Thứ nhất, tổ chức các cơ quan và bộ máy tham mưu.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII và sau đó là Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 4 khóa X, bộ máy các cơ quan của Đảng đã được tổ chức tinh gọn hơn. Ở cấp Trung ương, từ 24 đầu mối (16 ban, văn phòng và 8 đơn vị sự nghiệp) tổ chức lại thành 8 ban và 4 đơn vị sự nghiệp. Ở cấp tỉnh, từ 12 - 15 đầu mối, tổ chức lại thành 7 đầu mối (5 ban và 2 đơn vị sự nghiệp). Ở cấp huyện, còn 5 - 6 đầu mối (5 ban và trung tâm bồi dưỡng chính trị).
Bộ máy tổ chức được sắp xếp lại đã tác động tích cực tới hoạt động tham mưu. Chất lượng, hiệu quả tham mưu ngày càng cao, ngày càng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống đặt ra.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy các cơ quan đảng cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu tình hình mới. Tổ chức của một số cơ quan đảng chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc các cơ quan đảng được thiết lập nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, chuyên sâu, nhưng chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, quy chế làm việc chưa đủ, có chỗ trống vắng, ngược lại có chỗ còn trùng lắp, nên ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động.
Cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí, chức danh trong bộ máy các cơ quan đảng, xác định rõ tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ, ngành nghề đào tạo (như trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ...), kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, độ tuổi... phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng ngành, từng lĩnh vực, đơn vị làm căn cứ để tuyển chọn, bố trí... cán bộ, công chức một cách khoa học, hợp lý.
Yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan tham mưu chiến lược là phải thực sự đổi mới phương thức công tác. (Ảnh minh họa)
Thứ hai, cơ cấu, năng lực, trình độ, tầm nhìn của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu ở các cơ quan Đảng.
Cơ cấu, năng lực, trình độ và tầm nhìn của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu phụ thuộc vào các yếu tố:
Một là, công tác quy hoạch, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Muốn có đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý, trình độ cao, đủ tầm thì công tác quy hoạch phải căn cứ vào trình độ đào tạo, năng lực thực hiện công việc và tiềm năng phát triển của cán bộ, công chức; định kỳ rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung kịp thời, bảo đảm tính khả thi của các phương án, khi cần có thể bổ nhiệm được ngay, tránh hụt hẫng, bị động. Trong bố trí, sử dụng phải phát huy tốt năng lực, sở trường, trình độ đào tạo của cán bộ, công chức. Đề bạt, bổ nhiệm phải căn cứ, thành tích công tác và năng lực thực hiện công việc của cán bộ, công chức gắn với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Hai là, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức: Cần đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm tuyển chọn được người giỏi vào làm việc trong các cơ quan đảng. Thực hiện tốt chính sách thu hút và ưu tiên trong tuyển dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cần được thực hiện một cách toàn diện, đặc biệt chú trọng các mặt còn yếu như tin học, ngoại ngữ. Cần có chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng; giảm thời lượng học lý thuyết, tăng thời lượng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành.
Bốn là, nội dung, phương pháp và quy trình đánh giá cán bộ, công chức cần đảm bảo tính công bằng, khách quan. Nội dung đánh giá cần chú trọng ba vấn đề cơ bản đó là: Mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ; phẩm chất chính trị, đạo đức; tiềm năng phát triển của cán bộ, công chức.
Bên cạnh các quy định của cơ quan, yếu tố tác động đóng vai trò quyết định tác động đến đến việc hình thành và nâng cao năng lực tham mưu của cán bộ tham mưu là ý thức tự học tập và rèn luyện của bản thân người cán bộ. Chỉ khi thực sự cầu thị, có ý chí phấn đấu, tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tích cực tham gia các hoạt động thực tiễn, cán bộ tham mưu mới có thể biến tố chất, hứng thú thành kinh nghiệm của cá nhân và nỗ lực để từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với nhiệm vụ tham mưu được giao.
Thứ ba, phương thức và sự phối hợp trong công tác tham mưu.
Phương thức tham mưu bao gồm các quy định về quy trình, cơ chế, sự phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhằm xây dựng, hình thành các văn bản tham mưu trình cấp ủy. Phương thức tham mưu của các cơ quan, bộ máy tham mưu ảnh hưởng tới tính nhanh nhạy, kịp thời, tính trúng, đúng, tính bao quát của vấn đề tham mưu và tận dụng được trí tuệ chung của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu.
Ví dụ, trong quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản, các cơ quan tham mưu phải triển khai tiến hành khảo sát thực tiễn ở các cấp ủy, tổ chức đảng; lấy ý kiến góp ý các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan và tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học để xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học… Trên cơ sở đó, tiếp thu những ý kiến hợp lý, có cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa vào dự thảo đề án trình cấp ủy, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Hiện nay, các nội dung tham mưu ban hành cơ bản đã giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc cho cơ sở. Trong quá trình tham mưu, khi thấy có nội dung, vấn đề chưa phù hợp đã chủ động báo cáo, đề xuất với cấp ủy nói chung, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương nói riêng, xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung vấn đề cần tham mưu cho phù hợp.
Thứ tư, sự quan tâm chỉ đạo, đặt hàng của cấp ủy.
Việc “đặt hàng” của cấp ủy vừa là sự giao việc của cấp trên, vừa là tạo điều kiện cho cấp dưới vì gắn liền với sự đặt hàng luôn có các điều kiện (vật chất, kinh phí, cơ chế...) kèm theo. Điều này cũng thể hiện sự tin tưởng cấp dưới đồng thời là sự động viên, khích lệ để cơ quan và các cán bộ tham mưu thể hiện vai trò trách nhiệm.
Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy quan tâm, “đặt hàng” cho cho các cơ quan tham mưu thì ở đó chất lượng và hiệu quả của công tác tham mưu được nâng lên và đội ngũ cán bộ tham mưu được phát huy. Ngược lại, ở đâu cấp ủy không quan tâm, không “đặt hàng” thì cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ tham mưu không phát huy hết vai trò và năng lực.
Các cấp ủy đảng phải nhận thức rõ vai trò trọng yếu của công tác tham mưu, xem đó là điều kiện tiên quyết và trong hoạt động của mình. Từ đó, đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo điều kiện, cơ chế, chính sách, nhằm hạn chế tiêu cực và phát huy những yếu tố tích cực, qua đó nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng chính sách, đường lối hiện nay.
Thứ năm, tính chủ động, tích cực của chủ thể tham mưu.
Chủ thể tham mưu vừa có những điểm chung của cán bộ công chức vừa có những nhu cầu, khả năng đặc thù của cá nhân, nghề nghiệp. Vì vậy, cần xuất phát từ nhu cầu cá nhân, nghề nghiệp để tạo động cơ cho tính tích cực hoạt động của chủ thể nghiên cứu, tham mưu trong cơ quan, đơn vị, biến sức mạnh (thể lực, tâm lực và trí lực) của các chủ thể nghiên cứu thành hợp lực của các cơ quan. Qua đó, tạo nội lực mới cho công tác nghiên cứu, tham mưu.
Mặc dù tính tích cực trong hoạt động tham mưu có liên quan trực tiếp với nhu cầu tồn tại và phát triển của chủ thể tham mưu, nhưng không phải bao giờ tính tích cực ấy cũng dẫn đến các giá trị, thành hợp lực trong công tác tham mưu. Do vậy, các cấp ủy đảng phải có trách nhiệm và tạo môi trường hoạt động, trong đó thực thi các cơ chế mang tính khoa học, thực tiễn, nhân văn, có khả năng tập hợp và phát huy tốt nhất sức mạnh của chủ thể nghiên cứu, tham mưu để họ có cơ hội được thể hiện và đóng góp, cống hiến.
Bám sát chương trình làm việc của cấp ủy, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng ngày càng tích cực, chủ động trong việc lựa chọn những vấn đề lớn, quan trọng, có tính đột phá chiến lược, rà soát các văn bản nghị quyết đã ban hành trước đây, nay có những nội dung không còn phù hợp để đề xuất việc xây dựng, ban hành các văn bản, nghị quyết của Đảng đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, kịp thời, xác đáng.
Thứ sáu, các nhân tố của môi trường xã hội, văn hóa.
Các yếu tố kinh tế thị trường, truyền thống, tư tưởng Nho giáo, tính cục bộ địa phương... cũng tác động lớn tới công tác tham mưu xây dựng chính sách, chủ trương của các cơ quan đảng. Tư tưởng phong kiến còn ảnh hưởng rất sâu đậm trong xã hội cũng như nhận thức. Điều này ảnh hưởng lớn tới công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách của các cơ quan đảng. Ngoài ra, cơ chế thị trường, đề cao giá trị vật chất cũng tác động đến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đạo đức xã hội. Việc tham mưu xây dựng chính sách, chủ trương, đường lối có thể chịu sự chi phối bởi tâm lý, lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm. Do đó, có những chính sách sau khi được ban hành gây bất bình trong nhân dân, làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào bản chất tốt đẹp của chế độ.
Trong bối cảnh hội nhập bùng nổ thông tin, sự giao thoa ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ của các trào lưu văn hóa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đội ngũ làm công tác tham mưu. Trong quá trình hội nhập, hợp tác và giao lưu văn hóa quốc tế, chúng ta tiếp thu được nhiều thành tựu văn minh nhân loại, làm phong phú nền văn hóa dân tộc; song cũng chịu ảnh hưởng của các luồng văn hoá ngoại lai không lành mạnh.
Trách nhiệm của các cấp ủy Đảng là phải tổ chức và quản lý hoạt động văn hoá, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trên cơ sở đó, công tác tham mưu của các cơ quan ngày càng có chất lượng, hiệu quả.
Hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng ngày 13-4-2023. (Ảnh: Hương Giang).
Thứ bảy, cơ chế, chính sách và các điều kiện bảo đảm công tác cho tham mưu.
Những yếu tố như: tố chất chính trị; kinh nghiệm thực tiễn; môi trường tham mưu; điều kiện vật chất, trang thiết bị làm việc; chế độ, chính sách đãi ngộ, mặc dù không phải là những thành tố nội tại nhưng lại có thể phát huy năng lực của mỗi cá nhân. Do đó, nếu nhận diện và phát huy được vai trò của các yếu tố này, cán bộ tham mưu sẽ có môi trường và điều kiện để sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu, đề xuất, rèn luyện nâng cao trình độ và cống hiến để phụng sự cấp ủy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực.
Đa số các cơ quan đảng hiện nay có cơ sở vật chất khang trang, được trang bị các điều kiện thiết yếu. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ Đảng được quan tâm, điều này đã tạo điều kiện cho cán bộ các cơ quan đảng yên tâm công tác. Tuy nhiên, việc thu hút những cán bộ thực sự giỏi về công tác tại các cơ quan Đảng còn khó khăn bởi cơ chế, chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập.
Cần xác định rõ, năng lực tham mưu cũng xuất phát từ những tố chất cá nhân đó, do vậy, cần xác định các tố chất chính trị của một cán bộ tham mưu để có phương thức phát huy năng lực tham mưu; trong đó xây dựng môi trường làm việc, bố trí vị trí việc làm, trao cơ hội cho cá nhân được học tập, rèn luyện, thử thách đúng với tư chất bẩm sinh… là yếu tố quan trọng cần thiết để nâng cao năng lực của cán bộ tham mưu. Những tố chất cần có của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy đó là: có khả năng quan sát tốt, có trí nhớ tốt, khả năng tập trung cao độ, tư duy logic, khả năng sáng tạo, khả năng thích nghi cao, khả năng về ngôn ngữ… Ngày nay, với sự hỗ trợ của khoa học - công nghệ hiện đại, con người có thể tìm hiểu, xác định được năng khiếu thiên bẩm, các lĩnh vực thế mạnh ngay từ rất sớm thông qua kết quả sinh trắc các bộ phận cơ thể phản ánh cấu trúc hệ thần kinh trung ương như: sinh trắc vân tay, mống mắt, giải mã gen…
Bên cạnh tố chất là yếu tố mang tính bẩm sinh khác biệt giữa mỗi người, hứng thú cũng là một đặc tính tâm lý cá nhân có ảnh hưởng đến khuynh hướng và thái độ của cán bộ làm công tác tham mưu, trong đó đặc biệt quan trọng là hứng thú chính trị. Hứng thú chính trị là một dạng thái độ đặc biệt của cá nhân với các vấn đề chính trị - xã hội, được biểu hiện ở sự quan tâm theo dõi, thường xuyên tìm hiểu, thường xuyên đề cập hoặc suy nghĩ đến tình hình chính trị trong nước và quốc tế; tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, các phong trào chính trị quần chúng, hòa mình vào đời sống chính trị của đất nước… Những biểu hiện kể trên của hứng thú chính trị là cơ sở để cán bộ làm công tác tham mưu hình thành nên tầm nhìn chính trị và năng lực tư duy chính trị nhạy bén, góp phần trực tiếp bảo đảm tính thời sự, cập nhật của thông tin trong tham mưu cho cấp ủy và bảo đảm tính linh hoạt, nhanh nhạy trong xử lý các tình huống thực tiễn đặt ra. Hứng thú chính trị và tính nhạy bén chính trị cũng đồng thời tạo ra tình cảm tích cực, gắn bó với nghề nghiệp, với nhiệm vụ tham mưu trong mỗi cá nhân từ đó luôn có tâm thế sẵn sàng, không ngại khó, ngại khổ để thực thi nhiệm vụ.
