VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC
Theo Hiến chương Liên hợp quốc,
Hội đồng Bảo an là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc và là cơ
quan có trách nhiệm hàng đầu của Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình,
an ninh quốc tế, có ảnh hưởng và tác động ngày càng lớn và sâu rộng đối
với nhiều lĩnh vực an ninh phi truyền thống khác của đời sống quốc tế
như biến đổi khí hậu, nước, nhân đạo, nhân quyền…
Đặc biệt, Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có
thể ra quyết định có tính ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên
Liên hợp quốc.
Có thể thấy, sự ra đời của Hội đồng Bảo an phản ánh so sánh lực lượng
mới sau Chiến tranh Thế giới thứ II, đồng thời phù hợp với nguyện vọng
của các dân tộc là xây dựng một hệ thống an ninh quốc tế tập thể, ngăn
ngừa chiến tranh.
Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh từ đầu những năm 50 của thế kỷ XX,
hoạt động của Hội đồng Bảo an rất hạn chế, gần như tê liệt do hệ quả của
đối đầu Xô-Mỹ.
Với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, khả năng đạt đồng thuận và đưa ra quyết định của Hội đồng Bảo an đã tăng lên đáng kể.
Nếu như trong giai đoạn 1945-1990, tổng số nghị quyết Hội đồng Bảo
an đã thông qua là 646 nghị quyết, thì ở giai đoạn 1991-2018, Hội đồng
Bảo an đã thông qua 1.805 nghị quyết.
Hiện nay, Hội đồng Bảo an gồm có 15 Ủy viên, trong đó có 5 nước Ủy
viên thường trực (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, gọi tắt là P5) có
quyền phủ quyết (veto) và 10 nước Ủy viên không thường trực (gọi tắt là
E10) được bầu với nhiệm kỳ 2 năm.
10 ghế không thường trực này được phân bổ theo 5 khu vực địa lý là: 5
ghế cho nhóm châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương, 2 ghế cho nhóm Mỹ
Latin và Caribe, 2 ghế cho nhóm Tây Âu, và 1 ghế cho nhóm Đông Âu.
Tại Hội đồng Bảo an, các nước P5 vẫn giữ vai trò chủ đạo nhờ đặc quyền
phủ quyết do Hiến chương Liên hợp quốc quy định. Chỉ cần một phiếu phủ
quyết cũng đồng nghĩa với việc nghị quyết không được thông qua.
Trong khi đó, các thành viên không thường trực không có quyền phủ
quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.
Các nước Ủy viên không thường trực ở mức độ nhất định sẽ tìm được
điểm đồng thuận trong việc cùng nhau thúc đẩy xu thế dân chủ hóa Hội
đồng Bảo an, nâng cao sự tham gia đóng góp mang tính xây dựng và trách
nhiệm đối với công việc của Hội đồng Bảo an.
Trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an luôn là mục tiêu và cơ hội đặc biệt được đại đa số
các nước thành viên Liên hợp quốc hết sức coi trọng nhằm bảo vệ và thúc
đẩy lợi ích quốc gia; nâng cao vai trò, vị thế quốc tế; tạo điều kiện để
tăng cường quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, thông qua việc
tham gia thảo luận, đóng góp, quyết định các vấn đề lớn liên quan đến
hòa bình và an ninh khu vực và thế giới.
Rất nhiều nước (132/193 nước) đã từng làm Ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an, trong đó có nhiều nước đã tham gia nhiều lần và tính
đến nay các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đăng ký ứng cử cho
đến nhiệm kỳ 2046-2047.
Vào tháng 5/2018, nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương tại Liên hợp
quốc đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực
nhiệm kỳ 2020-2021 và Việt Nam sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu vào tháng
6/2019 tới.
Trước đó, Việt Nam đã thành công trong nhiệm kỳ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008-2009.
Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về dịch Ebola ngày 18/9/2014. (Ảnh: AFP/TTXVN)
ĐẢM NHIỆM THÀNH CÔNG CƯƠNG VỊ ỦY VIÊN KHÔNG THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC NHIỆM KỲ 2008-2009
Việt Nam chính thức là thành viên của Liên hợp quốc ngày 20/9/1977.
Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm và đóng
góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có
Hội đồng Bảo an.
Xuất phát từ nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam và
mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,
Việt Nam lần đầu tiên tham gia đảm nhận vai trò Ủy viên không thường
trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009.
Trong nhiệm kỳ đó, tình hình quốc tế có nhiều biến chuyển sâu sắc, xung đột, khủng hoảng nổ ra ở nhiều nơi.
Do đó Hội đồng Bảo an có một khối lượng công việc lớn phải làm là hơn
1.500 cuộc họp (trung bình 2,5 cuộc họp/ngày); thông qua 113 Nghị
quyết, 165 Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố báo chí thuộc trên 50 đề mục
của chương trình nghị sự; xử lý nhiều vấn đề phức tạp về: Kosovo, hạt
nhân của Iran, hòa bình Trung Đông, cuộc chiến tại Nam Otresnia/Apkhzia,
cũng như những vấn đề liên quan đến khu vực châu Á mà Việt Nam là đại
diện như vấn đề hạt nhân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên,
Myanmar...
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách là Ủy viên
không thường trực Hội đồng Bảo an, tham gia chủ động, thể hiện lập
trường độc lập tự chủ, đóng góp xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm,
khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên; đồng thời có
nhiều sáng kiến và đóng góp vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, được các
nước đánh giá cao.
Việt Nam đã không chỉ bắt nhịp nhanh, tham gia đầy đủ hơn 1.500 cuộc
họp của Hội đồng Bảo an mà còn đóng góp tích cực trên tất cả các vấn đề
và tất cả các khâu từ phát biểu, tham gia thương lượng, đóng góp xây
dựng nghị quyết, văn kiện; làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số tiểu ban
của Hội đồng Bảo an; 2 lần làm Chủ tịch tháng (tháng 7 và tháng 10-2009)
của Hội đồng Bảo an; chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp Hội đồng Bảo
an thông qua Nghị quyết 1889 về phụ nữ, hòa bình và an ninh - một trong 4
văn kiện quan trọng của Hội đồng Bảo an trong lĩnh vực này; đưa ra sáng
kiến về việc tham vấn với các thành viên Liên hợp quốc để xây dựng Báo
cáo hàng năm của Hội đồng Bảo an thực chất, toàn diện hơn.
Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy giải quyết hòa bình các vấn đề ở khu vực
châu Á mà Việt Nam là đại diện (hạt nhân của Iran, Cộng hòa Dân chủ Nhân
dân Triều Tiên, Nepal, Đông Timo…), đồng thời cũng quan tâm thúc đẩy
các vấn đề ở các khu vực khác như châu Phi, Trung Đông (trong 2 lần làm
Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đều thúc đẩy thảo luận mở về vấn đề
hòa bình Trung Đông).
Cũng trong 2 năm tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã triển khai hiệu quả
đường lối đối ngoại yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực trong việc
giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới, ủng hộ các giải pháp
thông qua thương lượng hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các
nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và bảo đảm các quyền dân tộc
cơ bản; qua đó đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới nói chung, đồng
thời góp phần tạo và đảm bảo môi trường an ninh, tạo thuận lợi cho công
cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việc đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng
Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 đã trở thành một dấu mốc mang tính lịch sử
trong việc triển khai chính sách đối ngoại nói chung, ngoại giao đa
phương nói riêng và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tiếp tục ứng cử
làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
Việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an lần thứ hai tiếp tục khẳng
định chủ trương của Việt Nam là trở thành thành viên tích cực, đối tác
tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời là cơ hội
để Việt Nam có thể đóng góp xây dựng tại cơ chế có tầm quan trọng chiến
lược đối với hòa bình, an ninh quốc tế này, góp phần đảm bảo hòa bình,
ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
(TTXVN)