Thứ Bảy, 7/12/2024

Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - Một phần tư thế kỷ không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động

Các đồng chí lãnh đạo Đảng chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tại Lễ công bố quyết định Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và triển khai kế hoạch công tác năm 2017 (ngày 17/2/2017)

Các đồng chí lãnh đạo Đảng chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tại Lễ công bố quyết định Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và triển khai kế hoạch công tác năm 2017 (ngày 17/2/2017)

Trong những năm cuối thế kỷ 20, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo đứng trước nhiều vấn đề mới, đòi hỏi các ban, cơ quan Đảng Trung ương phải nâng cao chất lượng tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải quyết những vấn đề hệ trọng nảy sinh từ thực tiễn. Trước yêu cầu đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa VIII, ngày 5-6-1996, Ban Khoa giáo Trung ương đã ban hành Quyết định số 21-QĐ/KG về việc thành lập Hội đồng Khoa học thẩm định đề tài cấp bộ của các ban Đảng (nay là Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - gọi tắt là Hội đồng) với nhiệm vụ ban đầu là “có trách nhiệm giúp lãnh đạo Ban Khoa giáo Trung ương trong việc thẩm định, theo dõi tiến trình thực hiện, sử dụng có hiệu quả kinh phí và tổ chức nghiệm thu các đề tài cấp bộ của các ban Đảng Trung ương”(1). Sự ra đời của Hội đồng đã mở ra một giai đoạn phát triển mới đối với công tác nghiên cứu khoa học trong các ban, cơ quan Đảng Trung ương và tạo nền móng bước đầu cho sự phát triển của hoạt động này cho đến ngày nay.

Trong 25 năm (1996 - 2021), kết quả nghiên cứu các công trình khoa học của các ban, cơ quan Đảng Trung ương đã góp phần nâng cao chất lượng tham mưu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương, làm rõ và cung cấp các luận cứ, cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra những quyết sách quan trọng đối với mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng chụp ảnh lưu niệm cùng một số đồng chí Ủy viên Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại Lễ công bố quyết định Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng chụp ảnh lưu niệm cùng một số đồng chí Ủy viên Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại Lễ công bố quyết định Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017.

Trải qua chặng đường một phần tư thế kỷ, Hội đồng đã hoàn thiện cơ bản chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy; không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tạo môi trường khoa học, sáng tạo và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu ở các ban, cơ quan Đảng Trung ương.

KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ,  VAI TRÒ CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CÁC CƠ QUAN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG

 Thành lập năm 1996, Hội đồng Khoa học thẩm định đề tài cấp bộ của các ban Đảng với tư cách là một đơn vị giúp việc cho lãnh đạo Ban Khoa giáo Trung ương trong nghiên cứu khoa học, thực hiện 6 nhiệm vụ: 1- Hướng dẫn các cơ quan Đảng Trung ương xây dựng kế hoạch nghiên cứu; 2- Phân bổ kinh phí cho các đề tài (có sự phối hợp của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường); 3- Cơ quan chủ trì đề tài và chủ nhiệm đề tài lập báo cáo quyết toán gửi Ban Khoa giáo Trung ương; sau đó, Ban Khoa giáo Trung ương tổng hợp và lập báo cáo quyết toán chung gửi Ban Tài chính - Quản trị Trung ương (nay là Văn phòng Trung ương); 4- Định kỳ 6 tháng và cuối năm (trước khi nghiệm thu đề tài), tổ chức kiểm tra việc thực hiện đề tài so với hợp đồng đã ký kết; 5- Thành lập hội đồng nghiệm thu chính thức để đánh giá, nghiệm thu đề tài; 6- Tiến hành thanh lý hợp đồng khoa học sau khi đề tài được nghiệm thu và có quyết toán đầy đủ.

Đến tháng 2-2003, Hội đồng Khoa học thẩm định đề tài cấp bộ của các ban Đảng được đổi tên thành Hội đồng Khoa học các ban Đảng và vẫn giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ đã được đề ra từ trước đó; đến năm 2007, được đổi tên thành Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và tên gọi này được giữ đến nay.

Trải qua hơn 10 năm hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi hoạt động của Hội đồng, ngày 11-6-2008, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quyết định số 724-QĐ/BTGTW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Theo đó, Hội đồng có chức năng giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tư vấn, thẩm định, theo dõi quá trình thực hiện, nghiên cứu các đề tài, đề án, quản lý sử dụng hiệu quả kinh phí và chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện theo tiến độ các đề tài, đề án, đồng thời tổ chức nghiệm thu đề tài, đề án của các ban, cơ quan Đảng Trung ương. So với giai đoạn 1996 - 2006, chức năng của Hội đồng đã được mở rộng, là đơn vị có chức năng giúp việc, tư vấn cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư; vai trò, vị thế của Hội đồng đã được nâng lên với trọng trách ngày càng nặng nề hơn.  

Đồng chí Võ văn Thưởng

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khóa XII trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (ngày 4/6/2016)

 

Theo đó, nhiệm vụ của Hội đồng cũng được mở rộng, bổ sung nhiều nội dung, cụ thể là: 1- Hướng dẫn các ban, cơ quan Đảng Trung ương đăng ký với Hội đồng các nội dung nghiên cứu khoa học hằng năm dưới các hình thức: đề tài, đề án, hội thảo (tọa đàm, diễn đàn) khoa học,…; 2- Hướng dẫn việc đăng ký và tiến hành xét duyệt đề cương nghiên cứu của các đề tài, đề án, hội thảo khoa học của các ban, cơ quan Đảng Trung ương; 3- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí hằng năm và thực hiện phân bổ kinh phí cho chủ nhiệm các đề tài, đề án sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo phê duyệt; 4- Theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện nội dung nghiên cứu của các đề tài, đề án đã được duyệt theo kế hoạch; 5- Đôn đốc, hướng dẫn các thủ tục nghiệm thu, thanh, quyết toán kinh phí đầu tư cho các đề tài, đề án bảo đảm đúng tiến độ và quy định hiện hành; 6- Tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng nghiên cứu khoa học cho cán bộ tham gia thực hiện các đề tài, đề án thuộc các ban, cơ quan Đảng Trung ương; 7- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các ban chủ nhiệm đề tài, đề án khoa học để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các ban, cơ quan Đảng Trung ương; 8- Trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của một số đảng cầm quyền trên thế giới để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng Trung ương.

Những nhiệm vụ này đòi hỏi Hội đồng phải đổi mới mạnh mẽ và chú trọng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực nghiên cứu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương, trong đó Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đóng vai trò là đầu mối và định hướng cả về nội dung và phạm vi nghiên cứu cho các hội đồng khoa học cơ sở.

Để thu gọn đầu mối, Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương quản lý về hành chính đối với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ngày 10-5-2012, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quyết định số 871-QĐ/BTGTW về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy và hoạt động của Hội đồng. Theo Quy chế này, chức năng và nhiệm vụ của Hội đồng đã có sự điều chỉnh và bổ sung: Là cơ quan tư vấn, có chức năng định hướng, thẩm định, quản lý, đánh giá, hướng dẫn hoạt động nghiên cứu khoa học của các hội đồng khoa học thuộc các ban, cơ quan Đảng Trung ương để góp phần giúp các ban, cơ quan Đảng làm tốt công tác tham mưu, tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ngày 17-2-2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Quyết định số 2677-QĐ/BTGTW về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Từ đây, Hội đồng thực hiện sáu nhiệm vụ chính: 1. Định hướng, hướng dẫn và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của các hội đồng khoa học thuộc các cơ quan Đảng Trung ương; sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương; tổng hợp, chắt lọc kết quả nghiên cứu các đề tài, đề án, xây dựng báo cáo tư vấn về những vấn đề có liên quan đến công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 2. Chủ trì, triển khai thực hiện một số hoạt động nghiên cứu khoa học có tính chất liên cơ quan Đảng Trung ương phục vụ công tác tham mưu; tham mưu về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ quan Đảng Trung ương; tham mưu các định hướng nghiên cứu khoa học hằng năm và dài hạn của các cơ quan Đảng Trung ương; đề xuất thành lập các hội đồng xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học của các cơ quan Đảng Trung ương; cử cán bộ tham dự các cuộc họp, hội thảo về phương hướng và kế hoạch đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ của các cơ quan Đảng Trung ương; chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn và những kiến nghị của mình; 3. Tổ chức các hoạt động thông tin khoa học (hội thảo, tọa đàm, thông tin chuyên đề,...) phục vụ cho công tác tham mưu; xây dựng ấn phẩm Thông tin khoa học, Báo cáo khoa học thường niên và xuất bản các kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc, có tính ứng dụng cao; 4. Hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan Đảng Trung ương; 5. Phối hợp nghiên cứu khoa học, tư vấn cho các cấp ủy địa phương, bồi dưỡng nghiệp vụ nghiên cứu khoa học cho các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội (khi có nhu cầu và đề nghị); 6. Có quan hệ hợp tác quốc tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm tổ chức, triển khai các hoạt động khoa học phục vụ công tác tham mưu, phù hợp với các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác đối ngoại.


Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ngày 17-2-2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Quyết định số 2677-QĐ/BTGTW về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Từ đây, Hội đồng thực hiện sáu nhiệm vụ chính: 1. Định hướng, hướng dẫn và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của các hội đồng khoa học thuộc các cơ quan Đảng Trung ương; sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương; tổng hợp, chắt lọc kết quả nghiên cứu các đề tài, đề án, xây dựng báo cáo tư vấn về những vấn đề có liên quan đến công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 2. Chủ trì, triển khai thực hiện một số hoạt động nghiên cứu khoa học có tính chất liên cơ quan Đảng Trung ương phục vụ công tác tham mưu; tham mưu về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ quan Đảng Trung ương; tham mưu các định hướng nghiên cứu khoa học hằng năm và dài hạn của các cơ quan Đảng Trung ương; đề xuất thành lập các hội đồng xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học của các cơ quan Đảng Trung ương; cử cán bộ tham dự các cuộc họp, hội thảo về phương hướng và kế hoạch đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ của các cơ quan Đảng Trung ương; chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn và những kiến nghị của mình; 3. Tổ chức các hoạt động thông tin khoa học (hội thảo, tọa đàm, thông tin chuyên đề,...) phục vụ cho công tác tham mưu; xây dựng ấn phẩm Thông tin khoa học, Báo cáo khoa học thường niên và xuất bản các kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc, có tính ứng dụng cao; 4. Hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan Đảng Trung ương; 5. Phối hợp nghiên cứu khoa học, tư vấn cho các cấp ủy địa phương, bồi dưỡng nghiệp vụ nghiên cứu khoa học cho các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội (khi có nhu cầu và đề nghị); 6. Có quan hệ hợp tác quốc tế, học tập, trao đổi kinh nghiệm tổ chức, triển khai các hoạt động khoa học phục vụ công tác tham mưu, phù hợp với các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác đối ngoại.

 

Đoàn Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trong chuyến khảo sát tại

Đoàn Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trong chuyến khảo sát tình hình ứng dụng nghiên cứu  khoa học tại Israel, tháng 9/2014

 

Như vậy, từ một đầu mối thuộc Ban Khoa giáo Trung ương làm nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc công tác nghiên cứu khoa học trong các ban, cơ quan Đảng Trung ương, trải qua thực tiễn hoạt động cũng như trước những yêu cầu của tình hình mới, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng đã từng bước được mở rộng, điều chỉnh; Hội đồng đã có bước trưởng thành rõ rệt; vai trò, vị thế, uy tín ngày càng được khẳng định vững chắc; trở thành đầu mối tin cậy, tập hợp trí tuệ của tập thể đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong các ban, cơ quan Đảng Trung ương, làm tốt công tác tham mưu chiến lược giúp các ban, các cơ quan Đảng Trung ương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CỦA HỘI ĐỒNG KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC NÂNG CAO

Thứ nhất, Hội đồng luôn chủ động định hướng và hướng dẫn đề cao tính chủ động, sáng tạo của các hội đồng cơ sở, coi trọng cơ chế đặt hàng.

Bám sát Chương trình làm việc và sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; căn cứ vào chương trình công tác của các ban, cơ quan Đảng Trung ương trong từng nhiệm kỳ, nắm bắt kịp thời các vấn đề thực tiễn của đất nước, Hội đồng đã kịp thời hướng dẫn các ban, cơ quan Đảng Trung ương thực hiện đăng ký các nội dung nghiên cứu khoa học hằng năm theo hướng đề cao tính chủ động, sáng tạo của các hội đồng cơ sở, coi trọng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ trực tiếp dưới các hình thức: đề tài, đề án, hội thảo, tọa đàm khoa học. Một số đề tài, đề án quan trọng được Hội đồng đề xuất và giao trực tiếp cho các ban, cơ quan Đảng Trung ương chủ trì nghiên cứu.