Để hình thành và duy trì hứng thú chính trị, cần bảo đảm chế độ cung cấp thông tin, khai thác và cập nhật thông tin cho đội ngũ cán bộ tham mưu; tăng cường và đổi mới hình thức các đợt sinh hoạt chính trị - xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ tham mưu được sáng tạo trong các hoạt động chính trị - xã hội, phong trào quần chúng…
Mặt khác, bối cảnh của nền kinh tế tri thức với đặc điểm nổi bật của xã hội học tập thường xuyên như hiện nay, cùng với sự thay đổi chóng mặt của khoa học - công nghệ đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với đội ngũ cán bộ tham mưu các cấp. Những bước tiến của công nghệ thông tin không chỉ đặt mọi thứ vào trong một thế giới phẳng mà còn đặt cán bộ tham mưu vào môi trường làm việc đòi hỏi phải liên tục nắm bắt, cập nhật, chuyển hóa tri thức thành kỹ năng nhằm đáp ứng và có thể xử lý nhanh chóng khối lượng kiến thức khổng lồ, thông tin tham mưu đa dạng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, tính tiên phong gương mẫu, tính tự giác rèn luyện, phấn đấu, có ý chí cao, bản lĩnh vững vàng, ý thức tu dưỡng ở mọi lúc, mọi nơi…, trở thành đòi hỏi bắt buộc đối với cán bộ tham mưu. Các cấp ủy Đảng và lãnh đạo ban tham mưu chỉ có thể tạo điều kiện vật chất và tinh thần; tạo môi trường làm việc, học tập tốt nhất để cán bộ tham mưu có thể phát huy tính tích cực, tự giác trong học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ và rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực chuyên môn. Đồng thời, cần xây dựng quy chế bắt buộc về chế độ học tập, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để vừa tạo động lực, vừa răn đe, quy trách nhiệm đối với cán bộ tham mưu trong việc nâng cao năng lực cá nhân và nâng cao chất lượng đội ngũ.
Tính chất đặc biệt của hoạt động tham mưu cùng với những yêu cầu cao đối với cán bộ tham mưu cho thấy đội ngũ cán bộ tham mưu cần được đãi ngộ tốt, ưu tiên cung cấp những điều kiện công tác thuận lợi, có môi trường trao đổi thông tin tốt, môi trường dân chủ cần thiết để phát huy khả năng sáng tạo. Các chế độ như: đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, sử dụng, quy hoạch cán bộ cần được quan tâm như những động lực quan trọng bảo đảm sức khỏe, vật chất, tinh thần cho cán bộ tham mưu có thể yên tâm, tập trung công tác, đồng thời ràng buộc và giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao này trước những nguy cơ do mặt trái của cơ chế thị trường tạo ra.
Công tác cán bộ với nhiều khâu, nhiều công việc có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ tham mưu nói riêng. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ về năng lực tham mưu của cán bộ tham mưu với các tiêu chuẩn cụ thể, các cấp ủy đảng và ban tham mưu tìm kiếm và lựa chọn các cá nhân có khả năng đáp ứng công việc tham mưu cần thiết. Việc lựa chọn được đúng người và sắp xếp được đúng vị trí việc làm, đúng lĩnh vực sở trường và giao chức danh, chức vụ phù hợp là điều kiện để cán bộ có thể phát huy năng lực tham mưu cũng như tích lũy kinh nghiệm công tác. Trong đó, công tác đánh giá cán bộ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân loại và tạo động lực phấn đấu đối với đội ngũ cán bộ. Các tiêu chí đánh giá càng cụ thể chi tiết, gắn với tiêu chuẩn năng lực của từng vị trí, từng chức danh sẽ bảo đảm phân loại cán bộ minh bạch hơn, tạo động lực hơn trong làm việc, thi đua, bổ nhiệm, đề bạt./.
Chất lượng và hiệu quả của công tác tham mưu ở các cơ quan Đảng Trung ương và các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương biểu hiện ở các mặt như: Phải phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng ban, cơ quan đảng; vấn đề tham mưu phải "đúng" và "trúng; phải đề xuất và định hướng giải quyết đủ tầm những vấn đề bức thiết mà thực tiễn đang đặt ra, thúc đẩy sự phát triển của thực tiễn theo hướng tích cực, hiệu quả; phải kịp thời, chính xác; phải có tính khả thi, khả năng ứng dụng cao.
Đồng thời, nội dung tham mưu phải được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy chấp thuận, sử dụng làm cơ sở để hình thành các đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách, chỉ thị; phải có tính đột phá, sáng tạo, có tính mới, vượt qua những khuôn khổ, định kiến, tạo ra tư duy mới, cách làm mới trên cơ sở những căn cứ khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc.
|
TS. Nguyễn Tiến Hoàng
Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương