(TG)- Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2020), tại Hà Nội, ngày 26/11/2020, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Học viện Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học: “Cống hiến khoa học của Ph.Ăngghen - giá trị lịch sử và thời đại ngày nay”.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 bài tham luận và các ý kiến tham gia phát biểu của các nhà khoa học đã thống nhất khẳng định:
1. Ph.Ăngghen (1820 - 1895) nhà tư tưởng lý luận, lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Di sản của Người để lại rất đồ sộ, có giá trị lịch sử và thời đại, trở thành tài sản của cả nhân loại. Vì sự nghiệp cách mạng của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, Ph.Ăngghen đã gác bỏ nhiều dự định riêng, tập trung thời gian, công sức để thực hiện một công việc vô cùng nặng nề cho sự ra đời, phát triển chủ nghĩa Mác. Hiện nay, những cống hiến khoa học của Người vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự đối với thời đại cũng như đối với công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo.
2. Bằng hệ thống tư tưởng, lý luận của mình, Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác trang bị cho giai cấp vô sản và nhân dân tiến bộ trên thế giới một thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng triệt để để nhận thức sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và con người. Thực hiện bước ngoặt cách mạng trong tư tưởng triết học nhân loại; trình bày có hệ thống nhiều luận điểm, nguyên lý, quy luật và phạm trù của triết học. Đặc biệt, Ph.Ăngghen là người đầu tiên vận dụng phép biện chứng duy vật vào nhận thức những quy luật của tự nhiên, luận giải, khái quát những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên đương thời. Và nhờ đó, Ph.Ăngghen đã phát hiện ra ý nghĩa triết học, đưa ra những tiên đoán thiên tài về mối liên hệ giữa triết học với khoa học tự nhiên, về sự phát triển của khoa học trong tương lai. Chứng minh rằng, chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật là cơ sở lý luận, phương pháp luận không chỉ cho các khoa học xã hội, mà còn cho cả các khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật.
3. Ph.Ăngghen đứng trên lập trường giai cấp vô sản để phê phán phương pháp và một số quan điểm lý luận chủ yếu kinh tế chính trị học của giai cấp tư sản. Với những phát hiện, tư tưởng, quan điểm thể hiện trong các tác phẩm ngay từ thời gian đầu của Ph.Ăngghen, đã gợi mở cho C.Mác một hướng nghiên cứu mới, đúng đắn về xã hội tư bản, chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị học. Từ đó, C.Mác đã phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản - quy luật giá trị thặng dư. Mặt khác, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã vạch rõ quá trình phát sinh, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chỉ ra những mặt tiến bộ, đồng thời cũng vạch rõ những khuyết tật và mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Hai ông đã khẳng định, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ bị thay thế bởi phương thức sản xuất mới, cao hơn, tiến bộ hơn - phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.
4. Trên lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, Ph.Ăngghen đã lập luận và làm sáng tỏ lý luận của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Ông là người đầu tiên phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Cùng với đó, Ph.Ăngghen còn góp phần chỉ ra vai trò của các chính đảng cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân. Ông chỉ rõ, giai cấp công nhân chỉ có thể đấu tranh chống lại quyền lực của giai cấp tư sản, chỉ khi họ tự tổ chức được thành một đảng độc lập với tất cả chính đảng cũ do giai cấp tư sản lập ra và chỉ khi đó, giai cấp công nhân mới có thể hành động với tư cách là một giai cấp độc lập. Đồng thời, Ph.Ăngghen đã dành nhiều thời gian, công sức để tuyên truyền cho các tư tưởng và nguyên lý cách mạng của C.Mác vào phong trào công nhân.
5. Ph.Ăngghen là người đầu tiên xây dựng hệ thống quan điểm, lý luận trong lĩnh vực quân sự của giai cấp vô sản và các lực lượng cách mạng tiến bộ về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, bản chất chiến tranh; sự khác nhau căn bản về chiến tranh xâm lược và chiến tranh tự vệ; những vấn đề về xây dựng quân đội, bản chất giai cấp và sức mạnh chiến đấu của quân đội; về vai trò của vũ khí, kỹ thuật, mối quan hệ giữa con người và vũ khí… Hệ thống những quan điểm, tư tưởng lý luận đó vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
6. Ph.Ăngghen đấu tranh, bảo vệ chủ nghĩa Mác trước sự tấn công, xuyên tạc của các lực lượng thù địch, kiên quyết lên án những khuynh hướng, mưu toan biến chủ nghĩa Mác thành một mớ những công thức giáo điều, cứng nhắc, bất biến. Không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, Ph.Ăngghen đã đem nghị lực sôi sục, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân.
7. Ph.Ăngghen còn được ngưỡng mộ, kính trọng bởi phẩm chất cao cả thể hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thuỷ chung, cảm động, hiếm có với C.Mác.
8. Đối với cách mạng Việt Nam nói chung, với sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN trong giai đoạn hiện nay nói riêng, trong đó có những đóng góp vĩ đại của Ph.Ăngghen luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng nước ta.
9. Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Ph.Ăngghen là dịp để chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân và tôn vinh những cống hiến khoa học của Người đối với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ðây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận, khẳng định những giá trị khoa học của Ph.Ăngghen và vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Đồng thời, là cơ sở để đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị, sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và công lao, cống hiến vĩ đại của PhĂngghen đối với nhân loại. Mặc dù lịch sử thế giới đã trải qua bao thăng trầm, với muôn vàn sự kiện đã diễn ra; song cống hiến của Ph.Ăngghen đối với chủ nghĩa Mác, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn mãi mãi khắc sâu, có tầm ảnh hưởng to lớn trong thời đại hiện nay.
10. Thời gian tới, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu của Viện KHXHNVQS cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu những công hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen nói riêng, của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung đối với nhân loại, cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Đặc biệt, là sự trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tế Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cung cấp cơ sở khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đại tá, PGS. TS. Dương Quang Hiển