(TG) - Phát biểu chào mừng của đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn tại Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh, thành uỷ trực thuộc Trung ương qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới” diễn ra sáng ngày 23/4/2024 tại Thành phố Lạng Sơn. Tiêu đề bài viết do Tạp chí Tuyên giáo đặt.
Trong những năm qua, với truyền thống lịch sử vẻ vang, tinh thần đoàn kết, luôn chung sức, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã vượt qua nhiều thử thách, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực:
Thứ nhất, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc; phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các cấp uỷ,tổ chức, cơ quan, đơn vị. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên, bộ máy của hệ thống chính trị luôn được quan tâm kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài 231,74 km tiếp giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn; có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia, 9 cửa khẩu phụ. Tỉnh Lạng Sơn có vị trí quan trọng chiến lược đặc biệt về quốc phòng, an ninh, xuất - nhập khẩu.Diện tích tự nhiên của tỉnh là trên 8.300 km2 (đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố), có 1 thành phố loại II và10 huyện; có 200 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, có 5 huyện biên giới với 21 xã, thị trấn và 74 thôn biên giới. Dân số toàn tỉnh là trên 860 nghìn người (theo dữ liệu quốc gia về dân cư tỉnh Lạng Sơn tính đến hết năm 2023);có 38 dân tộc, trong đó có 7 dân tộc chính, chủ yếu là dân tộc thiểu số chiếm hơn 83%.
|
Thứ hai, kinh tế từng bước phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 6,96%, cao hơn 1,51% so với bình quân của nhiệm kỳ trước (năm 2021 là 6,67%; năm 2022 là 7,22%; năm 2023 là 7,0%; quý I/2024 là 5,0%). Môi trường đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số được cải thiện, nâng cao: Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công cửa khẩu số; đứng thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số (tăng 10 bậc so với năm 2020); triển khai ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng” trên quy mô toàn tỉnh; hiện đứng thứ 2 toàn quốc về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Việt Nam; xếp thứ 5 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ xử lý dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 81,77%); xếp thứ 15 toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 (tăng 34 bậc so với năm 2020); xếp thứ 2 toàn quốc về Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022. Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức 4 hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự chứng kiến và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Lễ khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT; Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn; Xúc tiến đầu tư năm 2024 và trực tiếp nhận biển ủng hộ 3.110 căn nhà trong Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025).
Quang cảnh hội thảo.
Thứ ba, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và bản sắc văn hóa con người Lạng Sơn được tỉnh chú trọng.
Thứ tư, công tác quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên được tỉnh quan tâm chăm lo xây dựng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng ngày càng vững mạnh, toàn diện, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, không để bị động, bất ngờ; không để hình thành các tổ chức đối lập; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh tiếp tục được duy trì, ngày càng thực chất. Lạng Sơn không xảy ra các điểm nóng về chính trị - xã hội; tội phạm luôn được kiềm chế ở mức thấp so với cả nước.
Hoạt động đối ngoại của tỉnh luôn được quan tâm chú trọng trên cả ba trụ cột (đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân), nhất là ở khu vực biên giới. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu.
Các đại biểu dự hội thảo.
Để đạt được những thành tựu nêu trên là nhờ có sự đóng góp rất quan trọng trong công tác tham mưu của các cơ quan đảng ở tỉnh Lạng Sơn.
Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá toàn diện, rút ra những kinh nghiệm và bài học để công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và các tỉnh, thành uỷ ngày càng hiệu quả, thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Qua diễn đàn này, tỉnh Lạng Sơn mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành ủy để giúp xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn nhanh và bền vững./.
NGUYỄN QUỐC ĐOÀN
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn