Thứ Năm, 5/12/2024
Nhịp cầu Tuyên giáo
Thứ Hai, 15/12/2014 17:0'(GMT+7)

Hội thảo đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Khiết, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết, mục tiêu của hội thảo khoa học là nhằm phân tích, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang để nhận rõ những thành tựu đạt được và những tồn tại, hạn chế từ công tác đào tạo, bồi dưỡng thu hút nguồn nhân lực, đến sử dụng, đãi ngộ và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực trong thời gian từ 2010-2014. Chia sẻ những kinh nghiệm với một số tỉnh bạn thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long về đào tạo và chính sách thu hút nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Về quy mô đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, những năm qua, tỉnh đã đầu tư một khoản kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Từ năm 2011-2014 đã đưa đi đào tạo 4.179 lượt người, bồi dưỡng 29.402 lượt người. Trong đó, đào tạo đội ngũ trí thức có trình độ cao 24 tiến sĩ, 282 thạc sĩ và 149 bác sĩ chuyên khoa I và II; 20.683 đại học. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 35.000 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 1 Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 24 tiến sĩ và 214 thạc sĩ; ngành y tế có 1.036 người có trình độ đại học trở lên. Các trường và trung tâm đào tạo nghề đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 231.219 lượt người, (cao đẳng nghề 1.976 người, trung cấp 4.240 người, sơ cấp 34.493 người). Trường Chính trị tỉnh phối hợp tuyến trên đào tạo hơn 3.000 cán bộ, công chức có trình độ đại học chuyên ngành, 5.000 lượt cán bộ có trình độ trung cấp chính trị, 2.000 cán bộ có trình độ cao cấp chính trị. Sau 4 năm tỉnh đã thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được 9 sinh viên tốt nghiệp đại học khá, giỏi về tỉnh công tác và 6 trí thức trẻ về công tác tại các xã ven biển.

Đồng chí Lê Minh Khởi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:  những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo; các cấp ủy đảng, chính quyền cũng xem công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Tỉnh đã dành một phần kinh phí thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Từ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng có nhiều chuyển biến tích cực. Đã tập trung đào tạo chuẩn hóa cán bộ theo chức danh, nhất là cán bộ chuyên trách và công chức xã, phường, thị trấn; đào tạo sau đại học số lượng tăng nhanh; chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nội dung, chương trình đào tạo từng bước được đổi mới; tăng cường đào tạo giảng viên; quan tâm xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo trong tỉnh; đã thành lập Trường Đại học Kiên Giang. Thực hiện tốt chế độ, chính sách trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Công tác thu hút nguồn nhân lực cũng đạt kết quả nhất định.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; cán bộ khoa học kỹ thuật vững về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ theo hướng đảm bảo yêu cầu chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đào tạo cán bộ dự nguồn có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, phát huy đúng ngành nghề, sở trường đảm nhiệm bảo đảm yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ đạt chuẩn, trong đó 30% có trình độ trên chuẩn, 95% có trình động đúng chuyên ngành.

Đào tạo cán bộ dự nguồn đảm bảo yêu cầu cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ và người dân tộc trong cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đào tạo cán bộ khoa học-kỹ thuật có trình độ trên đại học, kể cả đào tạo nước ngoài nhằm phục vụ yêu cầu phát triển các ngành nghề thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh.

Phấn đấu hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm; bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp; kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ; tin học, ngoại ngữ theo quy định.
Bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã: Phấn đấu 100% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quy định; 80% cán bộ chủ chốt cấp xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND) có trình độ từ đại học trở lên; 100% cá bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; 100% công chức cấp xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên và được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ.

100%  hoạt động không chuyên trách được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. 100% đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh thông qua công tác tuyển dụng công chức, viên chức thường xuyên hàng năm và Đề án đào tạo sau đại học nước ngoài của tỉnh.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo về phát huy tiềm năng “chất xám” của nguồn nhân lực để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Kiên Giang, Tiến sĩ Trần Văn Đúng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: để chất xám của cả nguồn nhân lực tích cực vận động nhằm tạo ra sản phẩm trí tuệ có giá trị cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Một là, tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.
Hai là, tính đúng đắn giá trị sản phẩm chất xám là tôn vinh người tạo ra nó cùng với chính sách đãi ngộ hợp lý.
Ba là, có cơ chế khuyến khích phát triển tài năng. Bốn là, có cơ chế sử dụng nguồn chất xám từ người cao tuổi.
Bốn là, củng cố và phát triển mạnh mẽ các tổ chức nghề nghiệp-xã hội, các tổ chức chính trị-xã hội, tạo môi trường cho tiềm năng chất xám được phát huy.
Năm là, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ngọn lửa nhiệt tình đóng góp xây dựng và phát triển tỉnh.
Sáu là, tạo điều kiện làm việc và trang thiết bị nghiên cứu.

Ban Tổ chức hội thảo, đã nhận được 13 bài tham luận của các nhà khoa học, cán bộ, lãnh đạo, quản lý, cán bộ hoạt động thực tiễn của các sở, ngành, Trường cao đẳng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Các bài tham luận đã phân tích, đánh giá đa chiều những nội dung chủ yếu liên quan đến vấn đề phát triển nguồn lực của tỉnh. Đồng thời, đóng góp ý kiến cho Đảng bộ tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chuẩn bị tiến hành đại hội đảng các cấp chuẩn bị tiến tới Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020)./.

Quốc Tuấn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất