản, gần gũi khi diễn đạt hay giải thích những vấn đề lý luận, chính trị. Chẳng hạn, nói về vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng, Người phân tích: đạo đức là nguồn nuôi dưỡng phát triển của con người, cũng như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Cây không có gốc thì cây héo, sông không có nguồn thì sông cạn, người không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Để tuyên truyền giáo dục có hiệu quả, Hồ Chí Minh còn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền phải biết cách nói của quần chúng. Đây chính là tính đại chúng trong phương pháp tuyên truyền, giáo dục của Người. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng. Tục ngữ có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói, khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực” (3). Ở chỗ khác, Người nói: “Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà lại có duyên. Các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân” (4)…

Trong công tác giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý gắn liền lý luận với thực tiễn. Theo Hồ Chí Minh, lý luận có vai trò hết sức to lớn đối với thực tiễn, lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Tuy nhiên, Người cũng nhắc nhở thêm rằng, có lý luận rồi thì phải biết kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm thực tế, liên hệ với thực tiễn nếu không lại mắc phải bệnh lý luận suông. Bởi vì "Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách" (5). Như vậy, lý luận chỉ có ý nghĩa đích thực khi được vận dụng vào thực tiễn, đóng vai trò soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn. Lý luận không có mục đích tự thân nên Người yêu cầu việc học tập lý luận phải nhằm phục vụ thực tiễn "học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận". Và Người cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên, những người trực tiếp tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị phải gắn lý luận với thực tiễn trong tuyên truyền, đồng thời cần giúp đối tượng vận dụng lý luận vào thực tế. Muốn vậy, theo Hồ Chí Minh cả người tuyên truyền, giáo dục lý luận và người học lý luận phải tuân thủ quy trình liên hệ giữa lý luận với thực tế, đó là: Trước hết, phải liên hệ lý luận với thực tế công tác tư tưởng của mình, để cải tạo mình, nâng cao sự tu dưỡng của mình. Thứ hai, đem lý luận học được phân tích các kinh nghiệm công tác đã qua và tìm nguyên nhân của những thành công và thất bại. Thứ ba, liên hệ với những vấn đề thực tế và nhiệm vụ hiện nay để đề ra cho Đảng đường lối và phương pháp giải quyết các vấn đề đó như thế nào cho đúng. Và thông qua những việc làm đó sẽ giúp cho việc củng cố lập trường, nâng cao quan điểm và phương pháp của mình.

Học phương pháp tuyên truyền, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cần phải học quan điểm lắng nghe thông tin, ý kiến phản hồi của đông đảo nhân dân. Thông tin phản hồi được thực hiện dưới nhiều hình thức như: toạ đàm, đối thoại, trao đổi, góp ý,… Từ những hình thức này, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước sau khi phổ biến, lấy ý kiến nhân dân sẽ được thực tiễn cuộc sống ở cơ sở kiểm nghiệm, bổ sung và kiến nghị. Đồng thời, cần tránh cách tuyên truyền theo kiểu áp đặt. Trong bài Lời căn dặn các đội viên tuyên truyền xung phong nói ngày 20-10-1945, Người thẳng thắn chỉ ra: "Chớ có lên mặt làm “quan cách mạng”. Chớ có tưởng đi tuyên truyền đây là đi dạy người ta chứ không cần học lại người ta, lãnh đạo người ta chứ không chịu người ta phê bình" (6).

Phương pháp tuyên truyền, giáo dục của Hồ Chí Minh là phương pháp đề cao yếu tố nêu gương, giáo dục bằng việc làm, hướng dẫn cụ thể. Theo Hồ Chí Minh, chính việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng, những nhân tố tích cực ở cơ sở…để giáo dục là phương pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, có sức thuyết phục; là cách thực hành tốt nhất đường lối quần chúng, biết dựa vào dân trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Không chỉ coi trọng tuyên truyền những tấm gương điển hình, Hồ Chí Minh còn yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền, giáo dục cũng phải là một tấm gương sáng. Người phân tích: "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" (7). Bởi vậy, muốn hướng dẫn nhân dân thì tự mình phải mực thước để người ta bắt chước. Đây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói, viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể, "nói đi đôi với làm".

Ngày nay, công tác Tuyên giáo đang ngày càng giữ một vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Đảng. Bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, chúng ta cũng đang gặp phải không ít khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Những chỉ dẫn nêu trên của Hồ Chí Minh về phương pháp tuyên truyền, giáo dục chính là bài học quý giá, có ý nghĩa to lớn để những người làm công tác Tuyên giáo nói riêng và mọi cán bộ, đảng viên nói chung thấm nhuần, nghiên cứu và vận dụng./.

Lê Quang Dực
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên
_____________________________________________

(1) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, tr.128.

(2) - Sđd, tập 5, tr.399

(3) - Sđd, tập 5, tr. 538

(4) - Sđd, tập 12, tr.561

(5) - Sđd, tập 5, tr.471

(6) - Sđd, tập 4, tr.72

(7) - Sđd, tập 1, tr.263

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất