Thứ Ba, 1/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 6/9/2012 11:12'(GMT+7)

Hội nghị quốc tế về Biển Đông tại Ma-lai-xi-a

Với chủ đề "Những phát triển địa chiến lược và triển vọng quản lý tranh chấp", hội nghị đã tập trung vào sáu phần chính, bao gồm vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và ảnh hưởng đối với môi trường an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đánh giá tình hình địa chính trị hiện nay ở Biển Đông, luật pháp quốc tế, cơ chế giải quyết tranh chấp, các giải pháp lâu dài và thảo luận nhóm về hướng giải quyết tranh chấp. 

Các học giả và các chuyên gia nghiên cứu đã trình bày tham luận, chia sẻ thông tin và đưa ra những đề xuất, biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát quản lý tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong bối cảnh địa chính trị trong khu vực đang có nhiều biến động. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cho rằng đây là thời điểm chín muồi để ASEAN và Trung Quốc bàn thảo với nhau để sớm hoàn tất bộ quy tắc này. Các đại biểu đánh giá cao vai trò của ASEAN, cho rằng ASEAN đã đi đúng hướng khi thúc đẩy xây dựng COC. Dự thảo về các thành tố cơ bản của COC mà ASEAN đã đạt được cơ bản đi đúng hướng và phù hợp với tình tình và thực tiễn tranh chấp đang xảy ra ở Biển Đông hiện nay.

Tại Hội nghị, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn đã đề xuất các lĩnh vực hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như các bên có liên quan để giúp ổn định khu vực, bao gồm việc hướng dẫn bổ sung để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); bắt đầu đối thoại về soạn thảo COC; tham gia vào đối thoại và hợp tác để thúc đẩy sự hiểu biết chung về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và đạt được sự hài hòa trong ứng dụng và thực hiện; khuyến khích quan hệ song phương, giúp quản lý tình hình chung, bao gồm các tranh chấp lãnh thổ. Theo ông Sơn, đây là những cơ sở để có thể quản lý tình hình ở Biển Đông, nhưng ASEAN và Trung Quốc cần phải sẵn sàng trong việc thu hẹp khoảng cách hiểu biết về môi trường chiến lược cũng như cơ chế pháp lý để thúc đẩy hợp tác hiệu quả.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất