Thứ Bảy, 21/9/2024
Bắc Giang: Tiềm năng và triển vọng
Thứ Tư, 10/12/2014 17:55'(GMT+7)

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy  phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVII

Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVII


Nhìn lại năm 2014, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, gặt hái được nhiều thành công trên các mặt. Những kết quả nổi bật như: 16/16 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đều đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng ước đạt 9,2%, cao hơn năm 2013; cơ cấu kinh tế được điều chỉnh và chuyển dịch theo hướng phù hợp. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2013; tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng được đẩy nhanh; chỉnh trang đô thị được chú trọng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào thực chất và gắn với xây dựng nông thôn mới. Các chính sách an sinh, xã hội được triển khai thực hiện kịp thời; công tác giảm nghèo đạt hiệu quả. Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác cải cách hành chính có nhiều cố gắng; chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 12/63 tỉnh, TP. Chỉ thị số 14 của BTV Tỉnh ủy được triển khai nghiêm túc, đã tạo chuyển biến ban đầu tích cực trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thái độ tôn trọng người dân, doanh nghiệp, trách nhiệm người đứng đầu. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm. Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...  

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ ra, bên cạnh kết quả đã đạt được, Bắc Giang vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó cần lưu ý là công tác quản lý, điều hành của một số ngành, địa phương còn chưa quyết liệt, chưa linh hoạt, sáng tạo; trách nhiệm trong việc phối hợp giải quyết công việc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành chưa cao; tính chủ động trong nắm bắt tình hình, tham mưu, xử lý những vấn đề phát sinh đôi lúc chưa kịp thời; quản lý tài nguyên, khoáng sản có mặt chưa tốt, gây bức xúc trong nhân dân. Tình hình trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp, chất lượng công tác điều tra giải quyết án còn để xảy ra có thiếu sót... Việc thực hiện Chỉ thị số 14 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy có nơi còn hình thức; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở chưa tốt.

Xác định, năm 2015 là năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015; năm có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015; năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; đồng thời cũng là năm có nhiều ngày kỷ niệm, nhiều sự kiện lớn, quan trọng của tỉnh và đất nước, Bí thư Tỉnh ủy Trần Sỹ Thanh tán thành với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015 đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh. Đề nghị các cấp, ngành quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém năm 2014, nhất là những hạn chế, yếu kém do nguyên nhân chủ quan; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của T.Ư về chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2015, phấn đấu đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH năm 2015...

Trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Tỉnh ủy đề ra, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Tái cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các dự án sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường và có khả năng tăng thu ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch và chủ động tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dự án công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế; khuyến khích đưa các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động về nông thôn. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa bàn, bảo đảm các sản phẩm nông sản có khả năng cạnh tranh, tiêu thụ trên thị trường; đẩy mạnh "dồn điền, đổi thửa", thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với quy hoạch kết cấu hạ tầng, vùng nguyên liệu và thương hiệu sản phẩm đã được công nhận; tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, giảm giá thành và chủ động sản xuất giống, từng bước xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tổ chức sản xuất hợp lý, nhân rộng các mô hình sản xuất có sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp; phát triển chăn nuôi tập trung gắn với chế biến, xử lý chất thải; sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng hiện có gắn với bảo vệ, phát triển rừng; nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát huy sức mạnh của cộng đồng chung sức xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tiềm năng theo quy hoạch; quan tâm các điều kiện để phát triển du lịch và các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương. 

Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ cần thiết để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tiếp cận vốn. Tranh thủ nhiều hơn nữa sự giúp đỡ của T.Ư trong việc giải quyết những vướng mắc về cơ chế để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư những dự án cần thiết, cấp bách của địa phương và khơi dậy nội lực. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, có cơ chế ưu đãi phù hợp với từng đối tác, nhà đầu tư chiến lược, tăng cường các giải pháp huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển. Nghiên cứu vận dụng hợp lý chính sách chung để đa dạng các hình thức đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Ba là, nâng cao năng lực tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, sửa đổi, kịp thời thể chế hóa cơ chế, chính sách cụ thể của tỉnh trong các lĩnh vực nhằm tạo đột phá, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ; đổi mới lề lối làm việc, quyết liệt, dứt điểm trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở thông qua việc cơ cấu lại, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp phù hợp với chức danh, vị trí việc làm; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14 của BTV Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Đề cao trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vụ việc ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng, khiếu nại vượt cấp, đông người. Đẩy mạnh cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Bốn là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội gắn với đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước. Thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

Năm là, chủ động thông tin chính xác, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong phạm vi, thẩm quyền của mỗi ngành, địa phương, đơn vị; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng, tạo sự đồng thuận xã hội thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2015. Đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh trong năm 2015…

Bí thư Tỉnh ủy Trần Sỹ Thanh lưu ý, nhiệm vụ năm 2015 hết sức quan trọng và nặng nề. Cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh mong đợi HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, có những đóng góp thiết thực hơn nữa nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; tập trung thảo luận, quyết định đúng đắn những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh yêu cầu, ngay sau kỳ họp, đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các nghị quyết được thông qua ngay từ ngày đầu năm 2015.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất