Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 25/2/2016 14:30'(GMT+7)

Học và làm theo báo ở vùng cao

Đồng bào vùng cao xã Pu Sam Cap huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu đón đọc báo Tin Tức.

Đồng bào vùng cao xã Pu Sam Cap huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu đón đọc báo Tin Tức.


Học và làm theo báo

Chúng tôi đến Tả Lèng, một xã vùng cao của huyện Tam Đường (Lai Châu) nơi có 12/13 bản đặc biệt khó khăn, chủ yếu là bà con dân tộc Mông và Dao cùng sinh sống. Các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư của Đảng và Chính phủ thời gian qua đã giúp cuộc sống của đồng bào vùng cao từng bước giảm bớt được khó khăn. Thông qua việc đón đọc các sách báo, ấn phẩm, bà con như tìm được thêm cơ hội mới để cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Anh Giàng A Sinh, người dân tộc Mông ở bản Thèn Pả, xã Tả Lèng là một trong những tấm gương vận dụng tốt kiến thức của sách báo và ấn phẩm vào thực tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ và tìm hiểu kiến thức từ báo chí, gia đình anh đã đầu tư vào đất và ao cá, phát triển chăn nuôi lợn, dê. Hiện tại, thu nhập bình quân trừ chi phí từ mô hình của gia đình anh Sinh là trên 100 triệu đồng/năm. Anh Giàng A Sinh chia sẻ: “Có được thành quả như vậy, phải rất cảm ơn Nhà nước đã qua tâm đến người dân. Chúng tôi được đón đọc những sách báo miễn phí để qua đó chọn lọc kiến thức phát triển kinh tế, mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau thoát nghèo”.

Đồng quan điểm với anh Giàng A Sinh, Chủ tịch UBND xã Pờ Tó huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, Lê Trọng Nam cho biết: Những năm 1980 trở về trước, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn và thiếu thốn. Từ khi được đọc báo, học cách làm ăn và những mô hình hay trên báo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Pờ Tó đã vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, xã đã lồng ghép các nguồn vốn mục tiêu Quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, góp phần tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản của địa phương được giao thương thông suốt, hạn chế tình trạng bị ép giá và không tiêu thụ được. Do được định hình sẵn vùng nguyên liệu mía và tiến tới đây là vùng nguyên liệu sắn cộng với thiên nhiên ưu đãi thổ nhưỡng phù hợp với 2 loại cây trồng này, trong tương lai Pờ Tó sẽ sớm thoát nghèo.

Những tờ báo, ấn phẩm cấp phát miễn phí đến với đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa giờ đây đã tạo nên thói quen đọc sách, báo với nhiều người dân. Hàng ngày, hàng tháng, những tờ báo, ấn phẩm miễn phí được chuyển đến tuyến xã. Dựa trên cơ sở danh sách từng bản, trạm, đồn biên phòng mà các ấn phẩm này được phân phát xuống mọi địa chỉ. Thậm chí, nhiều cán bộ, đảng viên còn tích cực tìm hiểu những kiến thức hay trên sách, báo để về truyền đạt lại cho bà con nông dân ít có cơ hội được đọc.

Chính sách cấp phát báo cần tiếp tục

Anh Nguyễn Trọng Mạch, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết: Sách báo được cấp phát xuống đến từng bản để bà con cùng đọc. Ở các bản còn nhiều người dân chưa biết đọc nên các ấn phẩm có nhiều hình ảnh, thông tin dễ tiếp nhận như tờ báo Tin Tức, báo ảnh Dân tộc và Miền núi của Thông tấn xã Việt Nam khá phù hợp với nhận thức của bà con. Ở đó giới thiệu nhiều gương phát triển kinh tế, nhiều mô hình, cách làm nông nghiệp hay…, giúp bà con rất nhiều trong vận dụng vào thực tế và điều kiện của bản thân. “Tôi mong Nhà nước tiếp tục duy trì việc cấp phát các ấn phẩm đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới để giúp đồng bào ở những nơi khó khăn có điều kiện nâng cao dân trí, có thêm cơ hội thoát nghèo”, anh Mạch mong muốn.

Chính sách cấp sách báo, tạp chí miễn phí của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào vùng cao không chỉ giúp bà con kịp thời biết được những thông tin, chính sách của Chính phủ, biết học hỏi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà qua đó còn nâng cao tính cảnh giác và ngăn ngừa những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, việc đón nhận các kiến thức đối với bà con dân tộc thiểu số tại các địa bàn được cấp phát sách báo, ấn phẩm miễn phí ở các tỉnh miền, vùng đặc biệt khó khăn cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Tại đây, một tỷ lệ đáng kể các đối tượng mà các ấn phẩm hướng tới phục vụ còn chưa biết đọc, gây trở ngại không nhỏ đến hiệu quả của Chính sách 2472. Ông Ma Cang Dinh, Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho rằng: Những ấn phẩm cần tăng cường thể hiện thông tin qua hình ảnh sinh động. Bà con cần phải thấy tận mắt, sách báo có nhiều hình ảnh trực quan mới thể hiện hết được nội dung mà đồng bào mong muốn. Như vậy bà con dễ dàng thay đổi thói quen và làm theo.

Việc đưa báo chí về với đồng bào có ý nghĩa rất lớn, nhất là giúp nhân dân biết cách bảo vệ giữ gìn sức khỏe, từ bỏ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh. Qua kênh thông tin này, bà con được tiếp cận với nhiều cách làm ăn hay để phát triển kinh tế, nhiều gia đình đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống lúa, ngô, cây ăn quả có năng suất cao vào sản xuất để góp phần nâng cao đời sống gia đình. Từ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả rõ rệt.

 Tôn Duy/
Báo Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất