Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh ghi nhận nhà văn Vũ Bằng có một
phẩm chất đáng quý là không bao giờ nói về mình, ông lặng lẽ sống, lặng
lẽ cống hiến cho cách mạng, vì nghệ thuật.
Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Vũ Bằng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội ngày 20/12.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh ghi nhận
nhà văn Vũ Bằng có một phẩm chất đáng quý là không bao giờ nói về mình,
ông lặng lẽ sống, lặng lẽ cống hiến cho cách mạng, vì nghệ thuật.
Ông là nhà văn, người chiến sỹ cách mạng sống có lý tưởng, nhân cách;
dâng hiến toàn bộ tài năng cho Tổ quốc. Cuộc đời của Vũ Bằng có nhiều
thăng trầm, đặc biệt do nhu cầu công việc, sau một thời gian bị những
“đám mây” che phủ, năm 2010 ông được “hoàn nguyên” và được thừa nhận là
một nhà văn xuất sắc trên văn đàn Việt Nam.
Ở Vũ Bằng có sự kết hợp được giữa báo chí-văn chương, văn chương-nghệ
thuật. Ghi nhận những đóng góp của Vũ Bằng, Đảng, Nhà nước đã truy tặng
ông Huân chương Nhà nước. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học
nghệ thuật.
Hoàn thiện chân dung và sự nghiệp của Vũ Bằng, Giáo sư Phong Lê chia sẻ
hai câu chuyện gắn với nhà văn Nam Cao; khẳng định Vũ Bằng là người phát
hiện nhiều tác phẩm đầu tay của một số nhà văn nổi tiếng trong trào lưu
văn học hiện thực.
Giáo sư Phong Lê nhấn mạnh những người viết theo binh nghiệp rồi có hàm
tướng, đại tá trong giới văn chương có rất nhiều trong đó có không ít
người xứng đáng được phong Anh hùng. Nhưng về hoạt động tình báo thì
giới văn chương có rất ít, nếu không nói là chưa có, trừ trường hợp của
Vũ Bằng.
Nhà văn, chiến sỹ cách mạng Vũ Bằng viết liên tục và rất nhiều, trong đó
đặc sắc nhất là mảng viết nỗi hoài nhớ đất Bắc, thủ đô Hà Nội. Các tác
phẩm của ông là sự tiếp nối rất tuyệt vời cho những trang về Hà Nội được
tạo dựng bởi Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài trước
năm 1945.
Khẳng định Vũ Bằng là một nhà báo có tâm, có tài, đầy nhiệt huyết, nhà
văn Hoàng Quốc Hải cho biết thêm cuộc đời 40 năm làm báo của Vũ Bằng
biết bao thăng trầm và sự đóng góp của ông không gì có thể cân đo đong
đếm. Với Vũ Bằng, báo chí là nghề, còn văn chương là tâm hồn và ý chí.
Hai tác phẩm 'Miếng ngon Hà Nội' và 'Thương nhớ mười hai' là nơi ông gửi gắm lòng mình, là nỗi niềm đau đáu một phương trời suốt mấy chục năm đằng đẵng…
Vũ Bằng (sinh 3/6/1913-7/4/1984 ), tên thật là Vũ Đăng Bằng, là một nhà
văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người có sở trường về viết
truyện ngắn, tùy bút, bút ký,... Ông đã vào Sài Gòn sau 1954 để làm báo
và hoạt động tình báo.
Ngoài bút hiệu Vũ Bằng, ông còn ký với các bút hiệu khác: Tiêu Liêu, Vịt
Con, Thiên Thư, Vạn Lý Trình, Lê Tâm, Hoàng Thị Trâm ... Vũ Bằng được
biết đến với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: 'Cai, Món ngon Hà Nội,' 'Thương nhớ mười hai,' 'Truyện hai người,' 'Bốn mươi năm nói láo'… Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Nhà nước, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật../.
(TTXVN)