Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này được kỳ
vọng sẽ đưa ra các giải pháp hiệu quả giúp giải quyết các thách thức
toàn cầu dựa trên tinh thần trách nhệm và sự minh bạch.
Hội nghị thượng đỉnh bảy nước công nghiệp phát triển thế giới (G7) khai
mạc ngày 26/5 tại tỉnh Mie, Nhật Bản là sự kiện thu hút sự chú ý hàng
đầu của dư luận quốc tế trong thời điểm hiện nay.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế toàn cầu
tiếp tục trì trệ với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc
không khởi sắc, các vấn đề an ninh như chủ nghĩa khủng bố, các tranh
chấp chủ quyền đang đặt ra những thách thức lớn, tình trạng biến đổi khí
hậu và nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng hóa thạch đang đe dọa đến
môi trường sống của nhân loại…, hội nghị thượng đỉnh G7 lần này được kỳ
vọng sẽ đưa ra các giải pháp hiệu quả giúp giải quyết các thách thức
toàn cầu dựa trên tinh thần trách nhệm và sự minh bạch.
Theo kế hoạch, các chủ đề thảo luận chính của hội nghị sẽ bao gồm nền
kinh tế toàn cầu, thương mại, chính sách đối ngoại, biến đổi khí hậu,
năng lượng, tăng cường năng lực và vai trò của nữ giới, an ninh mạng,
các nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết tình trạng tham nhũng, trong đó kinh
tế - tài chính toàn cầu được xác định là chủ đề ưu tiên hàng đầu của
chương trình nghị sự.
Đối với vấn đề kinh tế - tài chính, nếu như tại các hội nghị cấp bộ
trưởng G7 diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh trước, các nước đều đạt
được sự nhất trí cao thì Hội nghị Bộ trưởng tài chính G7 lần này là một
trong những cuộc họp đạt được ít tiến triển nhất.
Kết quả này khiến cho nhiệm vụ của Hội nghị thượng đỉnh G7, đặc biệt là
Nhật Bản trên cương vị là Chủ tịch đương nhiệm G7, trở nên khó khăn hơn
trong nỗ lực tìm được tiếng nói chung.
Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố sẽ nỗ lực thuyết phục các
nước G7 khác phối hợp hành động nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Đối với nhà lãnh đạo này, việc các nước thống nhất được các biện pháp
kích thích kinh tế đóng vai trò tối quan trọng trong phục hồi nền kinh
tế Nhật Bản hiện vẫn bị đánh giá là trì trệ.
Bên cạnh đó, thành công trong việc thuyết phục được các nước G7 sẽ chứng
tỏ vai trò lãnh đạo của Nhật Bản đối với mục tiêu thúc đẩy kinh tế thế
giới.
Trong một tuyên bố mới nhất do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố ngày 23/5,
Tokyo tin tưởng rằng với một nền tảng chung, các nhà lãnh đạo G7 sẽ
tích cực thảo luận tại để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ nhất và rõ ràng
nhất về vấn đề này.
Cùng với vấn đề kinh tế - tài chính, chính sách đối ngoại của G7 cũng là
một trong những chủ đề thảo luận quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh
lần này.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 sẽ chú trọng nội dung
về chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, cuộc khủng
hoảng nhập cư, tình hình Trung Đông, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên,
cuộc khủng hoảng Ukraine và an ninh hàng hải.
Liên quan tới an ninh hàng hải, Nhật Bản chủ trương nhấn mạnh tới vai
trò và tầm quan trọng của các quy định pháp luật và tìm kiếm các giải
pháp hòa bình để giải quyết các cuộc tranh chấp.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác định, trong khuôn
khổ hội nghị này, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng về chủ đề “Ổn định và
Thịnh vượng tại châu Á” sẽ nêu vấn đề xây dựng “Vùng biển tự do và ổn
định,” trong đó bao gồm cả Biển Đông, là một trong những biện pháp cần
thiết đưa khu vực tăng trưởng thịnh vượng.
Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng thảo luận các thách thức
phát triển mà châu Phi đang đối mặt, các mục tiêu phát triển bền vững
(SDGs), đặc biệt tập trung vào hai lĩnh vực cải thiện y tế, tăng cường
năng lực và vai trò của nữ giới.
Phiên họp này được xem là tiền đề cho Hội nghị quốc tế Tokyo về phát
triển châu Phi (TICAD VI) sẽ diễn ra tại Kenya vào tháng Tám. Theo kế
hoạch, lãnh đạo các nước Việt Nam, Chad, Indonesia, Sri Lanka,
Bangladesh, Papua New Guinea, Lào cùng các quan chức đứng đầu các thể
chế toàn cầu gồm Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng Giám đốc
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới
(WB) Jim Yong Kim, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế
(OECD) Angel Gurria, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko
Nakao sẽ tham gia các hội nghị G7 mở rộng.
Là hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên được tổ chức tại châu Á trong vòng
tám năm qua, Nhật Bản khẳng định sẽ tận dụng cơ hội là chủ tịch đương
nhiệm của G7 để làm rõ vai trò cũng như những thách thức của châu Á, từ
đó tìm kiếm sự ủng hộ của các nước thành viên nói riêng cũng như thế
giới nói chung đối với các cách thức hiệu quả để giúp khu vực này phát
triển một cách bền vững và hòa bình.
Nhật Bản sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo thông qua việc đề xuất hàng loạt
sáng kiến như hợp tác vì sự ổn định của Trung Đông, cải thiện y tế toàn
cầu, thúc đẩy và hỗ trợ việc thực thi các SDGs tại châu Phi, thực hiện
các chương trình nhằm cải thiện bình đẳng giới…
Trong Báo cáo Tiến triển Ise Shima do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố
ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, các nước khẳng định phát triển
và tăng cường năng lượng của tất cả nhân loại là ưu tiên không đổi của
G7.
Để thực hiện được mục tiêu này, trách nhiệm và sự minh bạch sẽ là những
nguyên tắc cốt lõi của G7 để duy trì sự tin cậy và hiệu quả của các
quyết định do lãnh đạo các nước ban hành./.
(TTXVN)