Thứ Hai, 7/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 27/3/2012 22:6'(GMT+7)

Hội đồng bảo an LHQ kịch liệt lên án cuộc đảo chính tại Mali

Binh sĩ binh biến trước trụ sở Đài truyền hình quốc gia ở Bamako, Mali ngày 22/3. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ binh biến trước trụ sở Đài truyền hình quốc gia ở Bamako, Mali ngày 22/3. Ảnh: THX/TTXVN

Tuyên bố nêu rõ: "HĐBA kịch liệt lên án việc một số tướng lĩnh quân đội dùng vũ lực để lật đổ một chính phủ do dân bầu ra tại Mali, yêu cầu các binh lính nổi loạn chấm dứt bạo lực và trở lại doanh trại, đồng thời kêu gọi lập lại trật tự hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử theo đúng kế hoạch". Trong tuyên bố, các thành viên HĐBA bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về tình hình bất ổn tại Mali khi có sự hiện diện của các nhóm vũ trang và khủng bố, và tình trạng phổ biến vũ khí lan rộng. Bên cạnh đó là các vấn đề nhân đạo trầm trọng mà Mali đang phải đối mặt như thiếu lương thực, hạn hán, cũng như sự hồi hương của nhiều công dân Mali sau cuộc khủng hoảng tại Libi và các cuộc khủng hoảng khác trong khu vực.

Cuộc đảo chính tại Mali nổ ra sáng 22/3 khi một nhóm binh lính nổi loạn, tự xưng là Ủy ban quốc gia vì sự chấn hưng dân chủ và khôi phục nhà nước (CNRDRE) tấn công dinh tổng thống của Tổng thống đương nhiệm Amađu Tumani Turê (Amadou Toumani Toure). Sự kiện này, xảy ra chỉ một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống dự định vào ngày 29/4 tới, được cho là xuất phát từ sự bất bình đối với cách xử lý phong trào đòi độc lập của cộng đồng Tuarếch (Tuareg) ở miền Bắc Mali. Sự giận dữ trong quân đội đã gia tăng vài tuần gần đây khi các cuộc tấn công của người Tuarếch đã khiến 200.000 người Mali phải bỏ nhà cửa đi sơ tán. Người Tuarếch địa phương được tiếp sức bởi những nhóm người Tuarếch được vũ trang tốt, trở về từ Libi sau khi tham gia cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Môammơ Cađaphi (Moammer Gaddafi).

Sau khi lật đổ chính quyền, CNRDRE đã kêu gọi phiến quân Tuarếch tại miền Bắc tiến hành đối thoại. Tuy nhiên, lời kêu gọi này không nhận được sự ủng hộ của phiến quân Tuarếch. Lực lượng này còn dọa sẽ chiếm thành phố Kiđan (Kidan), một trong những thành phố quan trọng nhất ở miền Bắc.

Trong khi đó, Mỹ đã thông báo ngừng một phần viện trợ cho Mali sau khi Ngân hàng Thế giới (WB), các nước châu Âu, Canađa và nhiều nước khác đã có động thái tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Víchtoria Nulan (Victoria Nuland) cho biết Mỹ sẽ đóng băng các khoản hỗ trợ quân sự, kinh tế và phát triển cho Mali (trị giá 60-70 triệu USD) nhằm phản đối hành động đảo chính, đồng thời đề nghị các binh lính nổi loạn trao trả quyền lực cho chính phủ dân bầu càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bà Nulan khẳng định Mỹ vẫn duy trì các khoản hỗ trợ nhân đạo và lương thực trị giá 70 triệu USD cho những người bị ảnh hưởng và phải sơ tán vì xung đột. Theo bà Nulan, số tiền viện trợ trên tương đương hơn một nửa của tổng viện trợ trị giá 140 triệu USD mà Mỹ dành cho Mali.

Tại Pari, Bộ Ngoại giao Pháp một lần nữa lên án cuộc đảo chính tại Mali. Cùng ngày, Angiêri cũng lên tiếng kêu gọi nước láng giềng Mali lập lại trật tự hiến pháp. Chính phủ Angiêri cho biết người dân Angiêri luôn ủng hộ sự thống nhất dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Mali, đồng thời khẳng định đối thoại là con đường duy nhất để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này.

Cộng đồng Tuarếch có khoảng 1,5 triệu người, là các bộ lạc cư trú rải rác tại nhiều quốc gia gồm Angiêri, Buốckina Phaxô, Libi, Nigiê và Mali. Trong số những nước này, Mali và Nigiê là hai quốc gia thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột của người Tuarếch đòi thành lập nhà nước độc lập trong hàng chục năm qua./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất