Thực hiện những căn dặn về xây dựng Đảng của Bác viết trong Di chúc, Đảng bộ tỉnh An Giang luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong mỗi giai đoạn cách mạng; luôn luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nhằm tăng cường sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Đảng bộ tỉnh An Giang có 16 đảng bộ trực thuộc gồm 11 đảng bộ huyện, thị, thành phố và 4 đảng bộ khối, ngành; 889 tổ chức cơ sở đảng với 61.136 đảng viên, chiếm trên 2,84% dân số.
Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết về xây dựng Đảng, từ nghị quyết của các Đại hội đại biểu toàn quốc đến nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Từ đó, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tình trạng thiếu dân chủ, mất đoàn kết nội bộ được cảnh báo, ngăn ngừa. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài được tập trung chỉ đạo xử lý, tạo sự đồng tình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo Tỉnh ủy An Giang, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động thành lập Ban soạn thảo xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh” trên tinh thần chặt chẽ từng bước, đảm bảo tính khoa học, khả thi, lấy chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy và yêu cầu thực tế của địa phương để làm mục tiêu. Ngay khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), tỉnh đã hoàn chỉnh Đề án “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh” và bắt tay ngay vào thực hiện.
Hiện nay, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn có hiệu quả. Cụ thể, cấp tỉnh 1 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ giữ chức vụ Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ. Tỉnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Theo đó, giữ nguyên cơ cấu Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh và Hội đồng chuyên môn hiện có; chuyển trang thiết bị và nhân sự của Phòng Khám và quản lý sức khỏe cán bộ tỉnh về Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang để tổ chức lại thành Khoa Nội A. Tỉnh thực hiện sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy: Văn phòng Tỉnh ủy từ 6 phòng còn 4 phòng; Ban Tuyên giáo từ 6 phòng còn 4 phòng; Ban Tổ chức từ 5 phòng còn 4 phòng; Ban Nội chính từ 4 phòng còn 3 phòng; Ban Dân vận từ 4 phòng còn 3 phòng; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy từ 5 phòng còn 4 phòng.
Ở cấp huyện, đầu năm 2019, tỉnh đã hợp nhất Đảng bộ khối Dân Chính Đảng và Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh, thành lập Đảng bộ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện đã triển khai thực hiện ở 4/11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh gồm: Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Phú, Tri Tôn; đồng thời với việc hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp. Mô hình Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thực hiện ở 11/11 huyện, thị, thành phố (đạt 100%); mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có 5/11 đơn vị thực hiện; mô hình Trưởng ban Tổ chức huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ đã thực hiện ở 2/11 đơn vị; mô hình Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra đã thực hiện ở 1/11 đơn vị .
Cấp xã, mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã đã thực hiện 84/156 xã, phường, thị trấn. Huyện Châu Phú và thành phố Long Xuyên là 2 đơn vị đi đầu về thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã với 100% xã, phường, thị trấn; đồng thời triển khai sắp xếp kiêm nhiệm một số chức danh ở cấp xã. Mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng khóm, ấp đã được triển khai thực hiện thành công ở 888/888 khóm, ấp trên địa bàn tỉnh (đạt 100%).
Qua đó, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới, đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là vai trò của các cấp chính quyền và Mặt trận Tổ quốc. Các cấp ủy đã ban hành nhiều quy chế, quy định về mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy với các tổ chức đảng. Việc mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng được chú trọng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, chất vấn trong Đảng.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh An Giang đạt kết quả tích cực, ông Tân Văn Ngữ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang cho biết: Tỉnh ủy An Giang tập trung tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; thực hiện các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm vừa cơ bản, cấp bách, vừa thường xuyên lâu dài, cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; lấy “xây” làm nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, lấy “chống" làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, trên nguyên tắc giữ vững sự ổn định chính trị để phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về “dân làm gốc”; chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tự do sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang yêu cầu cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, cần chủ động, tích cực trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường. Từng địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động trong việc lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung giải quyết; chú trọng việc nghiên cứu, tìm tòi một số công việc, vấn đề cụ thể mang tính đột phá để thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét. Trong đó, ít nhất mỗi cấp ủy đề ra một nội dung đột phá gắn với chủ đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân để thực hiện. Các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh tiến độ thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và của nhân dân./.
Thanh Sang/TTXVN