Thứ Bảy, 28/9/2024
Môi trường
Thứ Năm, 22/7/2010 17:0'(GMT+7)

Hỏi đáp về chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay

1. Một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng về bảo vệ môi trường trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là gì?

Qua mỗi kỳ đại hội, Đảng ta đều có những chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đảng ta đã khẳng định “Tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường” việc bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn trong phát triển bền vững quốc gia.

Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX xác định: “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đặt vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề quan trọng cần tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong báo cáo về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010”, tại phần Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và vùng, lần lượt sau các mục “1. Về kinh tế”, “2. Về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ”, “3. Về văn hoá, xã hội”, đã có một mục riêng “4. Tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên” và cũng lần đầu tiên nhóm chỉ số môi trường (độ che phủ rừng, sử dụng nước sạch, giảm thiểu ô nhiễm và xử lý chất thải...) đã được xây dựng và đưa vào các chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

Để thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội IX đã đề ra về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thực hiện thành công chiến lược CNH, HĐH rút ngắn, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế... và để tăng cường hơn nữa và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành và đặc biệt trong tổ chức, triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong toàn Đảng và toàn xã hội, ngày 15/11/2004 Bộ Chính trị (Khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Nghị quyết đã đưa ra 5 quan điểm, 5 nhóm nhiệm vụ chung và 2 nhiệm vụ cụ thể và 7 nhóm giải pháp quan trọng.

Ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Nghị quyết 41 được thể hiện trong 5 nhóm nhiệm vụ chung:

- Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường

- Khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm và suy thoái

- Điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thức hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học

- Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường

- Đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập quốc tế

Nghị quyết đưa ra 2 nhiệm vụ cụ thể đối với vùng ven đô thị và vùng nông thôn. Các nhiệm vụ cụ thể ở đây là những vấn đề thực sự bức xúc mà trước mắt cần tập trung giải quyết. Giải quyết được những vấn đề này chúng ta mới có điều kiện xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt.

Những hạn chế, tồn tại cùng với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập quốc tế đã đặt ra cho công tác bảo vệ môi trường nhiều thách thức lớn, cả trước mắt và lâu dài. Ngày 21/1/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 29-CT/TW “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”.

2. Những định hướng lớn về bảo vệ môi trường đến năm 2020 là gì?

Ngăn chặn về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường, bảo đảm phát triển bền vững đất nước; bảo đảm mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực do Nhà nước quy định.

Phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chính sau:

- 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc Chứng chỉ ISO 14001.

- 100% đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu 30% chất thải thu gom được tái chế.

- 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

- Nâng tỷ lệ đất có rừng che phủ đạt 48% tổng diện tích tự nhiên của cả nước.

- 100% sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và 50% hàng hóa tiêu dùng trong nội địa được ghi nhãn môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14021. (1)

3. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có những điểm mới gì so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2003?

Về cấu trúc: Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2005 so với Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 có nhiều chương và nhiều điều hơn; tương ứng cụ thể gồm 15 chương so với 7 chương; 136 điều so với 81 điều.

Luật quy định một cách có hệ thống các hoạt động bảo vệ môi trường, chính sách, biện pháp và nguồn lực cho bảo vệ môi trường, quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân.

Các quy định của Luật đã ở mức khá chi tiết, cụ thể, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống nên có tính khả thi cao. Luật đã đáp ứng yêu cầu giảm số lượng các quy phạm do Chính phủ quy định.

Quy định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân; phân công, phân cấp quản lý bảo vệ môi trường rõ ràng hơn; giảm bớt các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với doanh nghiệp, người dân, thể hiện rõ quan điểm cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước.

Cho phép áp dụng nhiều cộng cụ, chế tài “mạnh” có tính răn đe cao hơn, quy định các nguồn lực cụ thể cho bảo vệ môi trường cũng như tăng cường năng lực quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương nên hiệu lực thi hành Luật được bảo đảm.

Xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm tạo cơ hội để mọi đối tượng có thể tham gia vào bảo vệ môi trường và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho bảo vệ môi trường.

Có tính đến tác động của các vấn đề môi trường toàn cầu, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh thực hiện các nghĩa vụ quốc tế cũng như nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực về môi trường.

Về quản lý chất thải rắn: bổ sung quy định về trách nhiệm, quy trình, biện pháp quản lý các loại chất thải rắn, lỏng và khí.

Lần đầu tiên quy định về ĐMC (đánh giá môi trường chiến lược) cho các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia. (2)

4. Quan điểm về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường được thể hiện như thế nào?

Các quan điểm về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường là:

- Thực sự coi tài nguyên là nguồn lực ngày càng khan hiếm cần phải được thị trường hóa, coi bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động kinh tế, có thể hoạch toán toàn diện và đẩy đủ về phát triển bền vững đất nước.

- Bảo đảm sự đồng bộ và nhất quán giữa phương thức quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Đổi mới cơ chế, chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường và đẩy mạnh cải cách hành chính là các nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.

- Con người là trung tâm, là nhân tố quyết định của quá trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. (3)

5. Nhiệm vụ cụ thể của ngành tài nguyên và môi trường thực hiện kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường trong lĩnh vực môi trường là gì?

Xác định bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động kinh tế; nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý các hoạt động quan trắc, phân tích môi trường, lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, công nhận, chứng nhận về môi trường, cung ứng dịch vụ môi trường phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế thu ngân sách từ các hoạt động liên quan đến môi trường; nghiên cứu thử nghiệm, tiến tới áp dụng các cơ chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải; thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; xác lập các nguyên tắc, cơ chế thị trường trong công tác bảo vệ môi trường; thí điểm, tiến tới nhân rộng các mô hình áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái; đưa yếu tố môi trường vào giá thành sản phẩm; phát triển nhanh ngành kinh tế môi trường; sử dụng các công cụ thuế, phí môi trường để điều tiết vĩ mô các hoạt động kinh tế theo hướng có lợi cho môi trường; xác lập cơ chế lượng giá môi trường, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên gây ra phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

Nghiên cứu xây dựng Bộ Luật Môi trường theo hướng xác lập cơ chế quản lý và bảo vệ môi trường đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. (4)

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên giáo Trung ương) biên soạn

--------------------------------------------------

(1): Nguồn: Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020).

(2): Nguồn: Lê Văn Khoa (chủ biên) – Môi trường và Giáo dục bảo vệ môi trường – NXB Giáo dục)

(3) Nguồn: Nghị quyết số 27-NQ/BCSĐTNMT ngày 2/12/2009 về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường).

(4) Nguồn: Nghị quyết số 27-NQ/BCSĐTNMT ngày 2/12/2009 về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường).

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất