Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 22/11/2015 10:15'(GMT+7)

Học viện Chính trị Công an nhân dân học và làm theo Bác

Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND đọc diễn văn tại Lễ báo công dâng Bác.

Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND đọc diễn văn tại Lễ báo công dâng Bác.

1. Trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, đội ngũ thầy cô giáo đóng vai trò quan trọng, vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, nghề giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang; “nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”[1]. Lời dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của toàn ngành giáo dục, trong đó có các Học viện, nhà trường nói chung và Học viện Chính trị Công an nhân dân nói riêng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã quan tâm chỉ đạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trên tất cả các mặt, tạo điều kiện cho giảng viên trau dồi phẩm chất, học tập, nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ; động viên mỗi thầy cô giáo không ngừng phấn đấu về phẩm chất và năng lực, nắm vững tri thức chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao tinh thần học tập để hoàn thành suất xắc nhiệm vụ được giao… Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã tích cực chỉ đạo và triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào “Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, làm cho toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong quá trình học tập, công tác. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mỗi cá nhân về yêu cầu, nhiệm vụ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hình thành phong trào tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thật sự sâu rộng trong toàn Học viện.

Sau hơn một năm thành lập, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, đội ngũ giảng viên của Học viện luôn nâng cao tinh thần “học tập” và “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đưa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày trong toàn Học viện.

Trong năm học 2014- 2015, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh do GS. TS. Hoàng Chí Bảo báo cáo; buổi sinh hoạt chính trị “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, đoàn viên, công nhân viên; tổ chức Lễ dâng hương báo công tại Lăng Chủ tịch nhân kỷ niệm 01 năm ngày thành lập học viện. Chi đoàn Thanh niên Học viện tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề “Cảm nghĩ về Bản Tuyên ngôn độc lập” với sự tham gia đầy đủ, nghiêm túc của toàn thể học viên khối D1 với nhiều ý kiến phát biểu và đặt câu hỏi phản biện đã giúp cho học viên nâng cao ý thức, tinh thần tự tôn dân tộc. Đồng thời, Học viện tổ chức quán triệt Chỉ thị số 03/CT-BCA-X11 ngày 18/4/2014 của Bộ Công an về “Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” trong toàn Học viện, đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương người tốt, việc tốt, xây dựng nếp sống lành mạnh và phong cách ứng xử văn minh, lịch sự.

Để góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, phát huy tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”, giáo dục truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc, Đảng ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động về nguồn tại Nha Công an Trung ương, tham quan khu di tích đặc biệt Tân Trào, khu di tích lịch sử ATK, Định Hóa, Thái Nguyên; tổ chức dâng hương tưởng niệm đền thờ Bác Hồ tại Nghệ An, dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Trần Phú và thăm khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc tại Hà Tĩnh. Các chương trình này là hoạt động sinh hoạt chính trị cần thiết, là dịp để mỗi cán bộ, chiến sĩ kiểm điểm lại quá trình học tập, công tác, phấn đấu trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ nhân dân.

Đối với các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, bồi dưỡng, đào tạo chức danh quy hoạch lãnh đạo các cấp trong ngành, việc gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành - những vấn đề mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo, tạo điều kiện tổ chức đi tham quan các khu di tích quốc gia, học tập, trao đổi kinh nghiệm, thực tế tại các đơn vị, địa bàn mang tính chiến lược, kết hợp nhiều hoạt động xã hội tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình chính sách và các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị,… với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng tiền mặt và nhiều phần quà hiện vật có giá trị về vật chất, tinh thần để giúp đỡ đồng bào khó khăn.

Quán triệt quan điểm Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”[2], Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ giảng viên của Học viện không ngừng sáng tạo trong vận dụng tri thức và khoa học công nghệ vào quá trình nghiên cứu, giảng dạy. Thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực, trong đó, giảng viên lên lớp với vai trò là người gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn trọng tài trong các hoạt động nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của học viên.

Với sức mạnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ, tâm huyết với nghề, luôn ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp đào tạo chung của Học viện, đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ luôn phát huy tinh thần cầu tiến, không ngừng học hỏi bằng một số biện pháp tích cực, tìm hiểu điều lệnh nội vụ Công an nhân dân; tìm hiểu nội quy, quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục, Bộ Công an và Học viện; nghiên cứu tài liệu, sách báo, tạp chí của ngành, tìm hiểu lịch sử Công an nhân dân; chủ động lên lớp nghe các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân, các vị tướng lĩnh, các đồng chí lãnh đạo trong lực lượng Công an nhân dân tham gia giảng dạy tại Học viện; gắn nội dung từng bài giảng với việc học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân. Qua đó, các giảng viên trẻ vừa tiếp thu, cập nhật kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy của thế hệ đi trước để tự hoàn thiện, tự đổi mới bản thân mình, vừa thực hiện nhiệm vụ cách mạng do Ðảng và nhân dân giao phó theo tinh thần “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, mỗi giảng viên Học viện Chính trị Công an nhân dân không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện, một số giảng viên đã tham gia các lớp đào tạo sau đại học ở trong và ngoài ngành, tham gia chương trình đào tạo Trung cấp, Cao cấp lý luận chính trị, tham gia lớp đào tạo Anh văn trình độ IELST 6.0, tham gia lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nâng cao... đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, viết bài đăng trên các báo, tạp chí, các cuộc Hội thảo trong và ngoài ngành… nhờ đó, công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của Học viện bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, qua đó, đội ngũ giảng viên của Học viện trưởng thành hơn, chững chạc, tự tin hơn trong nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu (hai nhiệm vụ chính của người giảng viên). Với những kết quả đã đạt được, năm học 2014-2015, Học viện Chính trị Công an nhân dân đã vinh dự được Bộ Công an tặng “Cờ thi đua xuất sắc”, có 23 lượt tập thể và 93 lượt cá nhân được các cấp khen thưởng.

2. Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người, góp phần nâng cao chất lượng  giáo dục và đào tạo tại Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đảng ủy và Ban giám hiệu Học viện chú trọng những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, xác định đúng đắn mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ của Học viện gắn với học tập và theo Bác để có kế hoạch học tập, rèn luyện không ngừng, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; làm chủ tri thức, làm chủ bản thân mình, thiết thực nâng cao chất lượng bài giảng. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn, với những hình thức tinh vi, nguy hiểm, thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ, giảng viên Học viện Chính trị Công an nhân dân cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức đúng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong điều kiện mới, tăng cường học tập nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ tin học và ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hai là, nêu gương trong giảng dạy, nghiên cứu, nâng cao đạo đức nghề nghiệp để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đối với các dân tộc phương Đông, một trăm bài diễn văn hay không bằng một tấm gương”, một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo. Để thực sự là tấm gương sáng, gương mẫu trong học tập, nghiên cứu, thống nhất giữa lời nói và việc làm cho học viên noi theo, mỗi giảng viên phải luôn đổi mới mình, phải thực sự là người tạo hứng thú, truyền lửa cho học viên về niềm tin vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Thông qua sự tu dưỡng của mình và các bài giảng, phải truyền đến các học viên niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sức mạnh, truyền thống của một dân tộc anh hùng đã có bề dày hàng ngàn năm văn hiến…

Ba là, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Người: “Đối với công việc, phải tận tụy”, người chiến sĩ công an là giảng viên phải gương mẫu, phải đi đầu tận tụy trong công việc, nghĩa là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xác định ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, công tâm trong đánh giá, xếp loại học viên, nỗ lực cố gắng trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực làm việc. Mỗi giảng viên cần phải nêu cao quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đem hết khả năng nhiệt tình vào từng bài giảng, tiết giảng, thường xuyên tự giác, nỗ lực trong học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, giảng dạy lý luận gắn liền với thực tiễn đặc thù của ngành. Từng bước đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, tăng cường cập nhật kiến thức lý luận mới, có tính thực tiễn cao vào nội dung giảng dạy, tích cực sử dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật: máy chiếu, ghi âm, ghi hình…, đưa vào bài giảng những hình ảnh trực quan, sinh động, những bộ phim liên quan đến nội dung bài giảng. Qua đó, góp phần gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy, tạo cho học viên tâm lý hứng thú học tập, hăng say tìm tòi, khám phá, sáng tạo, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đạo tạo. Mỗi giảng viên Học viện chính trị Công an nhân dân phải thực sự là những người cán bộ cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên” theo lời Bác dạy.

Bốn là, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên - giảng viên trong Học viện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời phát hiện và biểu dương gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự lan toả rộng rãi trong Học viện. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát nhiệm vụ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ Đảng hằng tháng và là tiêu chí trong kiểm điểm cuối năm của tổ chức đảng và đảng viên.

Năm là, tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm và vai trò gương mẫu của đội ngũ giảng viên, nhất là trong việc thực hiện “nói đi đôi với làm”, “xây đi đôi với chống”, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình... theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; qua đó, từng bước hoàn thiện mình trong công tác và trong cuộc sống thường ngày, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự phát triển của Học viện Chính trị Công an nhân dân nói riêng. Không ngừng nỗ lực rèn đức, luyện tài, trau dồi tình cảm, đạo đức cách mạng, biến những tư tưởng của Người, tấm gương đạo đức cách mạng của Người thành những hành động cách mạng cụ thể của mỗi cán bộ, chiến sĩ - giảng viên Học viện./.


TS. Tống Thị Nga - ThS. Hoàng Ngọc Phương

Học viện Chính trị Công an nhân dân

-----------------

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8,  tr.184.

[2] Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất