Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ Nguyễn Quân trao đổi với báo chí về các giải pháp thúc đẩy hội nhập quốc tế giai đoạn
tới.
- Xin Bộ trưởng đánh giá hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện Việt Nam đã có quan hệ hợp
tác về khoa học và công nghệ với gần 70 quốc gia, tổ chức quốc tế, ký
kết hơn 80 Hiệp định hợp tác cấp Chính phủ và cấp Bộ trong lĩnh vực này.
Việt Nam đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về
khoa học và công nghệ. Tính từ năm 2000 đến nay, đã có trên 540 thỏa
thuận, hợp đồng hợp tác, hơn 400 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa
các tổ chức khoa học-công nghệ Việt Nam và quốc tế được thực hiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tích cực triển khai và thực hiện các
chương trình, đề án như Đề án Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ
đến năm 2020; Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương về khoa học và
công nghệ đến năm 2020; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ
nước ngoài vào Việt Nam đến năm 2020, dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo
thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST), chương trình Đối tác
đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP)…
Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ giúp Việt Nam khai thác hiệu
quả thành tựu quốc tế ở cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, góp
phần tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, thúc
đẩy quá trình đổi mới công nghệ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tích cực, chủ động tham
gia, đàm phán, ký kết biên bản các cuộc họp Ủy ban liên chính phủ trong
khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương; tham gia các diễn đàn quốc
tế, đẩy mạnh sự tham gia sâu hơn của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế
và khu vực như Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hiệp hội các
quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình
Dương (APEC), Ủy ban sử dụng không gian vì mục đích hòa bình của Liên
hiệp quốc (COPUOS), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)…
Ngoài ra, một số chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài cũng
được triển khai mạnh mẽ, góp phần hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao
công nghệ giúp quy trình bảo quản nông sản đạt hiệu quả cao, góp phần
thúc đẩy xuất khẩu. Việc tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học và công
nghệ đã tác động và góp phần nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng
của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.
- Trong quá trình hội nhập, Việt Nam gặp những khó khăn, thách thức gì thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Quá trình hội nhập về khoa học
và công nghệ cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, chủ yếu là do
nội lực của Việt Nam vẫn còn chưa đủ mạnh để đón nhận và tận dụng những
cơ hội này.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương quan trọng đồng
thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách nhằm tăng cường hội nhập
về khoa học và công nghệ. Điển hình là Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày
11/4/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai
đoạn 2011-2020 đã khẳng định hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ
là mục tiêu, đồng thời là giải pháp quan trọng để góp phần đưa khoa học
và công nghệ Việt Nam sớm đạt trình độ quốc tế.
Nghị quyết số 20-NQ-TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI
về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ
nghĩa và hội nhập quốc tế khẳng định “Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh và
chủ động hơn trong một số lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực, trình độ
khoa học và công nghệ trong nước”; Quyết định số 735/QĐ-TTg ngày
18/5/2011 cũng phê duyệt đề án hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ
đến năm 2020; Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 đã phê duyệt
Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và
công nghệ đến năm 2020…
Tuy nhiên, bên cạnh việc ban hành chủ trương, chính sách tạo hành lang
pháp lý thì nhận thức về vai trò và mối tương quan giữa hội nhập quốc tế
về khoa học và công nghệ với việc nâng cao năng lực nội sinh chưa kịp
thời, chưa sát với thực tiễn và nguồn lực tài chính hạn hẹp nên kết quả
chưa được như mong muốn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương cũng như giữa các
ngành chưa đồng bộ nên việc thúc đẩy hội nhập quốc tế về khoa học và
công nghệ chưa tương xứng với vai trò và vị trí của khoa học và công
nghệ.
- Xin Bộ trưởng cho biết phương hướng hội nhập quốc tế trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Quá trình hội nhập quốc tế về
khoa học và công nghệ của Việt Nam thời gian qua đã bước đầu gắn kết và
phục vụ hiệu quả cho nền kinh tế, nội dung và hình thức hợp tác cũng
ngày càng phong phú và đa dạng. Các lĩnh vực hội nhập cũng được mở rộng
từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ,
khoa học xã hội nhân văn, khoa học từ nhiên và nghiên cứu liên ngành.
Trên thực tế, hàm lượng khoa học và công nghệ đóng góp cho các hoạt động
quốc tế và khu vực còn thấp, các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát
triển công nghệ, các trường đại học chưa đủ năng lực và điều kiện xúc
tiến mở rộng các hoạt động hội nhập quốc tế do cơ sở vật chất, kỹ thuật
không đồng bộ, thiếu cán bộ nghiên cứu đầu ngành…
Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ mới chỉ thực hiện
trong khuôn khổ các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa
phương. Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế về
khoa học và công nghệ, nâng cao khả năng làm chủ công nghệ tiên tiến,
sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới…
Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên
các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy,
chính quyền, cá nhân, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội, trong hợp tác
quốc tế về khoa học và công nghệ đối với sự phát triển chung của đất
nước trong thời kỳ mới.
Bộ cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu chung
trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác; khuyến khích hợp tác nghiên cứu khoa
học và phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện
nghiên cứu, cá nhân với đối tác nước ngoài.
Đặc biệt chú trọng phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện
khoa học và công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, thu hút các chuyên gia, nhà
khoa học là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào
các chương trình, dự án nghiên cứu, đào tạo nhân lực khoa học và công
nghệ để hình thành nhóm nghiên cứu mạnh.
Bên cạnh đó, phải hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học xuất sắc
trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học của Việt
Nam và nước ngoài, thí điểm hợp tác xây dựng một số viện khoa học và
công nghệ tiên tiến có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo TTXVN