Hội đồng tổ chức thẩm định, xét duyệt thuyết minh đề tài, đề án do các hội đồng khoa học cơ sở đăng ký hoặc được giao trực tiếp, bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra; đồng thời, phân bổ kinh phí phù hợp với nội dung đã được phê duyệt. Từ năm 1996 đến năm 2020, Hội đồng đã xét duyệt, thẩm định, theo dõi quá trình thực hiện của gần 1.000 đề tài, đề án dưới nhiều hình thức khác nhau như: do hội đồng khoa học cơ sở của các ban, cơ quan Đảng Trung ương đề xuất; Hội đồng giao trực tiếp và mở rộng hình thức nghiên cứu khoa học mới dưới dạng liên kết nghiên cứu giữa các ban, cơ quan Đảng, giữa các nhà khoa học trong Hội đồng và các tập đoàn kinh tế nhà nước, với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt cán bộ nghiên cứu; trong đó, giai đoạn 1996 - 2006 thực hiện 317 đề tài, đề án; giai đoạn 2006 - 2016 thực hiện 445 đề tài, đề án; chỉ riêng trong 5 năm 2016 - 2021 đã triển khai 169 đề tài, đề án.

 

Trong những năm gần đây, nhận thức rõ vai trò của công tác nghiên cứu khoa học đối với việc nâng cao chất lượng tham mưu và hoạt động của các ban, cơ quan Đảng Trung ương, công tác nghiên cứu khoa học ở các đơn vị được quan tâm hơn, ngày càng đi vào chiều sâu với hiệu quả thiết thực hơn; các lĩnh vực nghiên cứu cũng ngày càng đa dạng gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, phục vụ trực tiếp công tác tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhiều ban, cơ quan Đảng Trung ương đã xác định nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng, là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, bình xét thi đua. Các đề tài, đề án do Hội đồng tổ chức thực hiện có chủ đề đa dạng, bàn về nhiều lĩnh vực như: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Nhìn chung, kết quả nghiên cứu các đề tài đã bảo đảm tính khách quan, chính xác, độ tin cậy cao.

 Thứ hai, giá trị lý luận và giá trị ứng dụng của các kết quả nghiên cứu ngày càng được cải thiện và nâng cao, phục vụ trực tiếp cho công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương.

Các đề tài, đề án cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn để Hội đồng và các ban, cơ quan Đảng Trung ương tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn hoạt động các ban, cơ quan Đảng Trung ương ngay trong quá trình thực hiện. Một số kết quả đề tài, đề án được xuất bản thành sách, phát hành rộng rãi và là tư liệu tham khảo có giá trị cao, thiết thực, được giải thưởng quốc gia. Bên cạnh việc xuất bản sách, in tài liệu, đăng bài báo khoa học, một số hội đồng cơ sở tổ chức đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học trên trang thông tin điện tử của cơ quan.

Thông qua công tác nghiên cứu khoa học, các ban, cơ quan Đảng Trung ương có điều kiện nghiên cứu sâu hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình, trình độ của đội ngũ cán bộ đã được nâng lên; từ đó, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, hiệu quả chỉ đạo, điều hành tại các ban, cơ quan Đảng Trung ương.

Thứ ba, bên cạnh việc tổ chức định hướng và quản lý quy trình và chất lượng thực hiện các đề tài, đề án hằng năm, Hội đồng còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên gia, tọa đàm khoa học phục vụ công tác tham mưu cấp chiến lược, tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện của Đảng.

Nội dung những vấn đề của hội thảo, tọa đàm đều gắn với công tác tham mưu, tư vấn và bám sát với chức năng, nhiệm vụ của các ban, cơ quan Đảng Trung ương. Hội đồng cũng định kỳ tổ chức các cuộc hội thảo, làm việc trực tiếp tại các hội đồng khoa học cơ sở về những vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong thực tiễn.

Từ kết quả các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, kết hợp với chắt lọc kết quả nghiên cứu các đề tài, đề án có liên quan, Hội đồng đã xây dựng nhiều báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cung cấp những luận cứ khoa học để tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên nhiều lĩnh vực.

Hội đồng đã phát hành bản Thông tin Khoa học định kỳ 2 tháng/số với nhiều bài viết có chất lượng, tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; giải quyết những vấn đề lý luận - thực tiễn đặt ra đối với các ban, cơ quan Đảng hiện nay; giới thiệu các kết quả nghiên cứu của các đề tài, đề án; thông tin các hoạt động khoa học nổi bật của Hội đồng và các hội đồng khoa học cơ sở; góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng các khóa.

Hằng năm, Hội đồng phát hành Báo cáo khoa học thường niên đến các đồng chí lãnh đạo các ban, cơ quan Đảng Trung ương, Bí thư các tỉnh, thành ủy và các nhà nghiên cứu, phục vụ công tác tham mưu,…Kết quả nghiên cứu các đề tài, đề án được cập nhật lên hệ thống thông tin nghiên cứu khoa học của Hội đồng nhằm chia sẻ thông tin cho cán bộ các ban, cơ quan Đảng nghiên cứu, tham khảo.

Các ban, cơ quan Đảng Trung ương ngày càng coi trọng việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, đóng góp thiết thực vào việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp qua các nhiệm kỳ; tham mưu, tư vấn, góp ý hoàn thiện dự thảo các văn kiện của Đảng; tham gia vào việc tổng kết 20 năm, 30 năm và 35 năm đổi mới đất nước,…

ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG

Thứ nhất, đổi mới, sáng tạo, đột phá trong việc xây dựng và triển khai các đề tài, đề án khoa học.

Hội đồng đã xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác trong từng năm và cả nhiệm kỳ với phương châm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, giá trị ứng dụng của nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu chiến lược của các ban, cơ quan Đảng Trung ương:

 - Các hoạt động chuyên môn của Hội đồng (từ khâu thẩm định đến khâu xét duyệt, nghiệm thu, đánh giá đề tài, đề án; tổ chức hội thảo, toạ đàm chuyên gia, thông tin khoa học chuyên đề...) được vận hành theo hai tiểu ban: Tiểu ban Chính trị, xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Tiểu ban Kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Hội đồng hướng dẫn, định hướng các chủ đề, nội dung nghiên cứu; các hội đồng cơ sở đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể với Hội đồng, nhằm đề cao tính chủ động, sáng tạo của các hội đồng cơ sở, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, thực tiễn hoạt động của các ban, cơ quan Đảng Trung ương và khả năng đáp ứng tài chính của Hội đồng. Việc thẩm định, xét duyệt đề tài, đề án được tiến hành thường xuyên, liên tục. Các đề tài, đề án thực hiện trong thời gian gần đây được cơ cấu thành 5 loại, căn cứ theo giá trị ứng dụng kết quả nghiên cứu của từng đề tài, đề án như:

+ Đề tài, đề án nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề lý luận - thực tiễn cơ bản, tầm chiến lược; nội dung nghiên cứu mang tính chất liên ban, cơ quan; có giá trị ứng dụng, yêu cầu cao về mặt nghiên cứu lý luận hoặc cần điều tra, khảo sát, tổng kết thực tiễn. Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương giao trực tiếp.

+ Đề tài, đề án nghiên cứu trực tiếp phục vụ việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; do trưởng các ban, cơ quan Đảng Trung ương đề xuất. Hội đồng đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu.

+ Đề tài, đề án nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề tham mưu cụ thể gắn với chức năng nhiệm vụ của từng ban, cơ quan Đảng Trung ương.

+ Đề tài, đề án nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề cụ thể phục vụ việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ban, cơ quan Đảng Trung ương.

+ Đề án nghiên cứu nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ của từng ban, cơ quan Đảng Trung ương.

Đoàn Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm việc với ông Alfonso Cusi, Phó Chủ tịch Đảng DPDP - Laban kiêm Bộ trưởng  Bộ Năng lượng Philippines (tháng 9/2019)

Đoàn Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương do đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn làm việc với ông Alfonso Cusi, Phó Chủ tịch Đảng PDP - Laban kiêm Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines (tháng 9/2019)

 

