Hội thảo nghiệp vụ Hội Nhà báo các tỉnh, thành khu vực Duyên hải Bắc Bộ với chủ đề "Học tập, rèn
luyện, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng," tổ chức ngày 24/5,
tại thành phố Nam Định.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của những người làm báo khu vực Duyên
hải Bắc Bộ nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) và 88
năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6).
Chủ đề "Học tập, rèn luyện, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách
mạng" nhằm cụ thể hóa, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương
Đảng, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông,
Hội Nhà báo Việt Nam tại hội nghị báo chí toàn quốc và hội nghị Hội Nhà báo toàn
quốc đầu năm nay.
Theo đó, các cấp Hội nhà báo không ngừng quan tâm chăm lo hơn nữa công tác
xây dựng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo
đức nghề nghiệp trong sáng, có năng lực chuyên môn giỏi; tiếp tục đẩy mạnh thực
hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 10 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu tập
trung cao vào chủ đề của Hội nghị. Các ý kiến đều khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí
Minh vừa là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam, vừa là người
thầy xuất sắc của giới báo chí cách mạng Việt Nam. Bác luôn quan tâm và chỉ rõ
vai trò của báo chí cách mạng.
Quan điểm của Bác về báo chí hết sức phong phú và sâu sắc. Theo quan điểm tư
tưởng Hồ Chí Minh, người làm báo cách mạng trước hết phải có đạo đức nghề nghiệp
và trách nhiệm xã hội nghiêm túc, có lập trường chính trị vững vàng, thường
xuyên quán triệt sâu sắc mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước; phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững
trên lập trường của giai cấp vô sản.
Bác yêu cầu người làm báo muốn tiến bộ và viết hay, phải ra sức học tập và
rèn luyện nâng cao trình độ văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo cách mạng
phải nhạy bén với sự vận động phát triển của đất nước; có lòng say mê nghề
nghiệp; luôn đứng về công lý, lẽ phải; đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực;
làm trong sạch, lành mạnh đời sống xã hội.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, làm rõ tính sâu sắc lời căn dặn của Bác với
những người làm báo là "Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì? Viết cho ai?
Viết để làm gì? Viết cái gì?"
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Gia Thái nhấn mạnh: việc học tập, làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chính Minh không chỉ là việc làm trước mắt, mà là một
quá trình lâu dài. Người làm báo chí cách mạng phải rèn luyện, học tập và làm
theo tư tưởng của Bác. Người làm báo cần nghiêm túc thực hiện Quy định đạo đức
nghề nghiệp báo chí Việt Nam, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân./.
TTX