(TG)-Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa họp cho ý kiến vào một số nội dung liên quan đến Đề án đào tạo nghề cho lao động phục vụ doanh nghiệp, công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phương án điều chỉnh một số dự án giao thông và một số nội dung quan trọng khác.
Cho ý kiến vào Đề án đào tạo nghề cho lao động phục vụ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn nội dung, điều kiện hỗ trợ học nghề cho người lao động và điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp; xem xét lại một số nội dung có trùng lặp với các nghị quyết khác đã ban hành liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm; cân nhắc kỹ đối tượng doanh nghiệp hỗ trợ, đối tượng đào tạo nghề. lĩnh vực lựa chọn hỗ trợ đào tạo. Nghiên cứu, bổ sung, đánh giá thêm xu hướng, nhu cầu nguồn lao động của doanh nghiệp. Có số liệu đánh giá rõ uy tín, năng lực của các trung tâm đào tạo nghề, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của người lao động sau khi được đào tạo nghề.
Đưa ra các con số lao động Vĩnh Phúc chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 150.000 lao động đang làm việc trong doanh nghiêp, trong đó, lao động trong các khu công nghiệp khoảng 80.000 người. Tuy nhiên, lao động nữ chiếm hơn 70%; lao động phổ thông hơn 52%; lao động có trình độ ĐH, CĐ mới đạt 12%. Do vậy, để đáp ứng tốt nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong giai đoạn tới, nhất là khi khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc sắp hoàn thành, việc ban hành Đề án đào tạo nghề cho lao động là rất cần thiết.
Nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Đề án đào tạo nghề cho lao động phục vụ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi Đề án thành công tác đào tạo nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, cần tính toán kỹ việc Nhà nước đứng ra hỗ trợ toàn bộ, hay người dân phải đóng góp hoặc doanh nghiệp phải đóng góp. Bổ sung một số nội dung về tiêu chí, công cụ để đo lường, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề; số lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các trung tâm đào tạo nghề, chất lượng các cơ sở đào tạo nghề.
Về nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp cần bổ sung thêm nhiệm vụ nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động. Nghiên cứu thêm cơ chế hỗ trợ dựa trên kết quả đào tạo; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động sau đào tạo; mức hỗ trợ chung hay riêng cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét việc tích hợp các cơ chế, chính sách thành nghị quyết chung của tỉnh về nội dung này. Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các ý kiến vào đề án.
Về dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, các đại biểu đề nghị cần đánh giá rõ những tồn tại, nguyên nhân dẫn đến việc khó thu hút được người tài, nguyên nhân nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, tỉnh cần xây dựng giải pháp mang tính đột phá, có cơ chế sử dụng chất xám. Quan tâm đến công tác đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là quan tâm chú ý kỹ năng mềm, tác phong làm việc. Một số đại biểu đề nghị trong thời gian tới nên ban hành nghị quyết thay thế nghị quyết này để phù hợp với tình hình thực tế công tác phát triển nguồn nhân lực hiện nay.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đồng tình với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 06 đảm bảo phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế. Trong đó cần cập nhật thêm các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 26 của BCH Trung ương Đảng về công tác cán bộ. Ban Tuyên giáo chủ trì phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết mới trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tại hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cho ý kiến vào chủ trương về phương án điều chỉnh dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Hồng kết hợp với đường giao thông địa phận huyện Yên Lạc và việc sử dụng nguồn vốn để thực hiện điều chỉnh dự án cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp với đường giao thông địa phận huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và nội dung liên quan đến công tác cán bộ./.
Tuấn Anh