- Công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các đề tài, đề án, nhất là về mặt nội dung ngày càng được coi trọng. Ban Thư ký và Văn phòng Hội đồng đã tham mưu để Thường trực Hội đồng giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với những đề tài, đề án chậm tiến độ. Thực hiện quy trình thẩm định, xem xét hồ sơ các đề tài, đề án xin gia hạn hợp đồng nghiên cứu.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, nhất là trong những năm cuối của nhiệm kỳ, Hội đồng đẩy mạnh việc phối hợp triển khai thực hiện đề tài liên ban “Định hướng mô hình phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam trong tình hình mới” do Ban Kinh tế Trung ương làm cơ quan chủ trì và lần đầu tiên thực hiện nghiên cứu Đề án độc lập cấp liên ban, liên ngành (Đề án đặc biệt) giai đoạn 2019 - 2021 “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn góp phần chuẩn bị và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” với 8 nhiệm vụ nghiên cứu và đặt hàng các hội đồng cơ sở thực hiện, góp phần xây dựng và bước đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là một đột phá mạnh mẽ trong quá trình triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ việc trực tiếp tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc xây dựng và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao và năng lực tham mưu hiệu quả của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

Hội đồng đã mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; thiết lập quan hệ, trao đổi kinh nghiệm với một số đảng cầm quyền. Hội đồng đã tổ chức các đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học tại một số nước, làm việc với một số đảng cầm quyền, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế. Kết quả khảo sát, trao đổi kinh nghiệm đều được báo cáo kịp thời bằng văn bản với Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có liên quan.

Đoàn công tác 165 Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tham gia khóa đào tạo

Đoàn công tác 165 Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tham gia khóa đào tạo "Hoạch định chiến lược phát triển quốc gia và phương thức hoạt động của Đảng cầm quyền" tại Hàn Quốc (2018)

Thứ hai, đổi mới, chính quy và chuyên nghiệp hóa phương pháp, quy trình quản lý khoa học.

Bên cạnh việc đổi mới về nội dung, Hội đồng không ngừng đổi mới và áp dụng nhiều phương pháp, quy trình tổ chức và quản lý khoa học mới đem lại hiệu quả cao. Điều này được thể hiện rõ nhất trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng nổ trên thế giới và Việt Nam, Hội đồng đã chủ động đổi mới phương thức hoạt động nhằm thích nghi với tình hình phòng, chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động điều hành, quản lý khoa học của Hội đồng. Các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Hội đồng được thực hiện thông qua thư điện tử (email), zalo, viber… và các hình thức trực tuyến. Do đó, các hoạt động của Hội đồng vẫn được duy trì thường xuyên, kịp thời trong xử lý công việc hằng ngày, hằng tuần. Đồng thời, để tạo điều kiện cho các hội đồng khoa học cơ sở, các chủ nhiệm đề tài, đề án trong bối cảnh đề cao yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Hội đồng đã chủ động gia hạn hợp đồng nghiên cứu 2 tháng đối với các đề tài, đề án triển khai trong năm 2018, 2019.

Ngoài ra, Hội đồng đã chủ động, linh hoạt trong việc phối hợp với các hội đồng khoa học cơ sở và các cơ quan, đơn vị có liên quan để định hướng nghiên cứu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các đề tài, đề án và hỗ trợ các hội đồng cơ sở trong các hoạt động nghiên cứu khoa học như: tổ chức các cuộc làm việc với các hội đồng khoa học cơ sở; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Văn phòng Trung ương Đảng trong công tác quản lý khoa học; phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản một số kết quả nghiên cứu đề tài, đề án…

Hội đồng đã xây dựng và ban hành các quy định, quy trình quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học phù hợp với đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học trong các ban, cơ quan Đảng Trung ương; đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học ở các ban, cơ quan Đảng Trung ương đi vào chiều sâu, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả. Hoạt động của các hội đồng cơ sở tiếp tục đi vào nền nếp. Một số hội đồng cơ sở thực hiện kiện toàn nhân sự, rà soát, bổ sung quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên hội đồng; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học.

“25 năm qua, với tổ chức rất tinh gọn, Hội đồng đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức, quản lý hoạt động khoa học trong các ban, cơ quan Đảng Trung ương. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài, đề án do Hội đồng định hướng, quản lý, đánh giá, đã cung cấp các cơ sở khoa học đáng tin cậy, để các ban, cơ quan Đảng Trung ương làm tốt chức năng tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và lãnh đạo thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng. Hội đồng đã phát huy vai trò là đầu mối tập hợp, tổ chức, động viên đội ngũ cán bộ, công chức trong khối cơ quan Đảng Trung ương tham gia ngày càng đông đảo vào hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua đó nâng cao năng lực tư duy, rèn luyện phương pháp, phong cách làm việc khoa học, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và chất lượng tham mưu của các ban, các cơ quan Đảng Trung ương. Tập thể Hội đồng, cơ quan Hội đồng đoàn kết, thống nhất, xây dựng được môi trường làm việc dân chủ, khoa học, cộng đồng trách nhiệm. Với những nỗ lực và thành quả đạt được, Hội đồng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý; được cán bộ, công chức các ban, các cơ quan Đảng Trung ương ghi nhận, đánh giá cao”(2).

