Thứ Tư, 8/7/2009 17:5'(GMT+7)
Hội nghị G-8 trước nhiều thách thức toàn cầu
Theo TTXVN - Hôm nay (8/7), Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) và Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF), gọi tắt là Hội nghị 8+5, khai mạc tại thành phố L'Aquila của Italy.
Trước thềm hội nghị, nhiều nhà quan sát quốc tế và dư luận cho rằng Hội nghị cấp cao G-8 năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước hàng loạt thách thức và khó khăn do các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế - tài chính và đại dịch cúm A/H1N1, đang gây nhiều thiệt hại và làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nước.
Vì lẽ đó, Hội nghị được kỳ vọng sẽ đảm trách phần quan trọng trong sứ mệnh chung của thế giới tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng hiện nay.
Mỹ mong muốn Hội nghị thượng đỉnh G-8 sẽ cam kết dành 15 tỷ USD trong vòng vài năm tới để hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở các nước nghèo nhằm đối phó với tình trạng mất an ninh về lương thực.
Một dự thảo tuyên bố của Mỹ cho biết Washington sẵn sàng huy động từ 3-4 tỷ USD và mong muốn các đối tác khác trong G-8 cũng thể hiện những cam kết để đạt được mục tiêu 15 tỷ USD và khoản tiền này sẽ được dành để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp thực hiện các chiến lược phát triển nông nghiệp.
Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng hoan nghênh cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với các ngân quỹ mới dành cho nông nghiệp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cũng cho biết EU sẽ cam kết dành 1 tỷ USD hàng năm cho vấn đề này.
Một chuyển biến khác do Mỹ khởi xướng trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu là việc chuyển từ cung cấp viện trợ khẩn cấp sang giúp đỡ các nước nghèo sản xuất được nhiều lương thực hơn.
UN cho biết số người bị đói đã tăng nhanh trong vòng hai năm qua và ước tính sẽ lên hơn 1 tỷ người vào năm nay. Trong khi đó, các khoản cung cấp viện trợ lương thực toàn cầu đã giảm mạnh và năm 2008 đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng 34 năm qua.
Một chủ đề cũng được đánh giá là thách thức đối với Hội nghị thượng đỉnh G-8 lần này là vấn đề đối phó với sự biến đổi khí hậu. EC sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo G-8 đưa ra cam kết rõ ràng tại hội nghị để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Barroso cho biết Ban chấp hành EC muốn tuyên bố cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G-8 đưa ra mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của hành tinh 2 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp hoá, một ngưỡng mà các nhà khoa học cho là rất quan trọng.
EC cũng muốn các nhà lãnh đạo G-8 nhất trí về sự cần thiết phải cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, so với mức của năm 1990. Điều này có nghĩa là các nước phát triển phải cắt giảm tới 80% lượng khí thải.
Ông Barroso cho rằng việc các nước phát triển đưa ra những mục tiêu ràng buộc là rất quan trọng, vì ngược lại thì sẽ không thể thuyết phục các nước đang phát triển đóng góp vào nỗ lực này.
Trong khi đó các tổ chức phi chính phủ về môi trường cho rằng cần phải đặt ra những mục tiêu trung hạn. Người phát ngôn của tổ chức Hoà bình Xanh Beth Herzfeld cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G-8 là cơ hội để các nhà lãnh đạo thúc đẩy vấn đề này và để thể hiện lập trường trong nỗ lực đối phó với sự biến đổi khí hậu.
Người phát ngôn của Hoà bình Xanh kêu gọi các nhà lãnh đạo G-8 cam kết cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2020.
Tổ chức Hoà bình Xanh cũng kêu gọi G-8 cung cấp 106 tỷ USD, trong tổng số khoảng 140 tỷ USD mà các nền kinh tế đang nổi lên cần có mỗi năm, để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
An ninh lương thực cũng đang nổi lên như là một vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của Hội nghị G-8. Chủ tịch EC Barroso hy vọng vấn đề an ninh lương thực toàn cầu sẽ được nêu lên trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị và các nhà lãnh đạo G-8 thống nhất được chương trình nghị sự trong những năm tới ở quy mô toàn cầu.
Các nhà phân tích chính trị quốc tế và dư luận cho rằng trong bối cảnh thế giới đang đứng trước hàng loạt thách thức, việc tăng cường đối thoại bình đẳng và hợp tác cùng có lợi giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, trong việc giải quyết những vấn đề nóng bỏng và khó khăn của thế giới, đang trở thành đòi hỏi bức thiết.
Nhóm G-8, vốn được mệnh danh là "Câu lạc bộ các nước giàu", ngày càng tỏ ra "lực bất tòng tâm" trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong khi vị thế chính trị và kinh tế của các nước đang phát triển mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, v.v… lại không ngừng được nâng cao.
Song song với việc tăng cường đối thoại Nam - Bắc, các bên cũng kêu gọi xây dựng lại quan hệ đối tác kiểu mới.
Kể từ năm 2003, Hội nghị cấp cao thường niên G-8 hầu như năm nào cũng mời 5 nước đang phát triển lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Mexico tham dự đối thoại. Điều này vừa thuận theo nhu cầu phát triển của tình hình khách quan, đồng thời cũng kiến tạo một mặt bằng mới cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác Nam - Bắc kiểu mới một cách bình đẳng, cùng có lợi.
Trước khi triệu tập Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại L'Aquila, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng ra tuyên bố nêu rõ: "Hội nghị L'Aquila sẽ chứng tỏ hình thức của Nhóm 8 nước sẽ không đầy đủ nữa".
Lịch sử quả đã minh chứng rằng đứng trước một số vấn đề mang tính toàn cầu, cần có sự hợp tác ứng phó của các nước phát triển và các nước đang phát triển. Và sự hợp tác này nhiều khả năng sẽ mang lại cơ hội mới cho thế giới nói chung và các nước nói riêng./.
TTX