Theo chương trình nghị sự, ngày 24/5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Cụ thể, sáng 24/5, Quốc hội nghe Chủ
nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa
đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý
kiến khác nhau của dự án Luật này.
Chiều 24/5, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng
Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày
Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp
luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức
chính quyền địa phương.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh
Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật
Viên chức. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định
trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Sau khi nghe xong các báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về 2 dự án Luật nêu trên.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu
Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và Phiên họp thứ 31 về dự án Luật Quản lý thuế
(sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ
quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh
lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17
chương, 151 điều, quy định về việc quản lý các loại thuế, các khoản thu
khác thuộc ngân sách nhà nước. Những nội dung của dự thảo Luật đã được
chỉnh lý, tiếp thu gồm: tính cụ thể của dự thảo luật; phạm vi điều chỉnh
của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý thuế; những hành vi bị
nghiêm cám trong quản lý thuế; đồng tiên khai thuế, nộp thuế; giao dịch
điện tử trong lĩnh vực thuế; quản lý rủi ro trong quản lý thuế; xây dựng
lực lượng quản lý thuế; hợp tác quốc tế; nhiệm vụ, quyền hạn và trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; đăng ký thuế;
khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; nộp thuế; khoanh nợ, xóa tiền nợ
thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử; cung
cấp dịch vụ đại lý thuế; kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; xử
phạt vi phạm hành chính; điều khoản chuyển tiếp.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình
Quốc hội cho ý kiến lần này với phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào
vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.
Dự án luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 5 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 28 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung của
Luật Tổ chức Chính phủ tập trung vào nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; cơ cấu
tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong
Luật Tổ chức chính quyền địa phương tập trung vào việc phân quyền, phân
cấp, ủy quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; cơ
cấu tổ chức của Hội đồng Nhân dân; phương thức hoạt động của chính quyền
địa phương; cụ thể hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
cấp huyện, cấp xã.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tập trung sửa đổi, bổ sung
3 điều, đó là: i) Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ,
công chức (sửa đổi 17 điều, khoản và bãi bỏ 3 khoản, điểm về đối tượng
công chức, chính sách đối với người có tài năng, ngạch công chức, tuyển
dụng công chức, phân loại, đánh giá và xử lý cán bộ công chức); ii) Điều
2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức (sửa đổi 7 điều,
khoản về tiêu chí phân loại sự đơn vị sự nghiệp công lập, chế
độ hợp đồng đối với viên chức, đánh giá viên chức, chế độ
thôi việc và xử lý kỷ luật viên chức); iii) Điều 3 về hiệu lực
thi hành.
Liên quan đến Luật cán bộ, công chức:
Nội dung quy định “đối tượng là công chức” được sửa đổi theo hướng:
không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công
lập là công chức; đối với lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công
lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước được thực
hiện chế độ công chức; sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển dụng công chức
theo hình thức thi tuyển, xét tuyển và tăng cường thực hiện phân cấp
thẩm quyền trong tuyển dụng; sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hiệu,
thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức; quy định rõ hơn những nguyên
tắc về hình thức, thời hiệu áp dụng, cơ chế, trình tự, thủ tục xem xét
kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu làm cơ sở để
Chính phủ tiếp tục quy định chi tiết.
Liên quan đến Luật viên chức, trong đó
quy định về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối
với viên chức tuyển dụng mới được trình Quốc hội theo 2 phương án:
phương án 1 dự thảo luật quy định tất cả các trường hợp viên chức được
tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết
hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời
hạn và phương án 2 dự thảo luật quy định viên chức được tuyển dụng mới
sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng
không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở
vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì khi
tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Cả hai phương án đều cần cân nhắc, tính toán kỹ về hiệu quả và tác động
xã hội để vừa bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả nhưng cũng
hạn chế việc tạo ra tâm lý e ngại, bất ổn trong đội ngũ viên chức hiện
nay.
Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi quy định
về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ
việc, nghỉ hưu theo hướng cán bộ, công chức, viên chức sau khi
nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi
phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức
độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý
hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi
thường theo quy định của pháp luật./.
(VGP)