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THAM MƯU CỦA CÁC CƠ QUAN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG

Trong những năm tới, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, bổ sung và phát triển lý luận ở nước ta rất quan trọng, nhiệm vụ rất nặng nề. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp đã định hướng con đường phát triển đất nước trong 5, 10, 25 năm tới với mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Để thực hiện thành công mục tiêu cao cả đó, Văn kiện Đại hội nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, tham mưu trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao phát triển khoa học, công nghệ, trong đó rất quan trọng là khoa học lý luận chính trị. Đây là những định hướng rất quan trọng, Hội đồng cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong mọi hoạt động của mình, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và chất lượng tham mưu chiến lược của các ban, các cơ quan Đảng Trung ương, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội” (3).

Đến năm 2025, chúng ta thực hiện được 40 năm công cuộc đổi mới đất nước; đến năm 2030, thực hiện 40 năm Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đòi hỏi Đảng ta phải tiến hành tổng kết thực tiễn sâu rộng, toàn diện, để làm phong phú hơn, đầy đủ hơn những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, xây dựng hoàn chỉnh lý luận về đổi mới và con đường phát triển Việt Nam,... Bối cảnh quốc tế và trong nước đặt  ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu cao hơn đối với hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Hội đồng trong việc đổi mới tư duy, nhận thức, bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ để thường xuyên nắm bắt, cập nhật những thông tin mới, luận giải và giải quyết đúng đắn những vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh.

Để thực hiện tốt công tác tham mưu, các ban, cơ quan Đảng Trung ương cần có nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, cần xác định đây là nhân tố quan trọng để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương trong thời gian tới. Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ, có tài năng; đồng thời, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ nghiên cứu khoa học. Phải đặc biệt chú trọng và thực hiện nền nếp công tác nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Từ thực tiễn mà phát hiện các vấn đề và tình huống, vận dụng lý luận để phân tích và đánh giá thực tiễn; dự báo (phát hiện xu hướng, triển vọng, trù liệu và cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra) và đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị những vấn đề liên quan tới hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những giải pháp, kiến nghị đề xuất phải được luận chứng thuyết phục, có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn đất nước.

Trong thời gian tới, cần xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trong hệ thống tổ chức các cơ quan Đảng Trung ương và mối quan hệ theo chiều ngang, chiều dọc giữa Hội đồng với Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và các hội đồng khoa học thuộc các ban, cơ quan Đảng Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý và nghiên cứu khoa học cho cán bộ và thành viên Hội đồng, tăng cường cán bộ chuyên trách cho Hội đồng; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, kế cận. Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Hội đồng với các cơ quan nghiên cứu và các địa phương để nâng cao chất lượng nghiên cứu(4).

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính, quản lý nghiên cứu khoa học, phù hợp với nền kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, xóa bỏ các rào cản và hành chính hóa hoạt động nghiên cứu khoa học. Linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục thanh, quyết toán tài chính, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. 

Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chỉ đạo các hội đồng khoa học cơ sở của các ban, cơ quan Đảng Trung ương bám sát Chương trình làm việc toàn khóa và sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu trong cả nhiệm kỳ Đại hội XIII và hằng năm của đơn vị. Trọng tâm chủ đề nghiên cứu của các ban, cơ quan Đảng Trung ương cần hướng vào việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược và thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với chức năng, nhiệm vụ tham mưu, tư vấn chiến lược của từng ban, cơ quan Đảng Trung ương./.

 

PGS.TS. VŨ TRỌNG LÂM

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản,

Ủy viên Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

_______________________________ 

(1) Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: 20 năm xây dựng và phát triển (1996-2016), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 10-11.

(2), (3) Thư chúc mừng ngày 17-5-2021 của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (5-6-1996 - 5-6-2021).

(4) Báo cáo đề dẫn tọa đàm chuyên gia: “Bối cảnh mới, yêu cầu mới đặt ra đối với mô hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương”, Hà Nội, ngày 19-3-2021

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất