Thứ Năm, 28/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 1/4/2014 16:18'(GMT+7)

Hội sách TPHCM lần thứ 8: Cú hích văn hóa đọc

Nhà thơ Phong Việt ký tặng sách cho độc giả trẻ.

Nhà thơ Phong Việt ký tặng sách cho độc giả trẻ.

Bất ngờ

Việc tác phẩm Buồn làm sao buông của nhà văn trẻ Anh Khang đứng đầu danh mục sách bán chạy nhất có thể coi là bất ngờ lớn tại hội sách lần này. Trước đó, vị trí này được dự đoán là truyện tranh Nhật đã liên tục đứng đầu mấy kỳ hội sách và tác phẩm Hỏa ngục của nhà văn Dan Brown vốn đang được chú ý. Thậm chí chính các thành viên ban tổ chức đã phải thẩm tra lại nhiều lần các thông số thống kê, nhưng tất cả số liệu đều cho thấy, Anh Khang đã làm nên một bất ngờ thật sự.



Hội sách TPHCM không chỉ là cú hích đối với thị trường sách, với văn hóa đọc trong nước mà còn ghi dấu ấn tích cực của văn hóa đại chúng. Mặc dù có những lúc cao điểm rất đông nhưng mọi người vẫn xếp hàng chờ thanh toán, không cự cãi, lớn tiếng, chen lấn…, có ý thức môi trường, không xả rác. Tình trạng mất sách cũng ít hơn, như NXB Trẻ sách hao hụt chỉ khoảng 0,01%.


Mà không chỉ Anh Khang, các tác giả trẻ trong nước cũng làm nên một cuộc thay đổi ngoạn mục, những Iris Cao, Hamlet Trương, Jun Phạm đã loại bỏ gần hết những cuốn sách hướng nghiệp, sách dịch để chiếm gần trọn danh mục sách bán chạy. Không chỉ có thế, các cuộc giao lưu của những tác giả trẻ này… thu hút hàng chục ngàn bạn đọc trẻ cho thấy Hội sách lần 8 đã trở thành nơi khẳng định vai trò của các tác giả trẻ đối với thị trường sách trong nước hiện nay.

Một điều bất ngờ nữa tại hội sách lần này là sự phát triển mạnh mẽ của các đơn vị phát hành sách trực tuyến (online), tiêu biểu là hai thương hiệu Tiki và Vinabook. Nếu trước đây, phát hành online chỉ đóng vai phụ trong các kỳ hội sách thì lần này, với sự đầu tư nghiêm túc và chuyên nghiệp từ việc xây dựng gian hàng đến tổ chức các hoạt động văn hóa độc đáo, họ đã vươn lên mạnh mẽ, đứng trong danh sách 5 nhà phát hành lớn nhất. Thậm chí Tiki còn vượt qua tất cả các nhà phát hành khác để xếp vị trí thứ hai về số sách bán ra, chỉ sau Fahasa - đơn vị phát hành lớn nhất nước hiện nay.

Chuyên nghiệp hơn

Một điểm đáng ghi nhận khác là các đơn vị phát hành sách năm nay đã có ý thức chuyên nghiệp hơn. họ tập trung nhiều hơn vào xây dựng hình ảnh thương hiệu, lợi nhuận tại hội sách chuyển thành thứ yếu. Để làm được điều đó các đơn vị không tiếc công sức, tiền bạc nhằm ghi dấu ấn với bạn đọc, từ việc xây dựng gian hàng hấp dẫn như của Tiki, Đông A - Nhà sách Cá Chép đến các cuộc giao lưu đầy hấp dẫn của NXB Trẻ, Tổng hợp, VHVN, Vinabook, Phương Nam…

Tuy không có con số thống kê cụ thể nhưng nhìn vào danh mục các đầu sách bán chạy nhất, có thể nói bạn đọc trẻ là nhân tố ảnh hưởng lớn đến hội sách lần này khi 7 trên 10 tựa đều là sách dành cho giới trẻ. Trong suốt một tuần hội sách tại các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội tràn ngập các thông tin bạn trẻ rủ nhau đến hội sách, khoe nhau sách mua được ở hội sách. Theo ông Lê Hoàng, Trưởng Ban tổ chức hội sách, điều này cho thấy người trẻ không quay lưng với sách, chỉ cần có sách hay, phù hợp thì giới trẻ vẫn đến với sách.

Chính phủ vừa công bố chọn ngày 21-4 là Ngày sách Việt Nam. Bài học từ sự thành công của hội sách đem đến nhiều kinh nghiệm cho việc tổ chức Ngày sách sắp tới. Ông Lê Hoàng cho rằng, nếu chỉ nhằm vào một ngày duy nhất sẽ không thể tổ chức các hoạt động hấp dẫn bạn đọc và kiến nghị nên dành hẳn tháng 4 để làm tháng sách mà trong đó ngày 21-4 sẽ là điểm nhấn quan trọng nhất. Trong thời gian đó, các đơn vị làm sách trong cả nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để tôn vinh ngày sách như các cuộc thi tủ sách gia đình, góc sách của em (dành cho thiếu nhi), sách giảm giá… và vào đúng ngày 21-4 sẽ làm lễ trao giải cho các cuộc thi như thế. Những hoạt động đa dạng, thực tế như thế sẽ góp phần biến Ngày sách Việt Nam thực sự trở thành một ngày hội của sách, của những người yêu sách và của văn hóa đọc.

TƯỜNG VY/SGGP




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất